Bước đầu tìm hiểu triết lý Phật giáo

Phật giáo là một tôn giáo nhập thế tích cực dựa trên nền tảng triết lý khoa học chặt chẽ. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, tư tưởng và giáo pháp của Đức Phật luôn đồng hành với lịch sử hoạt động và phát triển của cuộc sống loài người. Những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan, và vũ trụ quan đã chỉ ra chân lý trong giáo lý của Đức Phật nhằm hướng tới mục đích cứu khổ độ mê, chỉ rõ từng việc làm của con người, đưa con người đi đến giải thoát và giải thoát hoàn toàn mọi khổ ách trong cuộc sống nhân sinh.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau khi chứng ngộ về vũ trụ vạn vật cũng như con người trong thế gian, Đức Phật Thích Ca đưa ra giáo lý thuyết pháp độ sanh trong ba thừa: Tiểu thừa Thanh Văn, Tiểu thừa Duyên Giác và Đại thừa Bồ Tát. Ba thừa là ba cỗ xe. Cỗ xe nhỏ Thanh Văn chở giáo lý Tứ Đế và các pháp khác khai mở triết lý nhân sinh, dẫn dụ con người đến bờ giải thoát. Cỗ xe nhỏ thứ hai – Tiểu thừa Duyên Giác chở giáo lý Duyên khởi. Đây là triết lý về tự nhiên, lý giải vạn vật được sinh ra do duyên sinh mà khởi. Con người được sinh ra từ sự sinh khởi hòa hợp của 12 nhân duyên, vạn vật được sinh ra là do nhân duyên tương ứng. Con người và vạn vật đều được khởi sinh theo luật nhân quả. Ba phạm trù Nhân, Duyên và Quả liên hệ chặt chẽ, tương ứng hòa hợp với nhau trong quá trình khởi sinh con người và vạn hữu trong thế giới tự nhiên. Cỗ xe lớn – Đại thừa Bồ Tát chở giáo lý tánh Không, Bồ Tát dùng sức phương tiện quán chiếu về vũ trụ, vạn vật và con người thấy chúng đều không có tự tánh, không có cái tạo tác, không tự sinh ra nên không thật có, tất cả đều Không. Từ pháp Không này, các tư tưởng và triết lý trong ba thừa giáo được hoàn thiện và sáng tỏ.

Các triết lý Phật giáo mang tính thực tiễn, có giá trị nhân văn lớn lao, nhưng nội dung giáo lý trong ba thừa Đức Phật thuyết tùy thuận theo căn cơ chúng sinh: Ở hàng Tiểu thừa nội dung giáo pháp được chỉ thẳng, phơi bày trong nghĩa lý ngôn từ, gọi là đọa ngôn từ, còn ở hàng Bồ Tát Đại thừa Đức Phật thuyết vượt ngôn từ, nghĩa lý không phơi bày ở ngôn từ, phải có phương tiện và phương pháp phù hợp mới tiếp cận được nội dung giáo pháp. Do vậy, cần có sự tìm hiểu nghiên cứu để hiểu đúng tư tưởng và triết lý của Đức Phật, từ đó mới có thể vận dụng, thực hành trong đời sống thực tiễn, đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho cuộc sống nhân sinh.

II. CÁC TRIẾT LÝ CĂN BẢN CỦA PHẬT GIÁO

1. Triết lý nhân sinh trong Phật giáo:

Khi chứng ngộ thật tướng về vũ trụ, thế giới và con người, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thấy rằng loài người đắm chìm trong biển khổ sanh tử bởi do luật nhân quả của vũ trụ áp đặt dựa vào tam nghiệp thân, khẩu, ý thiện hay ác của mỗi người. Cuộc sống khổ đau trong thế giới nhân sinh này là sự báo ứng, đọa sanh hành nghiệp phù hợp với tính nhân quả. Từ sự chứng ngộ này, Đức Thế Tôn đưa ra lý thuyết Tứ Đế, chỉ ra chân lý của con người được thuyết giảng ở hàng tiểu thừa Thanh Văn là Tiểu thừa thứ nhất, nhằm đưa loài người đi đến giải thoát mọi khổ ách, phiền não và các đường sanh tử trong 3 ác đạo: ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.

Quan sát về cuộc sống nhân sinh, Đức Phật chỉ ra mọi khổ đau trong kiếp đời hiện tại này không tự nhiên diễn ra mà là sự báo ứng nhân quả dựa theo nghiệp do con người gây ra trong nhiều tiền kiếp. Thân và mệnh của mỗi người đang có là do nghiệp mang lại, con người không thể tự phấn đấu vươn lên để giải thoát theo ý muốn chủ quan của mình. Muốn giải thoát được mọi khổ đau, con người phải diệt nghiệp để tránh nhân quả báo ứng, chỉ có tinh tấn diệt nghiệp mới có thể giải thoát được mọi sự khổ của cuộc đời. Con người tự mình tư duy, phấn đấu vươn lên, tự mình tìm con đường riêng để thoát khổ là không thể. Bởi vì theo nhân quả báo ứng, các sự khổ sẽ xảy ra lúc nào con người không thể biết mà tránh. Theo luật nhân quả của vũ trụ hiện hành, loài người được gieo nhân báo quả theo định mệnh, những khổ đau của cuộc đời được định trước theo nghiệp khi tái sinh luân hồi. Trong kinh Nhân Quả nói: “Muốn biết việc làm kiếp trước xem sự hưởng đời nay, muốn biết sự hưởng kiếp sau xem việc làm kiếp này”. Chiếu theo định mệnh, các sự khổ sẽ được ứng báo, được diễn ra theo thời gian trong cuộc đời, con người không thể biết trước nên không thể tự mình tránh thoát được mọi khổ đau.

Để giải thoát con người khỏi mọi khổ ách sanh tử, thoát khỏi mọi sầu bi khổ não, Đức Phật đưa ra lý thuyết Tứ Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo chỉ ra các sự khổ của loài người và nguyên nhân gây ra đau khổ, đồng thời chỉ ra con đường diệt khổ nhằm đưa loài người đi vào con đường giải thoát và đi đến giải thoát hoàn toàn. Đây là chân lý giải thoát, là triết lý nhân sinh Đức Phật phán trong Tiểu thừa Thanh Văn. Loài người phải nương vào chân lý này để tìm đến con đường giải thoát và thực hiện theo lời dạy của Đức Phật trong Bát chánh Đạo và diệt hết những nghiệp ác bất thiện, thực hiện các pháp tu hành sửa đổi các việc làm như Ngũ giới, Thập thiện Đạo, 37 phẩm trợ Đạo thì tránh được nhân quả báo ứng khổ đau và đi đến giải thoát mọi khổ ách sanh tử, đến với cuộc sống an lạc theo luật nhân quả mà vũ trụ đã định đoạt.

Trong quá trình sinh hóa và phát triển vạn vật trong thế giới tự nhiên, con người được sinh ra, tồn tại và phát triển theo luật nhân quả. Các sự khổ diễn ra trong cuộc đời là do nghiệp lực đã gây tạo lên từ kiếp trước, nên đến kiếp này phải trả nghiệp, báo thân. Do vô minh mà khởi sinh các hoạt động hành nghiệp trong thập bất thiện đạo nên con người bị báo ứng nhân quả, bị hành nghiệp trong vô thường, thọ thân trong luân hồi lục đạo, mang hết thân này sang thân khác trong muôn loài chúng sinh, chịu vô lượng khổ trong sinh tử. Do đó Khổ đế là một chân lý tuyệt đối của con người cũng như muôn loài phải mang thân trả nghiệp trong thế gian này.

Con người được sinh ra, phát triển và tồn tại bị phụ thuộc hoàn toàn vào các yếu tố tác động của vũ trụ theo luật nhân quả. Trong vũ trụ bao la có hằng sa thế giới. Cõi Ta Bà thế giới này là bờ sinh tử, tất cả đều phải tuân theo luật nhân quả của vũ trụ trong phát triển và trường tồn. Do đó, con người sống trên thế giới này đã được mặc định một bản mệnh phát triển của cuộc đời từ khi sinh đến khi chết tùy theo nghiệp lực gây ra trong tiền kiếp. Mọi sự kiện diễn ra trong sự phát triển của cuộc sống hàng ngày là những mất mát khổ đau, sướng vui thành đạt… vui buồn lẫn lộn trong vô thường biến dịch, không thường định, không thường còn, không thường hằng. Tất cả đã được định mệnh theo luật nhân quả, không bao giờ sai khác.

