Pháp tu Thất Giác Chi

LỜI MỞ ĐẦU

Thất giác chi trong Ba bảy pháp trợ đạo là một pháp tu quan trọng thực hiện việc tu hành, sửa đổi diệt nghiệp thân, khẩu, ý ngay trong đời hiện tại. “Thất” nghĩa là bảy, “giác” nghĩa là sự hiểu biết giác ngộ về Phật pháp, “chi” nghĩa là chi phần. Như vậy, Thất giác chi nghĩa là bảy phần giác ngộ về Phật pháp. Thất giác chi còn được gọi là Thất Bồ đề phần. Bồ đề nghĩa là Phật, Thất Bồ đề phần nghĩa là bảy phần giác ngộ về Phật. Nếu tu hành thành tựu pháp Bảy giác chi làm cho sung mãn đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp thì có thể đạt đến sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, chứng đạt đến quả vị cao nhất là quả vị Phật.

Bảy giác chi bao gồm: Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi, Xả giác chi.

Tu tập Bảy giác chi y cứ vào giới, an trú vào giới. Giới là những giới điều do Đức Phật chỉ ra cho người tu hành nương tựa, khép mình vào thực hiện trong bước đường tu hành xả nghiệp như Ngũ giới, Bát quan trai giới, Bồ tát giới, … Y cứ vào giới, an trú vào giới nghĩa là căn cứ vào giới, nương tựa vào giới, thực hiện các giới điều một cách nghiêm túc, không phạm giới, nhằm xa rời những cấu uế, dục nhiễm và các ác, bất thiện pháp để tránh tạo nghiệp xấu ác là nguyên nhân của quả báo phiền não và khổ đau. Tu tập Bảy giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Ở đây, liên hệ đến viễn ly nghĩa là xa rời những cấu uế, dục nhiễm và các ác, bất thiện pháp, xa rời những tham đắm tìm cầu dục vọng thấp hèn của thế gian. Liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ nghĩa là từ chỗ xa rời, tiến tới đoạn diệt và từ bỏ hoàn toàn những cấu uế, dục nhiễm và các ác, bất thiện pháp, những tham đắm tìm cầu dục vọng thấp hèn của thế gian, thành tựu diệt nghiệp ngay ở đời hiện tại.

Tại sao phải ly tham? Bởi vì tham là một trong ba độc tham, sân, si mà ba độc tham, sân, si là nguyên nhân của ba ác đạo địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Từ sự tham đắm tìm cầu, con người có thể bất chấp mọi tội lỗi để đạt được mục đích, tham vọng của chính mình nên có thể dẫn đến những hành động tội lỗi, tạo ác, bất thiện nghiệp là nguyên nhân của quả báo khổ đau. Vì vậy, tu tập Bảy giác chi phải liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt và hướng đến từ bỏ hoàn toàn những cấu uế, dục nhiễm và các ác, bất thiện pháp; từ bỏ sự tham đắm tìm cầu dục vọng thấp hèn của thế gian thì mới đạt được thành tựu làm cho sung mãn Bảy giác chi, đạt được sự to lớn, quảng đại trong các pháp, đi đến thành công trên con đường giải thoát.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Tuyết Sơn – Đức Phật nói:

“4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp?

5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập trạch pháp giác chi… tu tập tinh tấn giác chi… tu tập hỷ giác chi… tu tập khinh an giác chi… tu tập định giác chi… tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập bảy giác chi, làm cho sung mãn bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp”.

NỘI DUNG PHÁP BẢY GIÁC CHI

1. Niệm giác chi

“Niệm” là sự nghĩ nhớ của tâm, “giác” là sự giác ngộ, giải thoát, “chi” là chi phần. Niệm giác chi là sự nghĩ nhớ các pháp theo chiều hướng giác ngộ, giải thoát. Niệm là sự nghĩ nhớ của ý thức nên có thể là thiện niệm hoặc ác niệm. Thiện niệm tức là chánh niệm, ác niệm tức là tà niệm, tạp niệm. Chánh niệm là luôn luôn nghĩ nhớ về các thiện pháp, tạp niệm là luôn luôn nghĩ nhớ về các ác, bất thiện pháp. Niệm giác chi là niệm các pháp theo chiều hướng giác ngộ, giải thoát, vì vậy Niệm giác chi là thiện niệm, tức chánh niệm.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Có các pháp, này các Tỷ-kheo, làm trú xứ cho niệm giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Niệm giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với Niệm giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với Niệm giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có các pháp làm trú xứ cho niệm giác chi” đây là những pháp nếu an trú và tinh tấn tu tập thành tựu các pháp này thì sẽ khiến cho niệm giác chi chưa khởi được sanh khởi và được tu tập làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với niệm giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, món ăn đối với niệm giác chi chưa sanh khiến cho được sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn”. Như lý tác ý được làm cho sung mãn, nghĩa là tùy vào các pháp trú xứ nếu có sự tư duy, suy nghĩ, quán sát đúng về các pháp trú xứ để tu tập thành tựu viên mãn các pháp này thì Niệm giác chi chưa sanh sẽ khiến cho sanh khởi và được tu tập làm cho viên mãn. Vì vậy, việc tu tập có đạt đến sự thành tựu to lớn hay không là phụ thuộc vào sự tư duy ban đầu đúng hay sai. Nếu tư duy, quán sát đúng về các pháp trú xứ thì mới tu tập thành tựu các pháp này để khởi niệm đúng, nếu tư duy sai sẽ khởi niệm sai. Vì Niệm giác chi là chánh niệm, tức thiện niệm nên chỉ nghĩ nhớ, tư duy, suy nghĩ về các thiện pháp, không nghĩ nhớ, tư duy, suy nghĩ về các tà pháp. Quá trình tư duy, nghĩ nhớ về các thiện pháp không gián đoạn, ngưng nghỉ, đó chính là Niệm giác chi chưa sanh đã được sanh khởi. Khi Niệm giác chi được khởi sanh sẽ giúp cho tâm luôn giữ được chánh niệm, không còn tạp niệm nên không dẫn đến những hành động ác, bất thiện thì không tạo nghiệp xấu ác, do đó thân, tâm được thanh tịnh hơn, ý thức được trong sáng hơn. Tâm luôn giữa chánh niệm là tiền đề cho việc lựa chọn đúng pháp môn tu hành.

2. Trạch pháp giác chi

“Trạch pháp” là sự lựa chọn đúng pháp môn tu hành, “giác” là sự giác ngộ, giải thoát. Như vậy, Trạch pháp giác chi là sự lựa chọn đúng pháp môn tu hành theo chiều hướng giác ngộ, giải thoát, tức là lựa chọn đúng pháp môn tu hành hướng về các thiện pháp, chánh pháp. Lựa chọn pháp môn tu hành là bước khởi đầu rất quan trọng, đây là bước định hướng đầu tiên tìm ra phương hướng tu hành, việc tu hành có đi đến thành tựu hay không là phụ thuộc vào sự lựa chọn pháp tu. Nếu lựa chọn đúng thì tu tập đi đến thành tựu viên mãn, nếu lựa chọn sai thì tu hành không mang lại kết quả.

Nguyên tắc lựa chọn pháp môn tu hành phải theo đúng căn cơ thứ lớp, khế lý phải phù hợp với khế cơ. Nếu khế lý phù hợp với khế cơ thì tu hành mới có thành tựu, khế lý không hợp với khế cơ thì tu hành không có kết quả, dẫn đến nghi ngờ, thối chi. Khế lý hợp với khế cơ nghĩa là người tu hành ở căn cơ, thứ lớp nào, tức là ở khả năng, trình độ nào thì tu vào pháp đó. Như vậy, trước khi lựa chọn pháp môn tu hành phải biết được mình thuộc căn cơ nào, trình độ nào và tùy vào điều kiện thực tế của bản thân để lựa chọn pháp môn tu hành cho tương ứng, phù hợp. Nếu lựa chọn được pháp tu đúng, phù hợp thì mới đem lại thành tựu lớn trong tu hành. Nếu lựa chọn pháp tu không phù hợp thì không có thành tựu trong tu hành, sinh nghi ngờ, thối chuyển. Nếu lựa chọn sai pháp tu thì dễ đi nhầm đường, lạc đạo dẫn đến những hậu quả xấu.

Đức Phật chỉ ra những quy định đối với các bậc tu hành theo căn cơ, thứ lớp, đây được xem là bộ tạng luật như sau:

Đối với bậc tu ở căn cơ Nhân thừa, Thiên thừa thì tu vào pháp Ngũ giới, Thập thiện, Bát quan trai.

Đối với bậc tu ở căn cơ Thanh văn thừa thì tu vào pháp Thập thiện đạo, Bát chánh đạo, Ba bảy pháp trợ đạo, Tứ đế.

Đối với bậc tu ở căn cơ Duyên giác thừa thì tu vào Bát chánh đạo, Ba bảy pháp trợ đạo, Tứ đế, Nhân duyên.

Đối với bậc tu ở căn cơ Bồ tát thừa thì tu vào Pháp không, Tánh không, Lục ba la mật, Cửu thứ đệ định, …

Vì vậy, lựa chọn pháp môn tu hành phải dựa vào căn cơ thứ lớp, trình độ, khả năng để lựa chọn pháp tu đúng đắn, phù hợp thì mới đem lại kết quả viên mãn trong tu hành.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với trạch pháp giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng (kanhàsukkasa-ppatibhàgà). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu hành thành tựu Trạch pháp giác chi thì phải biết được những gì là món ăn đối với Trạch pháp giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với Trạch pháp giác chi đã sanh được tu tập và làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có các thiện pháp và bất thiện pháp, có các pháp đáng chỉ trích và không đáng chỉ trích, có các pháp liệt và thắng, có các pháp đen và trắng”. Đây là các pháp thường hiện hữu trong đời sống tu hành có thiện, có ác, đúng có, sai có, … Vì vậy, người tu hành phải phân biệt để lựa chọn đúng pháp tu cho mình.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi; hay đối với trạch pháp giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, món ăn đối với Trạch pháp giác chi chưa sanh khởi được sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn”. Nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, nghĩa là tùy vào cụ thể các pháp là thiện, là bất thiện, … là liệt, là thắng, là đen, là trắng, nếu có sự tư duy, suy nghĩ đúng về các pháp đó thì sẽ phân biệt đúng, từ đó đi đến quyết định lựa chọn pháp tu đúng đắn, chính xác, phù hợp. Trạch pháp giác chi là sự lựa chọn đúng pháp tu theo chiều hướng giác ngộ, giải thoát, nghĩa là lựa chọn thiện pháp, không chọn bất thiện pháp; lựa chọn pháp không đáng chỉ trích, không chọn pháp đáng chỉ trích; lựa chọn pháp thắng, không chọn pháp liệt; lựa chọn pháp trắng, không chọn pháp đen. Như vậy, nếu tư duy, quán sát sai thì phân biệt sai, từ đó sẽ lựa chọn sai, tu hành không có kết quả. Nếu tâm luôn chánh niệm nghĩ nhớ về các thiện pháp, không tạp niệm nghĩ nhớ về các ác, bất thiện pháp thì sẽ giúp cho việc lựa chọn đúng pháp tu được đúng hướng hơn. Quá trình lựa chọn đúng pháp tu, đó chính là Trạch pháp giác chi chưa sanh khiến cho được khởi sanh. Khi đã lựa chọn đúng pháp tu thì đây là tiền đề cho việc tinh tấn tu hành đi đến thành tựu viên mãn.

3. Tinh tấn giác chi

“Tinh tấn” là sự chuyên nhất, siêng năng, chăm chỉ tu hành sửa đổi không ngừng nghỉ, liên tục, không gián đoạn, không thối chuyển. “Giác” là sự giác ngộ giải thoát. Tinh tấn giác chi là sự siêng năng, chăm chỉ tu hành, sửa đổi, không thối chuyển theo chiều hướng giác ngộ, giải thoát. Thân tinh tấn, tâm tinh tấn tu hành các thiện pháp đã được lựa chọn và thực hiện nghiêm các giới điều mà Đức Phật đã chỉ ra. Tâm tinh tấn luôn nghĩ nhớ, tư duy về các thiện pháp đã lựa chọn và các giới điều, từ đó thân tinh tấn thực hiện việc tu hành, sửa đổi theo sự tư duy, nghĩ nhớ của tâm.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có phát cần giới (àrambhadhàtu), tinh cần giới (mikkamadhàtu), cần dõng giới (parakkamadhàtu). Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Tinh tấn giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với Tinh tấn giác chi chưa sanh làm cho sanh khởi; hay đối với Tinh tấn giác chi đã sanh khởi được tu tập và làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có phát cần giới, tinh cần giới, cần dõng giới”. Đây là những giới điều được Đức Phật chỉ ra cho người tu hành khép mình vào thực hiện để diệt trừ tam nghiệp thân, khẩu, ý, diệt trừ nguyên nhân sinh ra quả báo khổ đau. Nếu siêng năng, chăm chỉ, không ngừng nghỉ thực hiện nghiêm trì giới luật và tu hành các pháp tu đã lựa chọn đúng thì sẽ khiến cho Tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi và tu tập làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với tinh tấn giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn”.

Như vậy, món ăn đối với tinh tấn giác chi chưa sanh được sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn”. Nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, nghĩa là căn cứ vào các giới nếu có sự tư duy đúng, suy nghĩ đúng, hiểu biết đúng về các giới thì việc thực hiện tu hành các giới luật sẽ không bị sai phạm, từ đó đem lại kết quả tu hành thành tựu viên mãn. Nếu tư duy sai thì việc thực hiện các giới điều trong tu hành sửa đổi sai, tu hành không mang lại kết quả. Quá trình siêng năng, chăm chỉ thực hiện các giới luật nghiêm túc, tu hành các pháp tu đã lựa chọn không ngừng nghỉ, không thối chuyển, đó chính là Tinh tấn giác chi chưa sanh đã sanh khởi. Tinh tấn giác chi được sanh khởi khiến cho thân, tâm càng thêm nỗ lực, quyết tâm, cố gắng tu hành đạt đến thành tựu giải thoát viên mãn và làm tiền đề cho Hỷ giác chi phát khởi.

4. Hỷ giác chi

“Hỷ” nghĩa là vui, là hoan hỷ, đây là trạng thái vui vẻ của tâm. Hỷ giác chi là niềm vui, hoan hỷ, sự khoái lạc khi tinh tấn tu hành thành tựu đạt được trí tuệ, giác ngộ, giải thoát. Niềm vui của Hỷ giác chi là niềm vui trong sự tĩnh lặng, thanh tịnh, vui của trí tuệ, giác ngộ, giải thoát, không phải niềm vui khi đạt được các dục vọng thấp hèn của thế gian.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Hỷ giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với Hỷ giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có những pháp làm trú xứ cho hỷ giác chi”. Đây là những pháp nếu an trú và tu tập đạt đến thành tựu các pháp này thì sẽ khiến cho Hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi và tu tập làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với hỷ giác chi đã sanh khởi khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn”.

Như vậy, món ăn đối với Hỷ giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn”. Nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, nghĩa là tùy vào từng pháp trú xứ nếu có sự tư duy, suy nghĩ, quán sát đúng, hiểu đúng về các pháp trú xứ, từ đó tinh tấn thực hiện tu tập đạt đến thành tựu các pháp này thì sẽ khiến cho Hỷ giác chi chưa sanh được sanh khởi và được tu tập, làm cho viên mãn. Khi tu hành thành tựu pháp Tinh tấn giác chi đã đem lại được những thành quả nhất định, như xa rời được những dục nhiễm và các ác, bất thiện pháp, nghiệp tội được tiêu trừ, vô minh, phiền não không còn nữa, thì trí tuệ được khai mở sáng suốt. Những thành quả này khiến cho thân tâm được thanh tịnh, trong sáng, tinh thần sảng khoái, phấn chấn hơn trong tu hành, từ đó tâm vui vẻ, hoan hỷ được phát khởi đó chính là Hỷ giác chi chưa sanh khiến cho được sanh khởi. Hỷ giác chi phát khởi, những sân hận, phiền não đã được tiêu trừ, khiến cho tinh thần lạc quan hơn, tin tưởng sâu sắc hơn vào con đường tu hành giải thoát đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy tinh thần quyết tâm, cố gắng tinh tấn tu hành đạt đến kết quả viên mãn, là tiền đề cho Khinh an giác chi phát khởi.

5. Khinh an giác chi

“Khinh an” là trạng thái an lạc, nhẹ nhàng, thoải mái của thân và tâm. Khinh an giác chi là trạng thái an lạc, nhẹ nhàng, tự tại của thân và tâm, tức là tâm khinh an và thân khinh an khi tu hành đạt đến trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có thân khinh an, tâm khinh an. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Khinh an giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với Khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với Khinh an giác chi đã sanh khởi được tu tập, làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: có thân khinh an, tâm khinh an”. Đây là trạng thái nhẹ nhàng, an lạc, tự tại của thân và tâm, tu tập thành tựu Khinh an giác chi phải đạt đến trạng thái này. Khi tu hành đạt đến trạng thái thân khinh an, tâm khinh an, đó chính là Khinh an giác chi chưa sanh đã được sanh khởi.

