Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P10

Chính kinh:

“Đại Bồ tát nguyện rằng khiến cho tôi lúc đi, chân tôi cách đất bốn ngón tay không đạp trên đất, tôi sẽ được vô lượng chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, từ Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cung kính vây quanh cùng đi đến dưới cội Bồ đề. Tôi sẽ ngồi dưới cội Bồ đề và chư Thiên sẽ trải tòa cho tôi. Muốn được như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Lời nguyện của Đại Bồ tát “khiến cho tôi lúc đi, chân tôi cách đất bốn ngón tay, không đạp trên đất” là cách nói dụ, chỉ các loài chúng sanh trong đó có những loài bay lượn trên bầu trời.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu biết được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có Đại Bồ tát, không có chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, từ Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên, không có chúng sanh, …

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ tát, chư Thiên ở các cõi trời, chúng sanh, … đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Tất cả các pháp: Đại Bồ tát, chư Thiên, chúng sanh, … đều dựa vào Đấng tối cao (cách nói dụ là “ngồi dưới cội Bồ đề”) và đều ở trong tòa Như Lai nghĩa là từ một Đấng Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân ra các Pháp thân. Các Pháp thân này mới tạo tác, sanh khởi ra trời, người và tất cả chúng sanh, do đó, lời nguyện của Đại Bồ tát đều do Bát nhã ba la mật thực hiện thành tựu.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được như vậy, nên phải học Bát nhã ba la mật.

Vì vậy, “Đại Bồ tát nguyện rằng khiến cho tôi lúc đi, chân tôi cách đất bốn ngón tay không đạp trên đất, tôi sẽ được vô lượng chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc, từ Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh Thiên cung kính vây quanh cùng đi đến dưới cội Bồ đề. Tôi sẽ ngồi dưới cội Bồ đề và chư Thiên sẽ trải tòa cho tôi. Muốn được như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Lại nguyện lúc tôi thành Phật, chỗ tôi đi đứng ngồi nằm đều sẽ là Kim cang. Muốn được vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Nếu không học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát không thể thực hiện lời nguyện của mình.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có kim cang.

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ tát, Phật tại thế, kim cang, … đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại. Mọi mong muốn của Đại Bồ tát được khả đắc đều do Bát nhã ba la mật nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “lại nguyện lúc tôi thành Phật, chỗ tôi đi đứng ngồi nằm đều sẽ là Kim cang. Muốn được vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát nếu muốn ngày xuất gia liền thành đạo Vô thượng Bồ đề, liền chuyển pháp luân, lúc chuyển pháp luân có vô lượng vô số chúng sanh xa lìa trần cấu ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh, có vô lượng vô số chúng sanh vì chẳng thọ tất cả pháp nên được vô lậu giải thoát, có vô lượng vô số chúng sanh được bất thối chuyển Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ Trong các quả tu chứng ở ba thừa của Phật giáo được Đức Phật Thích Ca chỉ ra có bốn quả tu chứng gọi là Đạo. Đó là Đạo Thanh văn, Đạo Bích Chi Phật, Đạo Vô thượng Bồ đề và Đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

– Đạo Thanh văn: là tiểu thừa Thanh văn, tu theo pháp Tứ đế.

– Đạo Bích Chi Phật: là hàng tiểu thừa thứ hai còn gọi là tiểu thừa Duyên giác, tu theo thuyết Duyên khởi và Mười hai Nhân duyên.

– Đạo Vô thượng Bồ đề: là ở hàng Bồ Tát, tu theo pháp Sáu ba la mật, trụ vào Pháp không (rỗng không) mới thấy được tất cả các pháp là Phật pháp, còn các pháp không tự sanh ra được các pháp vì các pháp không có Tự tánh.

– Đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác: là những người đã nhập được Phật tri kiến, tức là Ý thức (Tâm sở) của họ đã nhập được với Trí tuệ Phật ở hình thức cứu cánh Niết Bàn (nhập trực giác). Những người này hoạt động thân, khẩu, ý hoàn toàn do Trí tuệ Phật điều khiển, đó là bậc Bồ Tát Thập trụ địa và Thiện tri thức, là những người gần thành Phật.

Còn những người đã thành Phật thì nhập toàn giác vào Vô thượng chánh đẳng chánh giác (“Đắc a nậu đa la tam miệu tam Bồ đề”- Bát Nhã Tâm Kinh), còn gọi là nhập Niết Bàn, nghĩa là Tâm sở nhập toàn giác với Vô thượng chánh đẳng chánh giác ở trong thân thành Phật như Đức Phật Thích Ca.

Đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác tu vào Mười tám pháp bất cộng.

Như vậy, Đại Bồ tát nếu muốn ngày xuất gia liền thành đạo Vô thượng Bồ đề thì phải học Bát nhã ba la mật mới tu được vào Sáu ba la mật và trụ vào Pháp không.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát mới hiểu được tất cả các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật hay còn gọi là Phật tánh tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp làm chúa tể, chủ tể, làm cái ngã cai quản mọi hoạt động, vận động của các pháp.

Do đó, Chánh pháp chính là cái cai quản sanh diệt các pháp, là tướng sanh, là tướng diệt của các pháp.

♦ “Liền chuyển pháp luân”:

Chuyển pháp luân là chỉ ra Chánh pháp cho chúng sanh để chúng sanh hiểu được tất cả các pháp đều là Phật pháp, có nghĩa là tất cả các pháp đều do Phật sanh ra, còn các pháp thì vô sanh, vô khởi vì không có Tự tánh để tự sanh khởi. Tự tánh trong các pháp là Tự tánh của Như Lai tạng, cũng là Phật tánh do Đức Phật Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân ra, làm Pháp tánh thường trụ trong các pháp, còn gọi là thường trụ tướng thế gian để sanh ra các pháp để các pháp phát triển, tồn tại và bảo tồn sự sống. Do đó, tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều từ Phật sanh ra, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói: “Vì tất cả pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Như vậy, chuyển pháp luân là chỉ ra Chánh pháp cho mọi người, chỉ rõ tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều do Phật sinh ra từ sự khổ đau của con người cho đến sự đọa sanh hành nghiệp cũng như huân tập nghiệp trong Tứ đế, Nhân duyên. Tất cả đều do Phật tánh thường trụ trong chúng sanh tạo ra theo Luật Nhân quả mà Đức Phật Như Lai (Bát nhã ba la mật) đã quy định. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát mới chuyển được pháp luân.

♦“Lúc chuyển pháp luân có vô lượng vô số chúng sanh xa lìa trần cấu ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh”:

Vô số vô lượng chúng sanh được nghe Đại Bồ tát chỉ ra Chánh pháp thì tin, hiểu và thật hành đúng như lời thuyết giảng của Đại Bồ tát vì hiểu rõ được các pháp đều không sanh, không diệt nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp chỉ là sản phẩm của Pháp tánh thường trụ gọi là Tự tánh Như Lai tạng thường trụ trong các pháp, còn tính chân thực của các pháp là rỗng không, tất cả mười phương thế giới đều rỗng không. Hiểu được như vậy gọi là “ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh”.

Những chúng sanh này hiểu được các pháp dù được hiện hữu nhưng vô ngã, không có chúa tể, chủ tể, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại là bất khả đắc nên không còn chấp vào sự hiện hữu của các pháp, không tham đắm, tìm cầu những hỷ lạc của thế gian, xa lìa cấu nhiễm, rời tất cả các pháp ác, bất thiện nên vô lượng vô số chúng sanh ở trong các pháp được pháp nhãn thanh tịnh.

♦ “Có vô lượng vô số chúng sanh vì chẳng thọ tất cả pháp nên được vô lậu giải thoát”:

Có vô lượng vô số chúng sanh được nghe Đại Bồ tát thuyết giảng, chỉ ra Chánh pháp thì xa rời các cấu nhiễm, không còn chấp trước các pháp, không tạo những nghiệp ác, bất thiện thì sẽ sạch lậu bởi biết rõ được Bát nhã ba la mật là chúa tể đang tạo tác lên mọi hiện hữu; còn chúng sanh thì tướng như bất động. Hiểu được như vậy thì sẽ không còn phiền não, sạch lậu, thoát khỏi mọi khổ đau.

♦ “Có vô lượng vô số chúng sanh được bất thối chuyển Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Có vô lượng vô số chúng sanh khi được nghe Đại Bồ  chỉ ra Chánh pháp, nghĩa là giảng về Bát nhã ba la mật là Trí tuệ từ bờ kia đến tạo tác, sanh khởi ra tất cả pháp, làm chúa tể, chủ tể, làm cái ngã trong tất cả pháp; còn tất cả pháp đều vô sanh, vô khởi, vô ngã nên Tự tướng rỗng không, tướng như bất động. Những chúng sanh này nghe, tin hiểu và thật hành đúng như lời chỉ dạy của Đại Bồ tát, tức là biết rõ các pháp là vô sanh, các pháp được hiện hữu là do Phật sanh theo Nhân quả nên chỉ thực hiện các thiện pháp, rời bỏ tất cả các pháp ác, bất thiện thì sẽ được Bát nhã ba la mật thường trụ ở trong thân họ chứng cho họ được trụ bậc “bất thối chuyển Vô thượng Bồ đề”.

Do đó, Đại Bồ tát muốn được như vậy thời phải học Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật sẽ dùng vô lượng vô số Thanh văn làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy liền được quả A la hán, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có Đại Bồ tát, không có chư Tăng.

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ tát, chư Tăng, … là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại.

♦ “Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật sẽ dùng vô lượng vô số Thanh văn làm Tăng” là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chư Tăng để chư Tăng có ý thức nhận biết được Giáo lý Tứ đế (Khổ – Tập – Diệt – Đạo), thấy rõ được cuộc sống của con người từ khi sinh đến khi tử phải chịu vô lượng sự khổ. Hiểu được nguyên nhân của mọi khổ đau là do Tập. Tập là những tập khí phiền não, chính là tập hợp những nghiệp lực hư ngụy từ vô thỉ, đó là những việc làm ác, bất thiện từ những kiếp trước. Muốn diệt khổ thì phải diệt tập, tức là diệt những nghiệp ác, bất thiện thì sẽ hết khổ. Muốn biết những việc làm nào là ác, bất thiện để dứt bỏ thì phải có Đạo.

Như vậy, hàng Thanh văn hiểu rõ muốn hết khổ thì phải diệt nghiệp, tự mình tu, tự mình chứng.

♦ “Lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy liền được quả A la hán”:

Đại Bồ tát lúc thành Phật thuyết giảng cho chư Tăng biết tất cả các pháp đều không có Tự tánh, tức là không có cỗ máy tạo tác, khởi sanh ra các pháp nên các pháp không sanh, không khởi, rỗng không. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật còn gọi là Đức Phật hay Phật tánh sanh ra tất cả và thường trụ trong các pháp, làm cái ngã, làm chúa tể của các pháp. Mọi khổ đau của con người không phải tự nhiên sinh ra mà do Đức Phật tạo ra dựa trên cơ sở nghiệp (những việc làm ác, bất thiện của con người). Việc huân tập những việc làm ác, bất thiện cũng do Đức Phật huân tập mà không phải tự nghiệp huân tập được. Con người bị khổ đau là do Đức Phật tạo ra theo Mười hai nhân duyên. Đây chính là Luật Nhân Quả bắt con người phải chịu trách nhiệm về những việc làm ác, bất thiện của chính mình. Chư Tăng được nghe Đại Bồ tát thuyết giảng thấu hiểu được tất cả các pháp hiện hữu đều do Đức Phật sanh. Con người bị Đức Phật cai quản theo Luật Nhân Quả nên tu hành thành tựu Mười hai nhân duyên, dứt trừ tất cả những pháp ác, bất thiện, chỉ thực hiện các pháp thiện, dù bị đánh đập, chửi mắng vẫn cố gắng chịu đựng, không khởi lên sân hận dù chỉ là một niệm. Do đó, sạch lậu, được vô sanh pháp nhẫn nên được Đức Phật thường trụ trong chư Tăng chứng quả A la hán.

Như vậy, học Bát nhã ba la mật Đại Bồ tát mới hiểu được tất cả mọi mong muốn của Đại Bồ tát đều do Đức Phật tức là Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát, trong chư Tăng thực hiện thành tựu nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật sẽ dùng vô lượng vô số Thanh Văn làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy liền được quả A la hán, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, sẽ dùng vô lượng vô số Bồ Tát làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy đều được bất thối chuyển, được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh, thì phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có Đại Bồ tát, không có chư Tăng.

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ tát, chư Tăng, … là do Bát nhã ba la mật làm Tự tánh tạo tác, sanh khởi, thường trụ trong các pháp và làm Tự tướng của các pháp để các pháp vận động, hoạt động, tác động qua lại.

Đại Bồ tát muốn được thành Phật là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát chứng cho thành Phật khi Đại Bồ tát thực hiện đầy đủ các thiện căn.

♦ “Lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy đều được bất thối chuyển”:

Đại Bồ tát lúc thành Phật thuyết giảng về Bát nhã ba la mật là chỉ về Trí tuệ từ bờ kia đến, còn gọi là Trí tuệ Phật hay Đức Phật tạo tác, sanh khởi ra tất cả pháp, làm chúa tể, chủ tể, làm cái ngã trong tất cả pháp; còn tất cả pháp đều vô sanh, vô khởi nên vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động. Đối với con người, Đức Phật cai quản theo Luật Nhân Quả, làm thiện được báo quả sướng vui, làm ác bị báo quả khổ; còn các pháp đều không có cỗ máy tạo tác, sanh khởi nghĩa là các pháp không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp. Dù các pháp được Đức Phật tạo tác, sanh ra nhưng vô ngã, không có chúa tể, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại là bất khả đắc.

Chư Tăng được nghe Đại Bồ tát thuyết giảng tin hiểu các pháp là vô sanh, các pháp đều do Đức Phật sanh ra nên thật hành đúng như lời giảng của Đại Bồ tát, chỉ thực hành các thiện pháp, dứt trừ tất cả những pháp ác, bất thiện thì được Bát nhã ba la mật thường trụ trong chư Tăng chứng cho trụ vào bậc bất thối chuyển.

“Được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh”:

Chư Tăng nghe, tin hiểu và thật hành đúng như lời Đại Bồ tát thuyết giảng sẽ “được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh”, nghĩa là trong vô lượng kiếp thọ mạng (mang thân) đều thấy và biết rõ tất cả pháp là vô sanh. Các pháp do Bát nhã ba la mật sanh, còn gọi là quang minh, là cái phân thân từ Chánh thân Như Lai sanh khởi và thường trụ trong tất cả pháp.

♦ “Được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh”: là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chư Tăng chứng cho khi chư Tăng này thực hành đúng như lời thuyết giảng của Đại Bồ tát.

Tất cả mọi mong muốn của Đại Bồ tát đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát, trong chư Tăng thực hiện thành tựu. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, sẽ dùng vô lượng vô số Bồ Tát làm Tăng, lúc nói một thời pháp, tất cả chư Tăng nầy đều được bất thối chuyển, được vô lượng thọ mạng đầy đủ quang minh, thì phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, trong thế giới không có danh từ tam độc, dâm dục, sân khuể, ngu si, tất cả chúng sanh đều thành tựu chánh trí huệ, thiện thí, thiện giới, thiện định, thiện phạm hạnh, thiện từ bi, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có con người, không có chúng sanh nên không có danh từ tam độc (dâm dục, sân khuể, ngu si), không có thành tựu chánh trí huệ, thiện thí, thiện giới, thiện định, thiện phạm hạnh, thiện từ bi.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật cũng là Trí tuệ đến từ bờ kia tạo tác, sanh khởi và làm Tự tướng trong các pháp, trong chúng sanh để các pháp hoạt động, tác động qua lại tạo ra những nghiệp ác, bất thiện (tham dục, sân khuể, ngu si, …), hay tạo ra những nghiệp thiện (thành tựu Chánh trí huệ, thiện thí, thiện giới, thiện định, thiện phạm hạnh, thiện từ bi). Tất cả đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh thực hiện theo ý thức (suy nghĩ) ác, bất thiện hay thiện của chúng sanh.

Đại Bồ tát được thành Phật cũng do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát quyết định khi Đại Bồ tát thực hành đầy đủ các pháp lành. Các pháp con người dù được hiện hữu nhưng Tự tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi, … để tự tạo nghiệp thiện hay ác, bất thiện của con người là bất khả đắc.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát mới hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, trong thế giới không có danh từ tam độc, dâm dục, sân khuể, ngu si, tất cả chúng sanh đều thanh tựu chánh trí huệ, thiện thí, thiện giới, thiện định, thiện phạm hạnh, thiện từ bi, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, sau khi nhập Niết bàn, chánh pháp không diệt tận, cũng không có danh từ diệt tận, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được các pháp đều vô tác do không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, các pháp không có tướng sanh, không có tướng diệt nên không có tất cả pháp, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập II, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật chỉ rõ: “Vì các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát nhã ba la mật phải sanh”.

Như vậy, sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật còn gọi là Pháp thân Như Lai tạo tác, sanh khởi ra các pháp, diệt các pháp và thực hiện mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của các pháp. Do đó, Chánh pháp là cái cai quản sanh diệt các pháp, là tướng sanh, tướng diệt của các pháp, chính là Pháp thân Như Lai, nhưng Pháp thân Như Lai cũng không có Tự tánh nên không tự sanh ra được Pháp thân Như Lai. Vì không tự sanh nên cũng không tự diệt, cũng giống như các pháp bởi Pháp thân Như Lai là do Chánh thân Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân mới có. Vì vậy, Chánh pháp là Chánh thân Như Lai, là Bát nhã ba la mật, còn tất cả pháp được Pháp thân Như Lai sanh ra, cho nên Chánh pháp là pháp duy nhất, còn được gọi là Đức Phật.

Như vậy, Chánh pháp chính là Phật pháp. Như Lai có thể phân một thân thành nhiều thân, nhiều thân thu về một thân trên cơ sở dùng sức tự tại vượt khỏi phạm trù sanh diệt nên Như Lai không diệt tận, do đó Chánh pháp không diệt tận, cũng không có danh từ diệt tận.

Học Bát nhã ba la mật Đại Bồ tát mới hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Đại Bồ tát muốn lúc thành Phật, chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương nghe danh hiệu của ta quyết định sẽ được Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh nên không có các pháp, không có Đại Bồ tát,  không có chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương.

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ tát, chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương, … là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp, làm Tự tướng trong các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nghe, …

Đại Bồ tát được thành Phật là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát quyết định khi Đại Bồ tát thực hành đầy đủ các thiện căn. Chúng sanh nghe và quyết định sẽ được Vô thượng Bồ đề cũng là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát mới hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ tá muốn lúc thành Phật, chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương nghe danh hiệu của ta quyết định sẽ được Vô thượng Bồ đề, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ tát muốn được những công đức như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp rỗng không do không có Tự tánh, không sanh nên không có các pháp, không có chư Phật, không có Đại Bồ tát, không có chúng sanh.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật sanh khởi ra các pháp, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp, trong con người để thực hiện thành tựu tất cả những công đức.

Tất cả những công đức chính là những mong muốn của Đại Bồ tát để cứu khổ độ sanh cho tất cả chúng sanh, bao gồm những mong muốn như:

– Muốn chúng sanh thoát khỏi Tam độc: dâm dục, sân khuể, ngu si, …

– Muốn chúng sanh không còn bị các loại bệnh tật: mù, điếc, câm, điên, loạn, … và các loại hoạn nạn, đói khát, …

– Muốn tất cả mọi người đứng vững nơi giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến được quả Tu đà hoàn nhẫn đến quả Vô thượng Bồ đề.

– Muốn tất cả mọi người hiểu được nguồn gốc của con người, muôn loài cùng vũ trụ vạn vật chính là do Bát nhã ba la mật, là Trí tuệ đến từ bờ kia còn gọi là Đức Phật đang tạo tác, sanh khởi, làm chúa tể, chủ tể, làm cái ngã cai quản mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại của con người theo Luật Nhân quả, để thấy được con người cũng như các pháp đều vô ngã (không có tôi, không có ta). Con người, các pháp chỉ là khách thể hoàn toàn thụ động theo sự điều hành của chủ tể, đó là cái ngã, là Đức Phật. Nếu mọi người tin hiểu và chỉ làm việc thiện, dứt trừ tất cả những pháp ác, bất thiện thì sẽ được Đức Phật thường trụ trong mỗi người cho hưởng cuộc sống sướng vui, an lạc.

 …

Tất cả những công đức kể trên đều do Bát nhã ba la mật thường trụ trong chúng sanh thực hiện thành tựu. Dù Đại Bồ tát, chúng sanh được hiện hữu nhưng đều vô ngã, Tự tướng rỗng không, tướng như bất động nên mọi hoạt động, vận động, tác động qua lại như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, đắp y, nói, cười, … đều bất khả đắc, vì vậy không thể tự tạo ra những công đức như trên.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát mới hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Do đó, “Đại Bồ tát muốn được những công đức như vậy, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 24 tháng 07 năm 2021

Phạm Thị Mý