I. Nhận định
Truyền thông Phật giáo qua Internet đang mở ra một khả năng kỳ diệu cho việc rộng truyền Giáo pháp. Trong khi các buổi giảng pháp, các khóa tu lớn dành cho Phật tử vẫn còn hạn chế ở những thành phố lớn và một số vùng miền có đủ điều kiện, phương tiện, thì việc truyền pháp online lại ngày càng thu hẹp dần những hạn chế trước đây. Đường truyền Internet ngày càng phổ cập và dễ dàng có được, từ các mạng cáp quang tốc độ cao cho đến hệ thống sóng 3G (và một số nơi đã có 4G) phủ khắp mọi nơi, đã tạo điều kiện để đa số người dân đều có thể tiếp cận được Internet, kể cả ở một số vùng xa xôi hẻo lánh. Song song theo đó, sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối như iPhone, iPad, Laptop cho đến các dòng smart phone giá rẻ… đã mở ra khả năng tiếp cận Internet cho cả những người có thu nhập thấp và rất thấp trong xã hội. Dân số Việt Nam có sử dụng Internet được thống kê chính thức vào giữa năm 2012 là hơn 30 triệu người. Với tốc độ phát triển cực nhanh của 5 năm qua, con số này ngày nay (2016) hẳn đã phát triển lên cao hơn gấp nhiều lần. Và nếu xét đến số lượng người Việt Nam đang sinh sống trên toàn cầu, ở những nơi có điều kiện kinh tế kỹ thuật dễ dàng hơn trong nước, thì tỷ lệ người sử dụng Internet chắc chắn còn cao hơn nữa. Và như vậy, việc sử dụng Internet như một phương tiện truyền bá Giáo pháp vừa là một lợi thế của thời đại, nhưng đồng thời cũng đã trở thành một nhu cầu tất yếu để có thể đưa Giáo pháp của Đức Thế Tôn đến với tất cả mọi người.
Chúng ta rất hoan hỷ tán thán cũng như không thể phủ nhận hiệu quả lớn lao của những khóa tu hiện nay được tổ chức với quy mô lớn. Nhiều Phật tử khát khao được nghe pháp và tu tập đến mức chấp nhận bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc để được tham dự các khóa tu tập. Mỗi khóa tu của chùa có hàng trăm người từ nhiều tỉnh thành trong nước về tham dự. Một số Phật tử Việt Nam còn sang tận Thái Lan dự các khóa tu do Làng Mai tổ chức hằng năm. Và trên thế giới thì không ít các Phật tử sẵn sàng vượt qua hàng trăm, hàng ngàn dặm đường để tham dự các khóa tu ở những trung tâm, những thiền viện lớn… Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn sâu hơn vào vấn đề để nhận ra một sự thật: Có bao nhiêu phần trăm Phật tử đủ khả năng tham gia như thế? Thời gian và phí tổn luôn là những rào cản rất khó vượt qua đối với nhiều người, có thể nói là đa số. Hơn nữa, các khóa tu như thế không diễn ra thường xuyên, trong khi nhu cầu tu học Phật pháp là một nhu cầu cần phải được đáp ứng trong đời sống hằng ngày.
Từ những nhận thức nêu trên, qua nhiều năm thao thức trăn trở, chúng tôi luôn nghĩ đến một hình thức tổ chức sao cho có thể tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và tu tập Giáo pháp của Phật tử khắp nơi, đồng thời cũng kết hợp cả những hoạt động góp sức xây dựng cộng đồng trong tinh thần phụng sự của người con Phật. Và một hình thức tổ chức như thế cũng cần phải tạo ra được khả năng liên kết tất cả mọi người Phật tử trong tinh thần phụng sự, sao cho mỗi người đều có thể góp sức phụng sự tha nhân một cách vô vị lợi, nhưng đồng thời thông qua sự góp sức phụng sự đó, mỗi người cũng đều sẽ nhận được lợi lạc từ một cộng đồng chung luôn được xây dựng và phát triển ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
II. Mục đích
Từ nhận định nêu trên, Chùa đề ra các mục đích như sau:
– Tận dụng ưu thế của truyền thông qua Internet để đưa Giáo pháp đến với tất cả mọi người, bao gồm Kinh điển, sách Phật học, các bài giảng pháp hoặc nội dung các khóa tu học, hỗ trợ người dùng tra cứu từ điển thuật ngữ Phật học, nghiên cứu học hỏi Giáo pháp… thông qua những kỹ thuật tiên tiến và sự chọn lọc hợp lý cũng như tổ chức cung cấp thông tin có hệ thống. Nói chung, Chùa sẽ sử dụng mọi phương tiện và khả năng tối ưu sẵn có để nhắm đến một mục tiêu cụ thể: Ở đâu có Internet, ở đó có thể tu học Giáo pháp.
– Vận dụng Phật pháp vào ngay trong đời sống hằng ngày, chia sẻ các giá trị vật chất và tinh thần theo đúng tinh thần vị tha như lời Phật dạy. Thông qua việc tổ chức các khóa học online, các hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ giáo dục, y tế thiện nguyện, ấn tống kinh sách… để kết nối mọi người con Phật trong tinh thần phụng sự cộng đồng. Nói chung, mọi hoạt động của Chùa trong khả năng của mình sẽ luôn nhắm đến mục đích: Mỗi người vì mọi người, người người đều lợi lạc.
III. Tôn chỉ
Chùa hướng đến các mục đích như trên thông qua một tôn chỉ duy nhất và xuyên suốt mọi hoạt động của Chùa, đó là: Liên kết và phụng sự.
Liên kết, vì theo lời Phật dạy thì bản chất của thế giới này vốn đã là một tổng thể tương quan tương thuộc. Chúng ta không thể hành động lẻ loi để mưu cầu lợi lạc hay an vui hạnh phúc cho riêng mình. Liên kết cùng nhau thì mỗi chúng ta đều sẽ có thêm sức mạnh, sẽ có được sự nâng đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng, và do đó có thể dễ dàng hơn trong những nỗ lực hoàn thiện bản thân mình và phụng sự tha nhân.
Phụng sự, vì cũng theo lời Phật dạy, phụng sự tha nhân chính là phụng sự bản thân mình. Thông qua việc phụng sự tha nhân trong tinh thần vị tha vô vị lợi, chúng ta sẽ tu dưỡng được các phẩm tính từ bi hỷ xả mà đạo Phật đã truyền dạy, và đó là phương thức chân chánh duy nhất để mỗi người có thể đạt đến sự an vui hạnh phúc dài lâu.
Liên kết không nhằm mục đích phụng sự thì mọi liên kết đều sẽ không bền vững, bởi nó không thực sự mang lại an vui lợi lạc cho cả đôi bên.
Phụng sự không có liên kết thì tâm nguyện phụng sự dù mạnh mẽ đến đâu cũng chỉ là ước nguyện mà rất khó trở thành hiện thực vì không đủ sức thực hiện.
Vì thế, tôn chỉ của Chùa kể từ khi thành lập là liên kết và phụng sự, và sẽ tiếp tục duy trì trong suốt quá trình hoạt động của hội kể từ nay cho đến mai sau.
Theo tôn chỉ liên kết, Chùa hoan nghênh sự tham gia liên kết với mọi cá nhân và tổ chức có cùng mục đích phụng sự tha nhân, phụng sự Đạo pháp, không phân biệt vùng miền, tông phái hay truyền thống tu tập khác nhau. Các thành viên liên kết đều hoạt động độc lập để phụng sự theo phương hướng và cách thức của riêng mình, phù hợp với tôn chỉ của Chùa nhưng hoàn toàn không có sự phụ thuộc hoặc chi phối lẫn nhau. Sự liên kết chỉ nhằm giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau.
Theo tôn chỉ phụng sự, mọi hoạt động của Chùa đều hoàn toàn phi lợi nhuận (non-profit), không chỉ trong các hoạt động truyền thông online mà kể cả các hoạt động offline. Chùa phụng sự cộng đồng bằng vào khả năng tự lực của các hội viên, không chấp nhận bất kỳ hình thức quyên góp hay gây quỹ nào nhân danh Chùa Hang.