(Xây dựng) – Di tích danh thắng Chùa Hang tọa lạc trên dãy núi Hồng Lĩnh thuộc phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh. Chùa có cung Tam bảo nằm trong hang đá, tựa vào mé sườn Tây của đỉnh Mồng Gà nhìn ra phía trước là thung lũng bạt ngàn thông.
Di tích danh thắng Chùa Hang.
Vãn cảnh Chùa Hang, du khách được đắm mình trong cảnh sắc non nước hữu tình thơ mộng với đồi thông, vườn chè xanh mướt, với vô số những loại hoa chen nhau đua sắc trong khí trời dìu dịu mát như chốn thiên thai.
Phật tử đến Chùa Hang ngoài việc thắp hương niệm phật cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, cho gia đình thì còn là nơi du khách có thể tìm về sau những lo toan vất vả đời thường để có thể được tịnh tâm nơi cửa phật.
Chùa Hang – Nơi mùa xuân mãi thắm tươi.
Không gian thờ tự ở Chùa Hang dựa trên yếu tố tự nhiên là chính, vì nhiều lý do nên dần bị rơi vào lãng quên. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Chùa Hang được ông Trần Văn Phú (trú tại tổ dân phố 7, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) đứng ra phát tâm kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, các tăng ni phật tử, bà con nhân dân gần xa đóng góp công sức bảo tồn, xây dựng và phát triển.
Khu nhà 3 tầng được thiết kế gồm thư viện kinh sách, giáo lý, hội trường sinh hoạt, học tập của các phật tử và nơi thờ phụng Đức Phật Di-Lặc và là nơi tu thiền của ca.
Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, thầy Trần Văn Phú cho biết: “Trong một lần đi hái lá làm thuốc, ông đã phát hiện ra ngôi chùa đã bị phế tích. Gọi là chùa nhưng chỉ còn lại là một cái hang đá nhỏ hoang tàn bị đất dá vùi lấp bởi thời gian, đi sâu vào trong chỉ còn sót lại một số tượng phật bằng gỗ bị mục ruỗng, các đồ thờ tự đại đa số đã bị hỏng.
Mở rộng tìm kiếm xung quanh, ông phát hiện thêm nhiều dấu tích của nền móng cũ các ngôi nhà như: Nhà Tổ, Nhà Tăng, Đài Quan Thế Âm… qua nhiều đêm trăn trở và nghĩ căn duyên đã đến nên ông vận động các phật tử phát dọn cây cối và tôn tạo lại ngôi Tam bảo, đặt bát hương thờ phụng đức phật”.
Nhờ sự chung tay góp sức của các tăng ni phật tử, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, doanh nhân đã từng bước góp công, góp của, tổ chức khôi phục dần từng hạng mục. Đến nay, Chùa Hang đã hình thành một quần thể với các điểm tín ngưỡng như: Khuôn viên tượng quan âm (tượng đứng); Cung A Di Đà; Cung Tam bảo (cung chính – Chùa Hang); Cung thờ mẫu; Cung thờ tượng Quan âm (ngàn tay, ngàn mắt) và khu vực thờ Thiên Thủ Thiên Nhẫn, nhà Tăng… Các điểm tín ngưỡng thờ tự quy mô nhỏ, nằm lưng chừng sườn núi, hài hòa trong khung cảnh chung.
Chùa Hang được phân bố các điểm thờ tự cùng hệ thống đường dạo, hành lang nội bộ, vườn cảnh tạo nên mối tổng hòa trong không gian thờ tự vừa có sự uy nghiêm, vừa có nét dung dị, vừa có sự huyền bí nhưng rất gần gũi và cùng với cảnh quan chung của danh thắng Núi Hồng đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn trong hệ thống du lịch – văn hóa tâm linh của tỉnh Hà Tĩnh.
Khu nhà Tăng được bao bọc bởi bạt ngàn thông.
Khu nhà Tăng và khuôn viên quanh khu vực nhà Tăng được khánh thành sau 1 năm xây dựng.
Từ năm 1990 đến nay, Chùa Hang được tôn tạo và xây dựng dựa trên sự đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, tiền vàng của các phật tử. Tất cả công việc xây dựng đến thời điểm này đều làm bằng lao động thủ công của các phật tử, do máy móc không có đường lên Chùa.
Về mặt tâm linh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người chia sẻ: “Phật tử trong quá trình lao động, tu hành và học tập tại Chùa, được Đức Phật hạ thế ứng báo và mở ra các khả năng đặc biệt nhằm cứu độ chúng sinh, hồi phục sức khỏe, thể chất và tinh thần cho con người. Càng ngày các khả năng này càng được lan rộng, khai mở trong phật tử về Chùa tu tập.
Không dừng lại ở khả năng cứu độ bệnh tật, phục hồi sức khỏe con người, Đức Phật còn khai mở khả năng tâm linh cho phật tử tiếp cận với thế giới siêu hình và thế giới siêu nhiên. Do đó, phật tử tu tập tại Chùa Hang nhận biết được thông tin về con người, về thế giới, về vũ trụ thông qua tâm linh và từng bước đi vào lợi ích lớn cho cộng đồng”.
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày trùng tu tôn tạo Chùa Hang và khánh thành nhà Tăng.
Đến với Chùa Hang ngoài thưởng lãm cảnh đẹp, tận hưởng khí trời được ví như “nơi mùa xuân mãi thắm tươi” hoa lá khoe sắc, đâm chồi nảy lộc. Nơi phật tử có căn duyên sẽ được đào tạo khai mở các khả năng siêu nhiên và học tập giáo lý của Đức Phật để hoàn thiện bản thân và hướng đến những điều tốt đẹp.
Ngày 1/6/2018 (tức 18/5 AL) Ban quản lý Di tích Chùa Hang tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày trung tu tôn tạo di tích danh thắng Chùa Hang và Lễ khánh thành nhà Tăng. |
Uyên Uyên
Theo Báo Xây Dựng
Link: https://baoxaydung.com.vn/chua-hang-noi-mua-xuan-mai-tham-tuoi-232370.html