Đức Phật còn chỉ ra sự cấu thành của cơ thể con người, cơ thể con người được cấu tạo nên bởi ngũ uẩn, bao gồm hai thành phần: sắc tướng (uẩn sắc) và vô sắc tướng (4 uẩn còn lại: thọ, tưởng, hành, thức). Sắc tướng là thân tứ đại, là thực thể hữu hình thuộc về thể xác vật chất; Vô sắc tướng là thực thể vô hình thuộc về tinh thần. Sau khi chết, thực thể vật chất sụp đổ và biến hoại còn thực thể tinh thần vẫn tồn tại và thoát ra ngoài cơ thể vật chất. Thực thể tinh thần này tồn tại với hình thức Vô sắc tướng (vô hình, mắt thường không nhìn thấy được) và vẫn giữ được ý thức, các giác quan cảm giác, sức khỏe… cho nên trong thế giới này, ngoài sự có mặt của con người bằng xương bằng thịt còn có một thế giới con người siêu hình, vô sắc tướng tồn tại xung quanh chúng ta. Thế giới siêu hình đó là sự sống của con người sau khi chết. Có thể gọi thành phần vô sắc tướng là linh hồn nhưng linh hồn trong Phật giáo không giống với linh hồn của các tôn giáo khác luôn tồn tại vĩnh hằng. Đây là linh hồn chỉ thành phần vô sắc tướng, thành phần tinh thần của con người, thành phần này chỉ tồn tại một thời gian nhất định sau khi chết, thời gian tồn tại ngắn hay dài tùy theo nghiệp, sau đó thành phần vô sắc tướng hay linh hồn này sẽ sụp đổ, tan biến không tồn tại vĩnh hằng, chỉ còn lại chủng tử tức là còn lại phần Tâm, gồm A lại da thức và Mạt na thức, tức là còn lại Phật tánh và ý thức, được gọi là Tâm vương và Tâm sở, còn cơ thể vô hình, chân tay mặt mũi… sẽ bị sụp đổ hoàn toàn và chỉ còn lại chủng tử. Chủng tử này sẽ luân hồi, đầu thai tái sinh trở lại theo nghiệp báo sanh tử từ luật nhân quả mà vũ trụ đã áp đặt. Những người khi sống làm nhiều việc thiện thì khi chết linh hồn sẽ được vãng sanh về thế giới bên kia “đến bờ kia”, thế giới cực lạc. Những linh hồn này sẽ được tồn tại với thời gian lâu hơn nhiều so với các linh hồn ở cõi âm phủ nhưng đến một giai đoạn nhất định thì các linh hồn này cũng sụp đổ và tái sinh trở lại trái đất (Những người tu thành Phật tại thế gian như Đức Phật Thích Ca sau khi nhập diệt, linh hồn về được với Niết Bàn Cực Lạc có thời gian tồn tại từ 16-20 tiểu kiếp, một tiểu kiếp bằng 16.780.000 năm). Linh hồn không tồn tại vĩnh hằng, từ cõi âm đến cõi trời, dù là thực thể vật chất hay thực thể tinh thần, cái gì có sinh thì có diệt, cái gì không sinh thì không diệt.

Trong thực thể tinh thần của con người có một chủng tử 2 thành phần A lại da thức và Mạt na thức. Thành phần A lại da thức là thành phần siêu trí tuệ, đây chính là Phật tánh, một phân thân của đức Như Lai Phật Tổ, còn gọi là tánh Không hay Pháp tánh thường trụ, Tự Tánh… Phật tại Tâm trong mỗi con người. Trong kinh Lăng Già Đức Phật gọi đây là Như Lai tạng, ẩn trong thân chúng sinh như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ. Mỗi con người đều có một Phật tánh, một cái Như Lai tạng siêu ý thức, siêu tự nhiên nên con người cũng có rất nhiều khả năng siêu nhiên nhưng không khai thác được mà chỉ thể hiện được những khả năng thông thường theo nghiệp báo sinh tử. Vì chúng sinh còn lầm mê, điên đảo tạo nghiệp nơi thân khẩu ý nên phải thọ thân trả nghiệp trong năm đường sanh tử luân hồi, cho dù khả năng siêu nhiên trong con người là vô tận bởi tự tánh của Như Lai là vô tận nhưng con người không phát khởi được các khả năng siêu nhiên mà chỉ được khởi ra những khả năng thuần túy theo nhân quả tương ứng với nghiệp.

Như vậy, triết lý nhân sinh của Phật giáo quan niệm con người, cuộc sống của con người bị chi phối theo nhân quả và định mệnh. Đó là “chánh mạng”. Trong Kinh Bát Nhã Đức Phật có nói con người “thân giả, mạng giả” bởi vì thân hay mạng được sinh ra là do nhân quả báo ứng theo nghiệp mà sinh. Nếu nghiệp ác nhiều thì mang thân súc sinh, mạng khổ đau, nếu nghiệp ác ít, nghiệp thiện nhiều thì mang thân người và mạng an lạc hơn. Thân và mạng thay đổi từ kiếp này sang kiếp khác cho nên thân mạng con người cũng như muôn loài đều không thực, chỉ là một cái giả ảo, được biến hiện theo nghiệp mà thôi.

2. Triết lý tự nhiên:

Trong thế giới quan Phật giáo, Đức Phật chỉ ra rằng sự sinh hóa, phát triển và tồn tại của tự nhiên, của mọi sự vật, hiện tượng và con người trên thế giới này là do nhân duyên hòa hợp mà thành. Nhân duyên là có nhân và có duyên thì mới có kết quả sinh khởi, nếu không có nhân, không có duyên thì không có kết quả sinh khởi, vạn vật không được sinh ra. Như vậy, các yếu tố nhân duyên này phải hòa hợp, nếu không hòa hợp thì tuy có nhân và duyên nhưng vẫn không sinh ra kết quả.

Trong kinh Duyên sinh, Đức Phật nói rằng: “Từ hạt giống sinh ra mầm, từ mầm sinh ra lá, từ lá sinh ra thân cây, từ thân cây sinh ra đốt, từ đốt sinh ra nụ, từ nụ sinh ra hoa, từ hoa sinh ra trái; Nếu không có hạt giống mầm tức không sinh cho đến nếu không có hoa trái cũng không sinh được. Có hạt giống mầm mới sinh được như thế thời có hoa trái cũng mới sinh được.

Song hạt giống kia cũng không khởi ra ý niệm: “Ta sinh ra mầm.”  Mầm cũng không khởi ra ý niệm: “Ta từ hạt giống sinh ra.” Cho đến hoa cũng không khởi ra ý niệm: “Ta sinh ra trái.” Trái cũng không khởi ra ý niệm: “ta từ hoa sinh ra”. Tuy thế vì có hạt giống mà mầm được sinh ra và cũng như thế vì có hoa mà trái liền được thành tựu.

Nên quan sát cái nghĩa “Ngoại nhân duyên pháp, nhân tương ứng như thế.”

Nên quan sát “Ngoại nhân duyên pháp, nhân tương ứng” như thế nào? Cần 6 giới (giới phận) hòa hợp. Vì là 6 giới hòa hợp là: địa giới (đất), thủy giới (nước), hỏa giới (lửa), phong giới (gió), không giới (không gian), thời giới (thời gian). Những giới phận ấy hòa hợp với nhau thời ngoại nhân duyên pháp sinh khởi được.

Nên quán sát cái nghĩa “ngoại nhân duyên pháp, nhân tương ứng như thế”… Nếu ngoài, địa giới hoàn toàn đầy đủ, cho đến thủy, hỏa, phong, không, thời giới… cũng hoàn toàn đầy đủ như thế, lại hết thảy hòa hợp, thời khi hạt giống diệt rồi, mầm sinh ra được…

Tuy thế, có những duyên ấy khi hạt giống diệt rồi mầm liền sinh ra được. Và cũng như thế khi có hoa, trái liền sinh ra được thế là, mầm kia cũng không phải tự mình tạo tác cũng không phải là cái khác tạo tác, không phải là tự tại tạo tác, cũng không phải là thời biến đổi, không phải là tự tính sinh ra, cũng không phải là không có nhân mà sinh ra được. Dù vậy, địa, thủy, hỏa, phong, không, thời giới…hòa hợp, khi hạt giống diệt rồi, mầm được sinh ra.”

Nên quán sát cái nghĩa “ ngoại nhân duyên pháp, nhân tương ứng” như thế.” (1)

Tạo hóa không tạo hóa trực tiếp mà dựa vào các yếu tố của nhân duyên để tạo tác. Như vậy, quá trình sinh khởi của vạn vật phải đủ các yếu tố về nhân duyên, cho dù các yếu tố đó không phải là cái tạo tác, cũng không phải là cái Tư Duy tạo tác. Đó là quy luật sinh hóa và phát triển của vạn vật trong tự nhiên.

Trong quá trình quan sát về tự nhiên, Đức Phật chỉ rõ trong thuyết duyên khởi vạn vật được sinh ra là do nhân duyên hợp lại mà thành. Do đó, dù có tạo hóa thì nguyên tắc sinh khởi của các pháp là phải đủ các yếu tố về nhân và duyên. Các yếu tố đó phải phù hợp với nội và ngoại nhân duyên. Mọi vật chất đều phải phụ thuộc vào các yếu tố tác động của bên ngoài. Ví dụ các loài cây phải phụ thuộc vào các yếu tố như đất, nước, nhiệt độ và không gian… thì mới sinh được. Sự sinh khởi của tất cả pháp đều phải có nhân và có duyên nên Đức Phật nói: Tất cả các pháp đều do nhân duyên sinh nhưng nhân và duyên không phải là chủ thể tạo tác như trong kinh duyên sinh đã nói rõ ở trên.

Sự có mặt của vũ trụ vạn vật cũng như con người được sinh ra trong vũ trụ này là tùy duyên trên cơ sở nhân quả. Tăng thượng duyên quyết định nhân quả, thứ đệ duyên hòa hợp với nhân quả, duyên duyên đi đến khởi sinh trùng trùng điệp điệp, duyên này nối tiếp duyên kia, trùng trùng duyên khởi, tạo ra vạn vật đa dạng, vô tận trong vũ trụ này. Thuyết duyên khởi nói lên nguyên lý để sinh ra mọi sự vật hiện tượng. Nếu không có nhân quả thì nhân duyên không sinh, nếu không có nhân duyên thì nhân quả không sinh và các pháp sẽ không hiện hữu. Dựa vào nguyên lý này để Đức Phật sáng tạo ra thế giới và vũ trụ vạn vật theo tính nhân quả đã được định sẵn. Nhân duyên là nguyên lý sinh khởi, không phải là chủ thể sinh khởi lên vạn pháp.

Sự hiện hữu của vạn vật trên thế giới này là do Pháp Tánh tạo tác, sản xuất, cấu tạo và sinh khởi lên nhưng nếu không đủ các yếu tố về nhân duyên thì Pháp Tánh không thể tạo tác phù hợp, khởi sinh các pháp. Do đó, tự nhiên được sinh ra phải tuân theo quy luật nhân quả, phải có nhân có duyên tương ứng mới được sinh.

Thuyết duyên khởi nhận thức về thế giới, quy luật sinh hóa, phát triển và tồn tại của con người cũng như mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên khởi tạo, vũ trụ, vạn vật được sinh ra là do nhân duyên hợp lại mà thành. Đây là thế giới quan Phật giáo. Thuyết Duyên khởi được Đức Phật thuyết giảng cho bậc Tiểu thừa Duyên giác. Dựa vào căn cơ thứ lớp mà Đức Phật thuyết giảng khế lý hợp khế cơ, chỉ có hàng A na hàm, A la hán, Bích chi độc giác mới tu được vào thuyết Duyên khởi và 12 nhân duyên.

Đối với con người, Đức Phật chỉ ra rằng con người được sinh ra trong thế giới này theo sự tương ứng của 12 nhân duyên từ Vô minh đến Lão tử. Bánh xe sinh tử và luân hồi 12 nhân duyên liên đới chặt chẽ với quá trình sinh ra con người trong 3 đời bao gồm kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Sự sinh khởi con người trong thế giới được áp dụng theo luật nhân quả và diễn biến theo quy luật của 12 nhân duyên: Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Nếu như vô minh mà sinh thì 12 nhân duyên sẽ sinh, con người sẽ được sinh ra theo quy luật này. Nếu vô minh diệt thì các chi phần còn lại cũng sẽ diệt và con người thoát ly sinh tử, không được sinh ra.

Chi phần Vô minh là sự lầm mê, không hiểu biết của con người. Con người không hiểu biết Tứ Đế, không hiểu biết 5 uẩn được cấu thành như thế nào? các sự khổ diễn ra trong cuộc đời do đâu mà có? …Trong Kinh Đức Phật nói: “ … Này Tỳ- kheo, chính là không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con Đường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ-kheo, đấy gọi là vô minh… rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Đường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ-kheo, đấy gọi là minh”. (2)

Do không rõ biết Tứ Đế nên con người không biết được nguyên nhân gây ra mọi sự khổ đau trong cuộc đời là do Nghiệp. Trong Tập đế, Đức Phật chỉ ra nguyên nhân gây ra đau khổ. Tập đế là huân tập các nghiệp lực hư ngụy từ vô thỉ; đây là các nghiệp lực phiền não từ các việc làm độc ác không lành trong tam nghiệp thân, khẩu, ý của con người. Dựa trên những việc làm độc ác này mà Đức Phật báo ứng nhân quả, đọa sanh hành nghiệp, diễn ra các sự khổ để hành khổ con người. Con người không nhận thức được những việc làm không lành của mình sẽ gây ra nghiệp quả báo ứng nên gọi là vô minh.

Như vậy, khi vô minh sinh thì hành sinh như trong Kinh Phật nói: Vô minh có mặt thì hành có mặt, có nghĩa không biết được trong tam nghiệp thân, khẩu, ý tạo gây những nghiệp bất thiện, tức là những việc làm độc ác không lành, phải chịu nhân quả báo ứng khổ đau nên con người tạo nghiệp. Hành tức là Nghiệp, trong Kinh Đức Phật nói: Này các tỳ kheo có 3 hành này, thân hành, khẩu hành và ý hành. Như vậy, hành là các hành động tác nghiệp của thân, khẩu và ý. Những hành động tác nghiệp này tạo gây những nghiệp ác bất thiện. Do đó, Vô minh sinh thì Hành sinh.

Trong kinh Duyên Sinh Đức Phật nói: “Nếu ai thấy được Nhân Duyên tức là người ấy thấy được Pháp; Nếu ai thấy được Pháp tức là người ấy thấy được Phật, vậy trong này thời cái gì là nhân duyên?

Nói là Nhân Duyên, thời: “Đây có thì kia có, đây sinh nên kia sinh”. Như: Vô minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức…Vô Minh cũng không khởi ra ý niệm: “ta sinh ra Hành”; Hành cũng không khởi ra ý niệm: “Ta từ nơi vô minh mà sinh ra”; cho đến Sinh cũng không khởi ra ý niệm: “Ta sinh ra Lão Tử”; Lão Tử cũng không khởi ra ý niệm: “ta từ nơi Sinh mà có” … (3).

Như vậy, không phải 12 nhân duyên là chủ thể sinh ra con người mà 12 nhân duyên là những yếu tố của nhân và quả vận hành theo quy luật để sinh ra con người. Con người và vạn vật được sinh ra trong tự nhiên đều theo quy luật nhân quả, tùy duyên hòa hợp mà sinh chứ không phải Nhân Duyên là cái tạo tác khởi sinh. Vì tất cả các nhân duyên đều không “nho- đồng”, tức là không có cái tạo tác. Pháp Tánh, Tự Tánh là cái tạo tác sinh khởi lên con người và vạn vật. Pháp Tánh, Tự Tánh đó chính là Phật Tánh trong vạn pháp, là phân thân của Đức Như Lai, không phải của con người, không phải của các pháp. Các pháp không có tự tánh.

Bởi các pháp không có Tự Tánh làm cái tạo tác nên các pháp không tự sinh ra được các pháp và Nhân Duyên cũng không phải là chủ tể sinh ra các pháp. Nhân Duyên cũng không có ý niệm là sẽ sinh ra Nhân hay sinh ra Duyên. Do đó vạn vật trong tự nhiên được sinh ra là do Phật Tánh thường trụ trong các pháp, tức là trong chúng sinh và trong vạn vật như trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói: Nhân duyên chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Nhân duyên.

Quá trình quan sát về tự nhiên theo thuyết Duyên Khởi đem lại nhận thức: Con người cũng như vạn vật được sinh ra, phát triển và tồn tại là do Phật Tánh phân thân của Đức Phật tạo tác sinh diệt. Quá trình tạo tác sinh diệt đó được vận hành theo quy luật nhân quả, theo nhân duyên hòa hợp tương ứng chứ không phải tạo tác ngẫu nhiên. Con người và mọi sự vật hiện tượng đều do tạo hóa sinh ra, Đức Phật là đấng tạo hóa dựa theo quy luật nhân quả để vận hành quá trình sinh hóa, phát triển và tồn tại của thế giới tự nhiên và con người.

3. Vũ trụ quan Phật giáo:

Trong quá trình quan sát về vũ trụ vạn vật, Phật giáo Đại thừa thấy rằng trong mỗi vật chất đều có một tinh thần. Đối với con người Đức Phật chia thành 5 phần để quan sát. Đó là Sắc và Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Uẩn Sắc là thành phần vật chất, Các uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức thuộc về thành phần tinh thần. Khi quan sát về Sắc, tức là quan sát về vật chất thể xác của con người, Đức Phật thấy rằng có một cái tạo tác đang tự nó sản xuất, cấu tạo và sinh ra vật chất. Cái tạo tác đó được Đức Phật gọi là Tự Tánh hoặc gọi chung là Pháp Tánh trong các pháp. Tự tánh đó không phải của Sắc mà là của một trí tuệ siêu việt trong vũ trụ. Trí tuệ siêu việt Bát Nhã ba la mật nghĩa là trí tuệ bờ kia đến. Như vậy, cái tạo tác để sinh ra thể xác con người được gọi là cái Tự Tánh, tự nó tạo tác khởi sinh, nó đến từ bờ kia, không phải ở bờ sanh tử này. Tự Tánh đó chính là trí tuệ, cũng gọi là Bát Nhã. Trí tuệ đó được gọi là trí tuệ Phật.

Như vậy, sự tạo hóa sinh ra con người là một trí tuệ chứ không phải con người tự sinh ra được con người. Đối với thọ, tưởng, hành, thức thành phần về tinh thần của con người cũng như vậy.

Thể chất và tinh thần con người được sinh ra là do trí tuệ Phật. Trí tuệ Phật cũng tức là trí tuệ của Như Lai hay còn gọi là Đức Phật Như Lai.

Trí tuệ Phật được hiện hữu là do Đức Phật Như Lai phân thân thị hiện. Trong kinh Đại Niết Bàn Đức Phật nói về Đại tự tại của Như Lai: “…có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thật chẳng phải vi trần vì sức tự tại mà thị hiện vi trần thân”.(4) Như vậy, Đức Phật Như Lai dùng sức tự tại để phân thân biến thể ra nhiều thân lớn nhỏ được ví như vi trần, tức là những hạt bụi nhỏ. Mỗi vi trần thân cũng chính là thân của Như Lai bao gồm trí tuệ và thần lực, còn gọi là pháp thân của Như Lai.

Như vậy, một pháp thân của Như Lai được gọi là tự tánh của Như Lai tạo tác sinh ra con người. Do đó tự tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức là của Như Lai nên sắc thọ tưởng hành thức không có tự tánh.

Sự thật của vạn vật là không có Tự Tánh nên không có cái tạo tác để cấu tạo, sinh khởi ra nó như trong vô tác tam muội đã nói các pháp không mong cầu tạo tác. Do không có cái tạo tác để khởi sanh nên vạn vật không sanh, do không sanh nên không diệt, như trong pháp vô tướng tam muội nói rõ: “Tịch diệt tướng các pháp không nghĩ không nhớ”, do không sanh, không diệt nên không có, rỗng không: “vô sắc, vô thọ tưởng hành thức”, không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, quan sát về con người thì thấy con người không có thể chất và không có tinh thần vì nó không tự sinh ra được chính nó. Con người chỉ là một cái sản phẩm được sinh ra bởi một cái Tự Tánh, Pháp Tánh của trí tuệ siêu việt trong vũ trụ phân thân. Trí tuệ đó được Đức Phật Thích Ca gọi là trí tuệ Phật hay còn gọi là Đức Phật, cũng được gọi là Như Lai. Do vậy, Tự Tánh này cũng được gọi là pháp thân của Như Lai.

Khi tìm xét về cái tạo tác sinh ra mọi sự vật nghĩa là tìm xét quan sát về Tự Tánh, Pháp Tánh đang hoạt động tạo tác sinh ra và phát triển trong các pháp thì thấy rằng cái Pháp Tánh này cũng không tự nó sinh ra nó mà do trí tuệ siêu việt của Như Lai trong vũ trụ phân thân ra. Pháp Tánh này cũng không có Tự Tánh của nó. Do đó Tự Tánh của Như Lai tức là Pháp Tánh trong các pháp cũng không sanh, không diệt mà Như Lai thị hiện thì có, thu về thì không. Do đó, vốn thể chân thật của cái Tự Tánh này là không sanh không diệt.

Tự Tánh tạo tác sinh ra các pháp là cái ban đầu của vũ trụ vạn vật, có trước mọi sự vật hiện tượng và sinh ra mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ nhưng cái Tự Tánh trong mọi sự vật hiện tượng, còn gọi là Pháp Tánh này cũng không tự nó sinh ra nó để mà có. Như vậy, trong quá trình quan sát, tìm xét đến tột cùng thì thấy cái ban đầu – Pháp Tánh trong các pháp là không tự có, không sanh, không diệt. Do đó các pháp không có cái ban đầu và cái kết thúc, vũ trụ vạn vật là vô thỉ, vô chung, không có cái ban đầu, không có cái kết thúc, không tự sinh, không tự diệt.

Sự sinh diệt của vạn vật, sự hiện hữu của vạn vật trong vũ trụ là do Đức Phật, còn gọi là Như Lai hay Đức Phật Như Lai phân thân biến thể và hoạt động tạo tác sinh khởi lên. Vũ trụ vạn vật được sinh ra là do Đức Phật Như Lai tạo hóa, mọi sự vật hiện tượng là cái sản phẩm được sinh ra theo mọi tư duy của Đức Phật. Trong mỗi sự vật đều có một Phật Tánh làm cái Tự Tánh thay vì vạn hữu không có Tự Tánh.

Các pháp không có Tự Tánh nên các pháp vô ngã, vì các pháp vô ngã nên phải có một Phật Tánh làm cái Ngã, cái Tự Tánh trong các pháp. Trong Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Như Lai Tánh thứ mười hai, Đức Phật dạy:

“Nầy Thiện-nam-tử! Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được…

…Nếu là người trí nên phải quan sát, chẳng nên nói tất cả đều vô thường, vì nơi thân của ta có chủng tử Phật tánh.

Nếu nói vô ngã, người phàm phu sẽ cho là tất cả Phật, Pháp đều không có ngã. Người trí nên phải quan sát vô ngã là giả danh chẳng thật, rõ biết như vậy nên chẳng sanh nghi.

… Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế – Tôn! Phật tánh ấy rất sâu, khó thấy, khó vào như thế nào?”

Phật nói: “…Nầy Thiện-nam-tử! kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu này, lúc đức Như Lai chưa nói cũng lại như vậy. Vô lượng Bồ Tát dầu đầy đủ thật hành các ba la mật, nhẫn đến các bậc thập trụ vẫn còn chưa thấy được Phật tánh. Lúc Như Lai đã nói, mới thấy được chút ít. Lúc Bồ tát nầy đã được thấy đều nói rằng: “Thế-Tôn! Lạ lùng thay, chúng tôi lưu chuyển thọ vô lượng sanh tử, thường bị vô ngã làm mê lầm.

Nầy Thiện-nam-tử! Bồ Tát này lên bực thập địa còn chưa thấy được Phật tánh rõ ràng, huống là hàng Thanh Văn Duyên Giác mà có thể thấy đặng.” (5).

Như vậy, trong con người cũng như trong mọi sự vật đều có một Phật Tánh, tức là đều có một trí tuệ siêu việt tạo tác ra vật chất theo Tư Duy của trí tuệ này. Phật tánh là tánh Không, là Pháp tánh thường trụ, là Tự Tánh trong các pháp. Phật tánh là cái Ngã trong các pháp, được phân thân từ Như Lai-một trí tuệ siêu việt trong vũ trụ. Phật tánh là bản thể của vũ trụ, là trung tâm nhận thức trong vũ trụ quan Phật giáo đại thừa.

Khi quan sát về con người cũng như vạn vật trên thế giới thì thấy rằng các pháp tự tướng rỗng không, tướng như bất động như trong pháp Không tam muội đã chỉ rõ trong quan sát. Pháp Không tam muội nói rằng các pháp tự tướng rỗng không do đó nhận thức về quá trình hoạt động của con người cũng như vạn vật trên thế giới cũng như trong thực tại là không phải chính nó mà tự tướng tác động hoạt động cho mọi vận động tác động qua lại cũng như mọi vận động phát triển và tồn tại là cái ngã, cũng là Phật tánh. Đây là tự tánh của Như Lai. Nếu tự tánh của Như Lai mà không hoạt động tác động qua lại và vận động tạo tác cho vật chất phát triển tồn tại thì vật chất sẽ bị sụp đổ vì tự tướng rỗng không.

Do con người cũng như vạn vật tự tướng rỗng không nên tướng như bất động, con người cũng như vạn vật trong thế giới tự nhiên được hoạt động phát triển trong thực tại là do thần lực và trí tuệ Như Lai tạo tác và tác động vận động còn thế giới này là bất động, vũ trụ này là bất động. Từ các vòng quay quỹ đạo tới các vụ nổ mặt trời cũng đều bất động và đều do thần lực và trí tuệ của Như Lai tạo tác vận động.

Như vậy về triết lý vũ trụ quan trong Phật giáo đã chỉ ra các yếu tố sau đây về thế giới tự nhiên và vũ trụ vạn vật:

  • Vũ trụ vạn vật là rỗng không, không thật có, bởi không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc do đó vũ trụ này là vô thỉ vô chung.
  • Vũ trụ vạn vật cũng như thế giới tự nhiên là bất động.
  • Vũ trụ vạn vật và thế giới tự nhiên được hoạt động phát triển trong thực tại, hiện thực mà chúng ta đang thấy là do thần lực, trí tuệ của Như Lai tạo tác, tác động hoàn toàn.

III. KẾT LUẬN

Triết học Phật giáo vượt lên trên mọi triết học, tôn giáo và khoa học để có thể lý giải tính xác thực của mọi quá trình sinh hóa phát triển và tồn tại của con người cũng như vũ trụ vạn vật.

Con người phải nương vào triết lý này để ứng dụng vào cuộc sống trên con đường phát triển của mình, để từ đó nhận thức rõ hơn giá trị thực tiễn, giá trị nhân văn và các chân lý khoa học ẩn tàng trong các kinh điển, giáo lý của Đức Phật. Tìm hiểu các tư tưởng và giáo lý Phật giáo luôn đem lại những nhận thức mới mẻ, từng bước xóa bỏ vô minh để xác định một con đường đúng trong hành trình rèn luyện, tu dưỡng, lao động và sáng tạo đối với tất cả mọi người.

Giáo lý Tứ Đế, Duyên Khởi và Tánh Không làm sáng tỏ căn nguyên Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã – bốn ấn chứng của Phật giáo. Sâu xa trong giáo lý  Đại Thừa, vấn đề bản thể của vũ trụ đã được khai mở. Từ điểm nhìn này, Phật giáo đồng hành cùng khoa học, siêu việt và đồng quy đối với khoa học cũng như các triết học và tôn giáo khác.

Phật pháp cao siêu, không dễ gì một sớm một chiều mà có thể chứng ngộ được hết những tư tưởng sâu xa ẩn chứa trong các lời kinh.  Bài viết nhỏ trên đây bước đầu tìm hiểu tư tưởng và triết lý của Đức Phật, dù đã được Giảng Sư hướng dẫn chỉ dạy cặn kẽ, nhưng vì nhận thức còn hạn chế nên chắc chắn chắn không tránh khỏi thiếu sót. Kính mong quý vị chân tu, quý phật tử và bạn đọc gần xa chỉ giáo.

Chú Thích:

(1),(3): Kinh Duyên Sinh; https://thuvienhoasen.org/a15124/kinh-duyen-sinh.

(2): Kinh Tương Ưng Bộ; https://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-bo-2013-tap-ii/ii-pham-chuyen-phap-luan-7616.html.

(4): Kinh Đại Niết Bàn; https://thuvienhoasen.org/p16a180/2/22-pham-quang-minh-bien-chieu-cao-quy-duc-vuong-bo-tat-thu-hai-muoi-hai.

(5): Kinh Đại Niết Bàn, Phẩm Như Lai tánh thứ mười hai; http://thuvienhoasen.org/p16a170/12-pham-nhu-lai-tanh-thu-muoi-hai

Mùa Xuân Mậu Tuất – 2018

TS. NGÔ VĂN CẢNH

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *