Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Ý của ông nghĩ thế nào, trí huệ của hàng Thanh văn, Bích chi Phật có những sự như vậy không?
– Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.”
Luận giải:
Bởi trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp trước vào các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp, chấp vào các pháp có tác dụng, chỉ biết chúng sanh khổ là do nghiệp nên muốn thoát khổ thì phải diệt nghiệp. Do đó, tự tu để diệt nghiệp sẽ được thoát khổ.
Trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật không biết về đạo trí huệ, không biết về Nhất thiết chủng trí là cái cai quản sanh diệt và cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của chúng sanh, ban sướng đọa khổ chúng sanh theo những việc làm thiện, ác mà chúng sanh đã tạo ra nên không thể dùng đạo trí huệ làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh văn, Bích chi Phật có quan niệm nầy: Ta sẽ thành Vô thượng Bồ đề độ thoát tất cả chúng sanh, làm cho họ đều được vô dư y Niết bàn, như chư đại Bồ tát không?
– Bạch đức Thế Tôn! Không ạ”.
Luận giải:
Bởi hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp vào phân biệt sự sai khác của các pháp, chấp vào tướng các pháp, tại người này, người kia, … chỉ biết chúng sanh bị khổ đau là do nghiệp nên phải tu hành để diệt nghiệp mà không biết được rằng, các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp là do Vô thượng Bồ đề. Vô thượng Bồ đề chính là Nhất thiết chủng trí, là cái tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong chúng sanh, bắt chúng sanh phải khổ đau theo những việc làm ác, bất thiện của họ.
Vì hàng Thanh văn, Bích chi Phật chỉ biết khổ là do nghiệp mà không biết được Vô thượng Bồ đề là chúa tể, chủ tể, thường trụ trong chúng sanh, cai quản chúng sanh theo những việc làm thiện, ác bất thiện của chúng sanh, bắt chúng sanh phải khổ đau theo nghiệp, cũng như cứu vớt chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau, chứ không phải tự nghiệp bắt chúng sanh khổ đau bởi nghiệp cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Hàng Thanh văn, Bích chi Phật không biết về Vô thượng Bồ đề thì làm sao thành được Vô thượng Bồ đề để làm cho chúng sanh được Vô dư y Niết bàn như chư Đại Bồ tát.
Chư Đại Bồ tát biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, vô sanh nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Vô thượng Bồ đề tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Vô thượng Bồ đề là Phật tánh thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh nhưng vắng lặng thanh tịnh, chẳng ai thấy được, chỉ có chư Phật tại thế và thập trụ Bồ tát mới thấy được Phật tánh, như Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Đức Phật nói:
“Thập trụ Bồ tát thấy Phật tánh như đêm tối thấy hình sắc. Đức Như Lai thấy Phật tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc”.
Đức Như Lai ở đây là người tu thành Phật như Đức Phật Thích Ca.
Như vậy, Vô thượng Bồ đề rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng thể suy ngẫm mà biết được, chỉ có bậc trí mới biết được, ngoài ra tất cả thế gian chẳng ai có thể tin được, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Đại Như, Đức Phật nói:
“Vì pháp Vô thượng Bồ đề của đức Phật chứng được rất sâu, khó thấy, khó hiểu, chẳng thể suy ngẫm biết được, là vi diệu tịch diệt, chỉ bực trí biết được, còn tất cả thế gian chẳng thể tin được”.
Ở đây, Đức Phật chính là người tu thành Phật như Đức Phật Thích Ca. “Vi diệu tịch diệt” nghĩa là Vô thượng Bồ đề, chính là Nhất thiết chủng trí tịch diệt tướng các pháp.
Chư Phật tại thế thấy rõ được Vô thượng Bồ đề là chúa tể cai quản sanh diệt các pháp và cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp. Chư Phật tại thế thuyết giảng cho chư Đại Bồ tát. Chư Đại Bồ tát hiểu biết được Vô thượng Bồ đề mới là chủ tể, là cái ta, cái tôi, cái ngã của chúng sanh, cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của chúng sanh, còn chúng sanh vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đắp y, nói cười, thở ra, thở vào, … đều bất khả đắc nên Đại Bồ tát cầu Vô thượng Bồ đề để độ thoát cho chúng sanh, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật Thích Ca dạy:
“Nầy Tu Bồ Đề! Vì tất cả pháp không có tánh nên Bồ tát vì chúng sanh cầu Vô thượng Bồ đề.
Tại sao? Vì những ai có được, có chấp thì khó được giải thoát.
… Người có được tướng thì không có đạo, không có quả, không có Vô thượng Bồ đề”.
Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh biết về Vô thượng Bồ đề ở chính trong thân mỗi chúng sanh, ẩn trong thân chúng sanh giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ mới là cái chủ tể, chúa tể của chúng sanh, ban sướng, đọa khổ chúng sanh (cho cuộc sống sướng vui, hạnh phúc hay bắt ốm đau, hoạn nạn, …). Tất cả đều do Vô thượng Bồ đề tạo ra theo nhân quả, nghĩa là tạo ra theo những việc làm thiện, ác bất thiện của chúng sanh. Đại Bồ tát chỉ rõ những việc làm nào là thiện thì được báo quả sướng vui, những việc làm nào là ác, bất thiện thì bị báo quả khổ đau, bất hạnh. Chúng sanh tin hiểu được như vậy, do đó chỉ tu hành vào các pháp thiện thì được Vô dư y Niết bàn, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tam Thán, chỉ rõ:
“Vì do đại Bồ tát nhơn duyên nên dứt được ba ác đạo, dứt được sự nghèo cùng của Trời Người, dứt được những tai họa tật bệnh, đói khát.
… Vì do đại Bồ tát nhơn duyên nên có quả xuất thế Tu đà hoàn đến Bích chi Phật đạo”.
Vì vậy, hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp trước các pháp không có quan niệm: “Ta sẽ thành Vô thượng Bồ đề độ thoát tất cả chúng sanh, làm cho họ đều được vô dư y Niết bàn như chư đại Bồ tát”.
Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Do những cớ trên đây nên biết rằng trí huệ của hàng Thanh văn, Bích chi Phật sánh với trí huệ của đại Bồ tát không bằng một phần trăm, nhẫn đến không bằng một phần thí dụ”.
Luận giải:
Trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp trước vào các pháp, nắm lấy tướng các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp, chấp vào mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của chúng sanh như đi, đứng, nằm, ngồi, thở ra, thở vào, … là tự chúng sanh. Vì vậy, hàng Thanh văn, Bích chi Phật khó thoát khỏi sáu đường luân hồi, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tùy Hỷ, chỉ rõ:
“Vì nhân duyên chúng sanh điên đảo tạo nghiệp nơi thân, khẩu, ý theo nghiệp trước mà thọ thân sáu đạo: thân Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A tu la, Nhơn, Thiên”.
Mọi khổ đau của chúng sanh là do nghiệp, nghiệp là do chúng sanh tự tạo ra. Do đó, muốn thoát khỏi mọi khổ đau thì phải diệt nghiệp, tự mình diệt nghiệp, tự tu hành sẽ thoát khỏi mọi khổ đau.
Đại Bồ tát có trí huệ hiểu biết được chân lý, nguồn gốc của các pháp bởi biết được tất cả pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không cho nên Đại Bồ tát thoát ly khỏi sáu đường luân hồi. Đại Bồ tát hiểu rõ sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp, trong chúng sanh để các pháp, chúng sanh hoạt động, vận động, tác động qua lại khả đắc. Mọi khổ đau của chúng sanh là do Bát nhã ba la mật, là trí tuệ đến từ bờ kia, còn gọi là trí tuệ Phật hay Phật tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong mỗi chúng sanh tạo ra theo Luật nhân quả, tức là theo những việc làm ác, bất thiện của chúng sanh đã tạo ra ở những kiếp trước, chứ không phải tự nghiệp làm cho chúng sanh khổ đau bởi nghiệp cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Muốn giải thoát mọi khổ đau cũng là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh. Khi chúng sanh không còn hành vào những nghiệp ác, bất thiện thì Bát nhã ba la mật không tạo ra khổ đau nữa nên chúng sanh được giải thoát.
Trí huệ của Đại Bồ tát hiểu rõ sự tạo tác, sanh khởi ra chúng sanh cùng mọi khổ đau, cũng như cứu vớt chúng sanh khỏi mọi khổ đau là do Bát nhã ba la mật tức Phật thường trụ trong mỗi chúng sanh, chứ không phải tự chúng sanh giải thoát được những khổ đau, không thể tự tu, tự diệt nghiệp như trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật.
Do vậy, Đức Phật Thích Ca so sánh trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật với trí huệ hiểu biết của hàng Đại Bồ tát không bằng một phần trăm, nhẫn đến không bằng một phần ví dụ.
Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh văn, Bích chi Phật có quan niệm nầy: Ta thật hành sáu ba la mật, thành tựu chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, độ thoát vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết bàn như chư đại Bồ tát không?
– Bạch đức Thế Tôn! Không ạ”.
Luận giải:
♦ “Hàng Thanh văn, Bích chi Phật có quan niệm nầy: Ta thật hành sáu ba la mật”:
Hàng Thanh văn, Bích chi Phật không có quan niệm ta thật hành sáu ba la mật vì hàng Thanh văn, Bích chi Phật không có phương tiện nên không thể thật hành được sáu ba la mật mà chỉ thật hành sáu độ:
– Thật hành bố thí: lúc bố thí quan niệm tôi cho, họ nhận, tài vật là của tôi.
– Thật hành trì giới: quan niệm đây là giới, tôi phải trì giới để tránh báo ứng khổ đau theo nghiệp.
– Thật hành nhẫn nhục: quan niệm tôi phải nhẫn nhục, khi bị đánh đập, chửi mắng nếu sân hận khởi lên thì tạo nghiệp, sẽ bị đọa vào ba ác đạo, chịu vô lượng khổ.
– Thật hành tinh tấn: quan niệm tôi phải siêng năng tu hành các pháp thiện.
– Thật hành thiền: quan niệm đây là thiền, chỗ tu là thiền, quan sát về cuộc sống nhân sinh thấy rõ được Tứ diệu đế là khổ, tập, diệt, đạo.
– Thật hành trí huệ: quan niệm đây là huệ, chỗ tu là huệ, tôi đang tu huệ.
Trên đây chỉ là thật hành sáu pháp: Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na và Bát nhã. Muốn thật hành được sáu ba la mật thời phải tu tập Bát nhã ba la mật mới đầy đủ sáu ba la mật:
– Thật hành Bố thí ba la mật: Đại Bồ tát thực hành bố thí tài pháp cho chúng sanh nhưng trong quan sát Đại Bồ tát không thấy người thí, không thấy người nhận, không thấy vật thí.
– Thật hành Trì giới ba la mật: Đại Bồ tát thực hiện trì giới nhưng trong quan sát Đại Bồ tát chẳng thấy giới, chẳng thấy người trì giới, chẳng thấy người phá giới.
– Thật hành Sằn đề ba la mật: Đại Bồ tát thực hiện nhẫn nhục nhưng chẳng thấy người đánh đập, chửi mắng, chẳng thấy người nhẫn nhục.
– Thật hành Tinh tấn ba la mật: Đại Bồ tát thực hiện thân tâm tinh tấn tu hành các pháp thiện nhưng chẳng thấy tinh tấn hay giải đãi.
– Thật hành Thiền na ba la mật: Đại Bồ tát quán sát các pháp. Muốn quán sát được thì Đại Bồ tát tâm phải định nhưng chẳng thấy tâm tán loạn hay say đắm.
– Thật hành Bát nhã ba la mật: Đại Bồ tát chẳng thấy trí huệ, chẳng thấy người trí huệ, cũng chẳng thấy người không trí huệ.
Tất cả mọi thành tựu trong sáu ba la mật đều do Bát nhã ba la mật thực hiện khả đắc, khi đó mới đầy đủ được sáu ba la mật.
♦ Khi đầy đủ sáu ba la mật mới “thành tựu chúng sanh”: nghĩa là biết được chúng sanh cùng mọi thành tựu của họ là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong chúng sanh để chúng sanh hoạt động, vận động, tác động qua lại khả đắc.
♦ “Trang nghiêm Phật độ”: là hiểu biết được trong tất cả các quốc độ đều là Phật, là Bát nhã ba la mật. Đó chính là Nhất thiết chủng trí tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các quốc độ, không có gì sai khác. Khi hiểu biết và thật hành đúng như vậy thì sẽ được Nhất thiết chủng trí, nghĩa là Tâm sở nhập toàn giác với Tâm vương (Nhất thiết chủng trí) gọi là được Nhất thiết chủng trí. Khi đó mới có đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, độ thoát vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết bàn.
Như vậy, hàng Thanh văn, Bích chi Phật không thể thật hành đầy đủ sáu ba la mật nên không thể thành tựu chúng sanh, không trang nghiêm Phật độ, do đó, không thể có: “mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng, độ thoát vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết bàn như chư đại Bồ tát”.
Chính kinh:
“Nầy Xá Lợi Phất! Ví như loài đom đóm kia chẳng bao giờ nghĩ rằng mình như mặt nhựt mọc lên phóng ánh sáng chiếu khắp Diêm Phù Đề”.
Luận giải:
Trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật còn chấp trước vào các pháp, chấp vào tướng các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp, tự các pháp có tác dụng. Đức Phật Thích Ca dùng pháp dụ ví trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật như ánh sáng của loài đom đóm, chỉ chiếu sáng được một vùng nhỏ xung quanh nó bởi trí huệ hiểu biết của hàng Thanh văn, Bích chi Phật chỉ hiểu về sự hiện hữu của các pháp, các pháp là do nhân duyên sanh, chúng sanh khổ là do nghiệp nên phải tự tu để diệt nghiệp thì sẽ thoát khổ.
Trí huệ hiểu biết của hàng Đại Bồ tát được ví như mặt trời mọc lên phóng ánh sáng chiếu khắp Diêm Phù Đề: nghĩa là trí huệ hiểu biết của Đại Bồ tát có sức phương tiện nên hiểu rõ về sự thật của các pháp, nguồn gốc của các pháp được khởi sanh là do Bát nhã ba la mật, tức trí tuệ Phật đến từ bờ kia. Điều này trí huệ của hàng Thanh văn, Bích chi Phật cùng tất cả chúng sanh không thể hiểu biết được, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Đại Phương Tiện chỉ rõ:
“Đại Bồ tát thành tựu sức phương tiện như vậy thiệt là rất ít có.
Nầy Tu Bồ Đề! Như mặt trời, mặt trăng đi quanh soi sáng bốn thiên hạ đem lại nhiều sự lợi ích”.
Đại Bồ tát vì tất cả chúng sanh, muốn cứu vớt tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Nhất Niệm, Đức Phật dạy:
“Nầy Tu Bồ Đề! Vì tất cả pháp không có tánh nên Bồ tát vì chúng sanh cầu Vô thượng Bồ đề.
Tại sao? Vì những ai có được, có chấp thì khó được giải thoát”.
Nghĩa là Bồ tát biết rõ tất cả các pháp không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật, còn gọi là Vô thượng Bồ đề tạo tác, sanh khởi ra các pháp, chúng sanh. Vì thế, Đại Bồ tát thuyết giảng, chỉ cho tất cả chúng sanh biết rõ về Vô thượng Bồ đề là Phật, là chủ tể, chúa tể cai quản sự sanh diệt và cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp, của chúng sanh. Phật cai quản chúng sanh theo Luật nhân quả, ban sướng đọa khổ chúng sanh theo nghiệp mà chúng sanh đã tạo ra. Muốn tu hành thoát khỏi khổ đau là do Phật, còn các pháp, chúng sanh dù có hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên không thể tự tu để tự diệt nghiệp. Đại Bồ tát chỉ cho chúng sanh thực hành các pháp thiện thì sẽ không bị Phật thường trụ trong chúng sanh tạo ra khổ đau nữa nên chúng sanh mới được giải thoát.
Điều này trí huệ của tất cả hàng Bích chi Phật và tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la không thể hiểu biết được.
Do đó, Đức Phật Thích Ca ví trí huệ hiểu biết của Đại Bồ tát như mặt nhật mọc lên phóng ánh sáng chiếu khắp Diêm Phù Đề.
Chính kinh:
“Cũng vậy, hàng Thanh văn, Bích chi Phật chẳng có quan niệm như đại Bồ tát: Ta thật hành sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng được Vô thượng Bồ đề, độ vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết bàn”.
Luận giải:
Hàng Thanh văn, Bích chi Phật chấp trước vào các pháp, phân biệt sự sai khác của các pháp, chỉ biết được các pháp là do nhân duyên sanh. Vì không có phương tiện nên hàng Thanh văn, Bích chi Phật không thể thật hành sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng, không hiểu về Vô thượng Bồ đề, không biết được Vô thượng Bồ đề ở đâu nên hàng Thanh văn, Bích chi Phật chẳng có quan niệm như Đại Bồ tát: “Ta thật hành sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng được Vô thượng Bồ đề, độ vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết bàn”.
Chính kinh:
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ tát hơn bậc Thanh văn, Bích chi Phật mà đến bậc bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo?”.
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật, an trụ nơi pháp không, vô tướng, vô tác, có thể vượt hơn bậc Thanh văn, Bích chi Phật mà đến bậc Bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo”.
Luận giải:
♦ “Đại Bồ tát từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật”: nghĩa là Đại Bồ tát ở bậc sơ trụ địa thật hành sáu ba la mật.
– Thật hành Đàn na ba la mật:
Đại Bồ tát thực hiện bố thí tài, pháp cho tất cả chúng sanh, nhưng Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, không có các pháp nên trong lúc bố thí Đại Bồ tát không thấy người thí, không thấy kẻ nhận và không thấy tài vật.
Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói:
“Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.
Như vậy, sự hiện hữu của các pháp, người cho, kẻ nhận đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự tướng trong các pháp, trong con người để tạo ra tài vật, trao nhận tài vật. Dù các pháp, chúng sanh có hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại là bất khả đắc. Do đó, người cho, kẻ nhận và tài vật cũng bất khả đắc nên đầy đủ Đàn na ba la mật.
– Thật hành Thi la ba la mật:
Đại Bồ tát tự thực hành thập thiện đạo và cũng dạy người khác thực hành thập thiện đạo để tránh báo ứng nhân quả, nhưng Đại Bồ tát hiểu được mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp, con người là do Bát nhã ba la mật làm cái ngã, làm chúa tể, chủ tể, làm Tự tướng để các pháp, con người hoạt động, vận động, tạo ra tội hay không tạo ra tội. Còn các pháp, con người dù được hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc tạo ra tội hay không tạo ra tội đều không dính mắc, do đó, đầy đủ Thi la ba la mật.
– Thật hành Sằn đề ba la mật:
Đại Bồ tát tự đầy đủ nhẫn nhục và cũng dạy người khác thực hiện nhẫn nhục, nhưng Đại Bồ tát biết rõ các pháp, con người Tự tướng rỗng không, tướng như bất động. Tâm sở cũng tướng như bất động nên dù có lãnh thọ sự đánh đập, mắng nhiếc thì Tâm sở chẳng động. Việc khởi lên sân hận hay không sân hận là do Bát nhã ba la mật thường trụ, làm Tự tướng trong Đại Bồ tát, trong con người chứ không phải do tự Tâm sở của Đại Bồ tát nên đầy đủ Sằn đề ba la mật.
– Thật hành Tinh tấn ba la mật:
Đại Bồ tát luôn siêng năng tinh tấn tu hành các pháp thiện và cũng dạy người khác thực hành các pháp thiện, nhưng Đại Bồ tát hiểu biết rõ các pháp cũng như con người dù được hiện hữu mà Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên thân tâm tinh tấn hay giải đãi đều bất khả đắc. Mọi sự tinh tấn thân tâm của Đại Bồ tát là do Bát nhã ba la mật thường trụ và làm Tự tướng thực hiện theo ý thức tức suy nghĩ của Đại Bồ tát mong muốn các pháp thiện thì sẽ được khả đắc, nên đầy đủ Tinh tấn ba la mật.
– Thật hành Thiền na ba la mật:
Đây là thiền quán, quan sát các pháp để tìm thấy nguồn gốc của các pháp. Muốn quan sát được các pháp thì tâm chẳng tán loạn, chẳng say đắm.
Đại Bồ tát hiểu rõ sự tán loạn hay say đắm của Tâm sở là bất khả đắc vì Tâm sở, con người cũng như các pháp dù hiện hữu nhưng vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, sự tán loạn hay say đắm của tâm là do Bát nhã ba la mật. Đại Bồ tát hiểu được tâm chẳng tán loạn, chẳng say đắm nên đầy đủ Thiền na ba la mật.
– Thật hành Bát nhã ba la mật:
Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tức Pháp tánh nên Đại Bồ tát chẳng chấp trước các pháp mà quán Pháp tánh. Nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Hành Tướng chỉ rõ:
“Vì không có tánh, chính đó là Bát nhã ba la mật”.
Như vậy, Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không nên tất cả các pháp đều bất khả đắc. Vì tất cả pháp bất khả đắc nên đầy đủ Bát nhã ba la mật.
♦ “An trụ nơi pháp không, vô tướng, vô tác”: Đại Bồ tát luôn luôn an trụ vào ba môn tam muội:
– Không tam muội: Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Không tam muội là nói các pháp tự tướng rỗng không”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, vô ngã nên không có chúa tể, chủ tể, do đó, tướng như bất động.
– Vô tướng tam muội: Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng, không nghĩ, không nhớ”, nghĩa là các pháp hiện hữu nhưng không có tướng tịch diệt hay tướng diệt hoại.
– Vô tác tam muội: Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Vô tác tam muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác”, nghĩa là các pháp đã được hiện hữu nhưng các pháp không có cỗ máy để tự tạo tác, cấu tạo, sản xuất ra các pháp, tức là các pháp không có Tự tánh để tự sanh khởi nên không mong cầu tạo tác. Nói cách khác là các pháp không có tướng sanh.
Đại Bồ tát an trụ vào ba môn tam muội thấy rõ được tất cả các pháp hiện hữu nhưng đều không có tướng sanh, không có tướng diệt và tướng như bất động.
♦ “Có thể vượt hơn bậc Thanh văn, Bích chi Phật mà đến bậc Bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo”:
Đại Bồ tát luôn luôn thực hành sáu ba la mật, thấy rõ sáu ba la mật đều rỗng không, luôn luôn an trụ vào ba môn tam muội thấy được các pháp không có tướng sanh, không có tướng diệt và tướng như bất động.
Nếu Đại Bồ tát luôn thật hành sáu ba la mật và an trụ vào Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội thì có thể vượt hơn bậc Thanh văn, Bích chi Phật bởi bậc Thanh văn, Bích chi Phật chỉ thật hành được sáu độ, chứ không thật hành được sáu ba la mật. Do đó, Bồ tát này có thể đến bậc Bất thối chuyển, vì bậc Bất thối chuyển là Đại Bồ tát thật hành sáu ba la mật như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Bất Thối Chuyển, Đức Phật nói:
“Lại nầy Tu Bồ Đề! Vì lợi ích cho chúng sanh mà đại Bồ tát thật hành Đàn na ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật. Đây gọi là bậc Bất thối chuyển”.
♦ “Thanh tịnh Phật đạo”: Phật đạo của Đại Bồ tát là Đại Bồ tát phải thấy được tất cả các pháp đều rỗng không như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vãng Sanh chỉ rõ:
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Phật đạo của đại Bồ tát?”.
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Nếu chẳng thấy có thân, khẩu và ý, chẳng thấy có Đàn na, Thi la, Sằn đề, Tỳ lê gia, Thiền na và Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy có Thanh văn, Bích chi Phật, Bồ tát và Phật, đây gọi là Phật đạo của đại Bồ tát. Chính đó có nghĩa là vì tất cả pháp đều bất khả đắc”.
Như vậy, “thanh tịnh Phật đạo” là Đại Bồ tát thấy được tất cả các pháp đều rỗng không nên bất khả đắc bởi các pháp không có Tự tánh, không sanh, rốt ráo, rỗng không, sự hiện hữu của các pháp là do Đức Phật. Do đó, tất cả các pháp đều là Phật pháp, nghĩa là tất cả các pháp đều do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật, Đức Phật tạo tác ra mà có.
Vì vậy, Đại Bồ tát muốn vượt hơn bậc Thanh văn, Bích chi Phật mà đến bậc Bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo phải là Đại Bồ tát thật hành sáu ba la mật, luôn luôn an trụ vào ba môn tam muội thấy được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, tướng như bất động thì mới trụ vào được bậc Bất thối chuyển thanh tịnh Phật đạo.
Chính kinh:
“Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ tát an trụ bậc nào mà có thể làm phước điền cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật?
– Nầy Xá Lợi Phất! Từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật nhẫn đến lúc ngồi đạo tràng thành Vô thượng Bồ đề, trong khoảng thời gian ấy, luôn thường làm phước điền cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật”.
Luận giải:
Từ lúc sơ phát tâm tức là Bồ tát ở bậc sơ trụ địa Bồ tát, cho đến lúc thành Vô thượng Bồ đề luôn thật hành sáu ba la mật, thấy rõ được các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói:
“Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.
Như vậy, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại thành tựu. Mà Bát nhã ba la mật còn được gọi là Vô thượng Bồ đề, Đại Bồ tát thấy rõ được Vô thượng Bồ đề là cái cai quản sanh diệt và cai quản mọi hoạt động, vận động của các pháp theo quy luật nhân quả. Muốn thoát khỏi khổ đau thì chúng sanh phải tu hành các pháp thiện, dứt trừ các pháp ác, bất thiện.
Đại Bồ tát chỉ rõ những pháp nào là những pháp ác, bất thiện bị Vô thượng Bồ đề báo vào quả khổ đau, những pháp nào là pháp thiện được Vô thượng Bồ đề báo quả sướng vui, an lạc. Đại Bồ tát luôn thuyết giảng cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật về sự thật của các pháp.
Do đó, “Đại Bồ tát từ lúc sơ phát tâm thật hành sáu ba la mật nhẫn đến lúc ngồi đạo tràng thành Vô thượng Bồ đề, trong khoảng thời gian ấy, luôn thường làm phước điền cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật”.
Chính kinh:
“Tại sao vậy? Vì do nhân duyên của đại Bồ tát nên những thiện pháp của thế gian phát sanh. Như những pháp thập thiện, ngũ giới, bát quan trai, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, lục ba la mật, thập bát không, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng, đại từ đại bi, nhứt thiết chủng trí do nhân duyên của Bồ tát mà những pháp này hiện ra trên thế gian. Cũng do nhân duyên của Bồ tát mà những đại tộc Sát đế lợi, Bà la môn, cư sĩ, Tứ Thiên Vương, nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật Đà đều xuất hiện trên thế gian”.
Luận giải:
♦ “Tại sao vậy? Vì do nhân duyên của đại Bồ tát nên những thiện pháp của thế gian phát sanh. Như những pháp thập thiện, ngũ giới, bát quan trai, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, lục ba la mật, thập bát không, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng, đại từ đại bi, Nhất thiết chủng trí, do nhân duyên của bồ tát mà những pháp này hiện ra trên thế gian”:
Đoạn kinh trên nghĩa là Đại Bồ tát thuyết giảng, chỉ cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật biết tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh. Sự hiện hữu của tất cả các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong các pháp, trong chúng sanh theo quy luật nhân quả.
Đối với con người, nhân chính là nghiệp (ba nghiệp: thân, khẩu, ý). Nếu hành vào nghiệp ác, bất thiện thì sẽ bị báo quả khổ đau, hành vào nghiệp thiện sẽ được báo quả sướng vui. Đại Bồ tát thuyết giảng, chỉ cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật biết, có mười nghiệp bất thiện mà Đức Phật (Bát nhã ba la mật hay Phật tánh) thường trụ trong con người, bắt con người phải chịu vô lượng sự khổ. Còn nếu hành vào thập thiện đạo (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời thô ác, không tham lam, không sân hận, không si mê) thì sẽ được hưởng quả báo sướng vui.
Đại Bồ tát chỉ rõ cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật biết phải thực hiện các pháp thiện: thập thiện đạo, ngũ giới, bát quan trai, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần, bát thánh đạo phần, lục ba la mật, thập bát không, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại trí, thập bát bất cộng, đại từ đại bi, Nhất thiết chủng trí.
Đại Bồ tát biết rõ việc thực hiện thập thiện đạo cho đến Nhất thiết chủng trí đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong con người thực hiện theo ý thức (suy nghĩ) của mỗi người và báo ứng nhân quả. Bát nhã ba la mật tức Phật cai quản và chứng cho con người khi tu hành thành tựu các pháp kể trên. Phật (Bát nhã ba la mật) làm Tự tướng trong mỗi người để thực hiện thành tựu tất cả các pháp kể trên, còn con người dù hiện hữu nhưng đều vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc thực hiện các pháp tu trên là bất khả đắc. Tất cả các pháp từ thập thiện cho đến Nhất thiết chủng trí đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có. Sự hiện hữu của các pháp, chúng sanh là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Vì vậy, khi có Bồ tát xuất hiện ở thế gian mới chỉ cho chúng sanh biết những pháp từ thập thiện đạo đến Nhất thiết chủng trí tất cả đều là pháp thiện. Do đó, các pháp thiện mới xuất hiện trên thế gian như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tam Thán, Đức Phật chỉ rõ:
“Vì do đại Bồ tát nhân duyên nên có mười nghiệp đạo lành xuất hiện thế gian, và cũng xuất hiện tứ thiền đến nhứt thiết chủng trí”.
Nghĩa là do nhân duyên có Bồ tát xuất hiện ở thế gian mới chỉ ra các thiện pháp để chúng sanh tu hành giải thoát khỏi khổ đau.
♦ “Cũng do nhân duyên của Bồ Tát mà những đại tộc Sát đế lợi, Bà la môn, cư sĩ, Tứ Thiên Vương, nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật đà đều xuất hiện trên thế gian”.
Đại Bồ tát chỉ rõ tại sao có những dòng đại tộc Sát đế lợi, Bà la môn, cư sĩ được sanh về các cõi trời, cùng các quả tu chứng. Tất cả đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong con người chứng và báo các quả tương ứng khi con người tu hành thành tựu các thiện căn. Còn bản thân các dòng đại tộc cho đến các quả tu (kể cả Phật tại thế) đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có. Sự hiện hữu của các dòng đại tộc cho đến các quả tu Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi Phật và Phật tại thế đều do Phật tánh thường trụ trong con người chứng tùy theo thiện căn được thành tựu. Khi con người thực hiện các pháp thiện, xa lìa các pháp ác, bất thiện thì khi chết sẽ được sanh về các cõi trời trở thành các chư Thiên từ trời Tứ Thiên Vương nhẫn đến Phi Phi Tưởng Thiên và sẽ thoát ly khỏi năm đường sanh tử (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A tu la, Người). Đại Bồ tát chỉ rõ như vậy cho hàng Thanh văn, Bích chi Phật biết như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tam Thán, Đức Phật chỉ rõ:
“Vì do đại Bồ tát nhân duyên nên thế gian bèn có những nhà đại tộc, những dòng tôn quý và Chuyển Luân Thánh Vương cùng chư Thiên từ Tứ Vương Thiên đến Sắc Cứu Cánh Thiên.
Vì do đại Bồ tát nhân duyên nên có quả xuất thế Tu đà hoàn đến Bích chi Phật đạo, … và có chư Phật xuất hiện thế gian”.
Nghĩa là do nhân duyên có Đại Bồ tát xuất hiện ở thế gian, chỉ cho chúng sanh tu hành các pháp như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, … và tùy theo thành tựu các pháp lành mà được sanh vào các dòng tôn quý, được sanh lên các cõi trời hoặc được chứng các quả từ Tu đà hoàn cho đến chư Phật xuất hiện ở thế gian.
(Còn tiếp …)
Chùa Hang, ngày 30 tháng 08 năm 2021
Phạm Thị Mý