Đức Phật nói: nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, thời đây là món ăn khiến cho khinh an giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với khinh an giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn”.

Như vậy, món ăn đối với Khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn”. Nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn, nghĩa là nếu có sự tư duy, quán sát đúng, hiểu đúng về trạng thái thân khinh an, tâm khinh an, từ đó tu tập thành tựu đạt đến trạng thái này thì đó chính là Khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi. Khi tu tập thành tựu Hỷ giác chi làm cho tâm đạt đến sự khoái lạc, hoan hỷ, vui vẻ, khiến cho thân, tâm được nhẹ nhàng, an ổn, tự tại, không còn sân hận, nặng nề, cố chấp, trí tuệ được giác ngộ sáng suốt, đó chính là Khinh an giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi và được tu tập làm cho viên mãn. Khinh an giác chi phát khởi làm cho thân, tâm được nhẹ nhàng, tự tại, tu hành đạt nhiều kết quả hơn, tạo cho tâm càng thêm kiên cố, vững vàng hơn trên con đường tu hành giải thoát, là tiền đề cho Định giác chi phát khởi.

6. Định giác chi

“Định” nghĩa là sự kiên định, vững vàng, không dao động, thối chuyển trước mọi hoàn cảnh. Định giác chi là sự kiên định, vững vàng với con đường tu hành đi đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, kiên định, vững vàng với pháp tu đã lựa chọn, không dao động, không thay đổi cho đến khi đạt được thành tựu viên mãn.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Định giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với Định giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với Định giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng”. Đây là trạng thái tịch tĩnh, an định của tâm, khi tâm không còn điên đảo, vọng động. Tu hành thành tựu Định giác chi phải đạt đến trạng thái tâm tịch tĩnh, an định, tự tại.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho định giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với định giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn”.

Như vậy, món ăn đối với Định giác chi chưa sanh được khiến cho sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn”. Nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, nghĩa là tùy vào trạng thái tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng của tâm nếu có sự tư duy, quán sát đúng đắn về trạng thái này, từ đó tinh tấn tu hành khi tâm đạt đến trạng thái tịnh chỉ tướng, bất loạn tướng thì sẽ khiến cho Định giác chi chưa sanh được sanh khởi. Khi tu hành thành tựu Khinh an giác chi, thân tâm đã được nhẹ nhàng, an ổn, tự tại, những thứ vọng động, vô minh, phiền não không còn nữa, trí tuệ được khai mở sáng suốt hơn, tu hành tinh tấn hiệu quả hơn, khiến cho tâm được tịch tĩnh, an lạc, tự tại hơn, đó chính là Định giác chi chưa sanh được sanh khởi. Khi Định giác chi được sanh khởi thì tâm không còn dao động, thối chuyển mà càng thêm kiên cố, vững chắc, càng củng cố thêm niềm tin tưởng tuyệt đối vào con đường tu hành giải thoát, khiến cho trí tuệ giác ngộ sanh khởi. Trí tuệ phát khởi đó là kết quả thành công trên con đường tu hành giải thoát.

7. Xả giác chi

“Xả” nghĩa là sự xả bỏ, buông bỏ, từ bỏ những thứ bám víu, ràng buộc, phiền não, cố chấp. Xả phải dựa trên cơ sở hiểu biết, sáng suốt, hiểu biết rồi mới xả, chưa hiểu biết thì chưa buông xả. Xả giác chi là sự xả bỏ, buông bỏ, từ bỏ hoàn toàn, không còn ràng buộc, bám víu của sự chấp trước, vô minh, phiền não khi đã đạt được trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.

Kinh Thất Giác Chi – Phẩm Thân – Đức Phật nói:

Và này các Tỷ-kheo, món ăn nào đối với xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn? Này các Tỷ-kheo, có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn.

Như vậy, muốn tu tập thành tựu Xả giác chi thì phải biết được món ăn nào đối với Xả giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi; hay đối với Xả giác chi đã sanh được tu tập, làm cho viên mãn.

Đức Phật nói: “có các pháp làm trú xứ cho xả giác chi”. Đây là các pháp nếu được an trú và tinh tấn tu hành đạt đến thành tựu các pháp này thì sẽ khiến cho Xả giác chi chưa sanh được sanh khởi.

Đức Phật nói: “Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, thời đây là món ăn khiến cho xả giác chi chưa sanh được sanh khởi; hay đối với xả giác chi đã sanh khiến cho được tu tập, làm cho viên mãn”.

Như vậy, món ăn đối với Xả giác chi chưa sanh được sanh khởi, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn”. Ở đây, nếu như lý tác ý được làm cho viên mãn, nghĩa là tùy vào các pháp trú xứ nếu có sự tư duy, suy nghĩ, quán sát đúng, hiểu đúng về các pháp trú xứ, từ đó thực hiện tinh tấn tu tập thành tựu các pháp này thì sẽ khiến cho Xả giác chi chưa sanh được sanh khởi. Như vậy, muốn buông bỏ, từ bỏ hoàn toàn thì phải hiểu biết, muốn hiểu biết thì phải tư duy, quán sát đây là như lý tác ý được làm cho viên mãn. Khi đã tư duy, quán sát đúng đắn thì tâm không còn vướng mắc, dao động, lo sợ.  Tâm không dao động, lo sợ, đó là định, khi tâm đã định thì nhẹ nhàng buông xả, từ bỏ hoàn toàn, không còn lo sợ, vướng mắc, bám víu chấp trước.

KẾT LUẬN

Như vậy, Bảy giác chi là bảy pháp tu thiện dựa trên nền tảng Bát chánh đạo, hướng đến tu thiện, diệt ác, vì vậy các thiện pháp ngày càng tăng trưởng, viên mãn, các ác, bất thiện pháp được tiêu diệt, đoạn trừ được vô minh, phiền não, khổ đau. Nếu tu tập thành tựu Bảy pháp giác chi thì đạt được bảy sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn nên không thể bỏ qua pháp tu Bảy giác chi. Tu tập Bảy giác chi y cứ vào giới, an trú vào giới, làm cho sung mãn Bảy giác chi, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp. Tu tập Bảy giác chi phải y cứ vào món ăn, duyên nơi món ăn mà được an trú, không có món ăn thì không an trú. Món ăn đối với Bảy giác chi chưa sanh khiến cho sanh khởi và tu tập được làm cho viên mãn, đó là “nếu như lý tác ý được làm cho sung mãn”. Như lý tác ý được làm cho sung mãn xuyên suốt trong cả bảy chi phần của Bảy pháp giác chi, đó chính là sự tư duy, suy nghĩ, quán sát thấu đáo, đúng đắn, chính xác trong các pháp tu. Kết quả thành tựu của pháp tu phụ thuộc vào sự tư duy, quán sát đúng hay sai, nếu tư duy đúng thì kết quả thành tựu cao, nếu tư duy sai thì tu hành không có kết quả.

Bảy pháp giác chi có mối liên hệ mật thiết và tương hỗ cho nhau, kết quả thành tựu của chi phần này là tiền đề nền tảng của chi phần kia. Tu tập thành tựu Niệm giác chi là tiền đề cho Trạch pháp giác chi phát khởi. Thành tựu Trạch pháp giác chi là tiền đề cho Tinh tấn giác chi phát khởi. Thành tựu Tinh tấn giác chi là tiền đề cho Hỷ giác chi phát khởi. Thành tựu Hỷ giác chi là tiền đề cho Khinh an giác chi phát khởi. Thành tựu Khinh an giác chi là tiền đề cho Định giác chi phát khởi. Thành tựu Định giác chi là tiền đề cho Xả giác chi phát khởi, thành tựu Xả giác chi là thành tựu Bảy pháp giác chi. Như vậy, tu tập thành tựu một chi phần giác chi là có thể hiện hữu cả bảy chi phần giác chi trong đó, do đó Bảy pháp giác chi là một pháp tu quan trọng trong Ba bảy pháp trợ đạo. Tu tập thành tựu Bảy pháp giác chi có thể đạt đến trí tuệ giác ngộ, giải thoát ngay trong đời hiện tại, thành công trên con đường tu hành giải thoát khổ đau, giải thoát vô minh, phiền não, giải thoát sinh tử luân hồi.

Ngày 30 tháng 09 năm 2020

Phạm Thị Mý – Phạm Thị Linh

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *