Luận giải Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm Tự) – P7

Chính kinh:

“Muốn thế giới của chư Phật chẳng dứt diệt, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Thế giới của chư Phật chính là thế giới của các Phật thập phương.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, vô sanh, nên không có các pháp.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Đại Phương Tiện, Đức Phật nói: “Vì Bát nhã ba la mật không sanh, không diệt, các pháp thường trụ vậy”, nghĩa là Bát nhã ba la mật là Pháp tánh thường trụ trong các pháp, nhưng Bát nhã ba la mật cũng không sanh, không diệt bởi không có Tự tánh để tự sanh khởi.

Bát nhã ba la mật chính là Phật tánh nên Bát nhã ba la mật thường trụ trong các pháp, cũng chính là Phật tánh thường trụ trong các pháp. Đây là thế giới của chư Phật, còn được gọi là thế giới của chư Phật thập phương. Do Phật tánh cũng không có Tự tánh, vô sanh nên không có diệt, không có dứt diệt. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Chúc Lụy, Đức Phật nói: “Vì tất cả pháp đó đều vô sanh, nếu các pháp đó đã vô sanh thì làm sao có tận”.

Như vậy, thế giới của Phật tánh tức là thế giới của chư Phật là vô sanh nên không có diệt, không có dứt diệt. Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

Do đó, “muốn thế giới của chư Phật chẳng dứt diệt, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát muốn an trụ nơi nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, chư pháp không, vô sở đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh nên không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát dù thấy được sự hiện hữu của các pháp nhưng vẫn an trụ, tức là chấp nhận vào các pháp là rỗng không bởi biết các pháp không tự sanh nên không chấp vào sự hiện hữu của các pháp là có thật.

Đại Bồ Tát luôn an trụ vào mười tám pháp không, đó là: Nội không, Ngoại không, Nội ngoại không, Không không, Đại không, Đệ nhất nghĩa không, Hữu vi không, Vô vi không, Tất cánh không, Vô thỉ không, Tán không, Tánh không, Tự tướng không, Chư pháp không, Bất khả đắc không, Vô pháp không, Hữu pháp không, Vô pháp hữu pháp không.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Vấn Thừa, Đức Phật chỉ rõ:

“Những gì là nội không?

Nội pháp là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Xét về nhãn thời nhãn rỗng không, nhẫn đến xét về ý thời ý rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là nội không.

Những gì là ngoại không?

Ngoại pháp là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Xét về sắc thời sắc rỗng không, nhẫn đến xét về pháp, thời pháp rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là ngoại không.

Những gì là nội ngoại không?

Nội ngoại pháp là thập nhị nhập: nội lục nhập tức là sáu căn và ngoại lục nhập là sáu trần. Xét về nội pháp thời nội pháp rỗng không, xét về ngoại pháp, thời ngoại pháp rỗng không, vì đều chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là nội ngoại không.

Những gì là không không?

Không là tất cả pháp rỗng không. Không nầy cũng là rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là không không.

Những gì là đại không?

Đại là nói mười phương. Xét về Đông phương thời Đông phương rỗng không, nhẫn đến xét về Hạ phương, thời Hạ phương rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là đại không.

Những gì là đệ nhất nghĩa không?

Đệ nhất nghĩa là nói Niết bàn. Xét về Niết bàn thời Niết bàn rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là đệ nhất nghĩa không.

Những gì là hữu vi không?

Hữu vi pháp là nói tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Xét về Dục giới thời Dục giới rỗng không, Sắc giới thời Sắc giới rỗng không, Vô sắc giới thời Vô sắc giới rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là hữu vi không.

Những gì là vô vi không?

Vô vi pháp là nói không tướng sanh, không tướng trụ, không tướng diệt. Xét về vô vi pháp thời vô vi pháp rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô vi không.

Những gì là tất cánh không?

Tất cánh là nói các pháp rốt ráo bất khả đắc, tức là tất cánh rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tất cánh không.

Những gì là vô thỉ không?

Xét về chỗ khởi đầu đến của các pháp thời bất khả đắc, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô thỉ không.

Những gì là tán không?

Tán là nói các pháp không diệt. Không diệt này cũng rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tán không.

Những gì là tánh không?

Hoặc hữu vi pháp tánh, hoặc vô vi pháp tánh, tánh này chẳng phải Thanh Văn, Bích Chi Phật làm ra, chẳng phải Phật làm ra, cũng chẳng phải người khác làm ra. Xét về tánh này thời tánh này rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tánh không.

Những gì là tự tướng không?

Tự tướng là nói sắc thời tướng biến hoại,  thọ thời tướng lãnh thọ, tưởng thời tướng lấy tướng dạng, hành thời tướng tạo tác, thức thời tướng rõ biết. Tự tướng của những pháp hữu vi, pháp vô vi đều rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là tự tướng không.

Những gì là chư pháp không?

Chư pháp là nói ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới. Xét về chư pháp này thời chư pháp này rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt vậy. Tại sao vậy? Vì tự tánh như vậy. Đây gọi là chư pháp không.

Những gì là bất khả đắc không?

Tìm cầu các pháp bất khả đắc đây là bất khả đắc không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là bất khả đắc không.

Những gì là vô pháp không?

Nếu pháp không có thời cũng rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô pháp không.

Những gì là hữu pháp không?

Hữu pháp là nói trong các pháp hòa hiệp có tự tánh tướng. Hữu pháp này rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là hữu pháp không.

Những gì là vô pháp hữu pháp không?

Vô pháp trong các pháp và hữu pháp trong các pháp đều rỗng không, vì chẳng phải thường, chẳng phải diệt. Tại sao vậy? Vì tánh tự như vậy. Đây gọi là vô pháp hữu pháp không”.

(Lưu ý: Trong phần Tự tướng không, có phần Tướng hành và Tướng thức là không đúng, như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập I, Phẩm Tu Tập Đúng, Đức Phật nói: “Vì hành rỗng không nên không có tướng tác giả, vì thức rỗng không nên không có tướng tri giác”, nghĩa là hành là tướng tác giả chứ không phải là tướng tạo tác; Thức là tướng tri giác, chứ không phải là tướng rõ biết. Các tướng như đây mới đúng).

Mười tám pháp này đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh. Sự hiện hữu của mười tám pháp không này là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, là những pháp hiện hữu có tên gọi, nhưng Đại Bồ Tát vẫn an trụ vào mười tám pháp này là không (rỗng không).

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy nên phải học Bát nhã ba la mật.

Chính kinh:

“Muốn biết nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên và tăng thượng duyên của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được các pháp đều không có Tự tánh, vô sanh, rỗng không, không có các pháp.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tức là Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Các pháp hiện hữu còn được gọi là “Duyên duyên”.

Tự tánh Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra các pháp theo quy luật nhân duyên. Dựa theo các Duyên duyên đã có sẵn để sanh mới trong tồn tại và bảo tồn của sự sống trên thế giới này. Đối với con người gọi là Nội nhân duyên, còn cái cây cũng như vạn vật có sự sống ngoài con người thì gọi là Ngoại nhân duyên.

Kinh Duyên Sinh chỉ rõ: “Nhân duyên pháp này vì hai thứ mà nó sanh khởi được. Hai thứ ấy là gì? Là Nhân tương ứng và Duyên tương ứng”.

Nhân Duyên pháp chính là Tự tánh Như Lai tạng.

Nhân tương ứng, Duyên tương ứng là hai yếu tố đã có sẵn trong Duyên duyên.

Như vậy, Tự tánh Như Lai tạng phải có đầy đủ hai yếu tố Nhân và Duyên tương ứng, hòa hợp mới sanh.

Ví dụ:

– Đối với Ngoại nhân duyên thì Nhân là hạt giống của một cái cây đã được sinh ra. Còn Duyên thì có 6 Duyên tương ứng là Địa (Đất), Thủy (Nước), Hỏa (Nhiệt độ), Phong (Gió), Không (Không gian), Thời (Thời gian) đều là những yếu tố đã có sẵn.

Nhân Duyên là những thứ đã được hiện hữu của Duyên duyên. Do đó, trong Duyên duyên đã có Nhân Duyên.

– Đối với Nội nhân duyên thì Nhân Duyên được tính theo Nhân Quả. Cái Nhân để sinh ra mọi khổ đau là Vô minh. Do Vô minh mà sinh ra Tam hành (Nghiệp): Thân hành, Khẩu hành, Ý hành ác, bất thiện nên con người bị đọa sanh hành nghiệp, báo ứng nhân quả vào cuộc đời sanh, lão, bệnh, tử trong tam thế lưỡng trùng nhân quả: nhân kiếp trước, quả hiện tại, nhân hiện tại quả vị lai… Do đó, con người bị sinh vào 12 Nhân Duyên là do con người vô minh, không hiểu biết nên làm những nghiệp ác, bị báo ứng khổ đau theo nhân quả. Như vậy, Vô minh được sinh ra là do con người. Có con người rồi mới sinh được Vô minh.

Nếu Vô minh diệt thì Hành diệt (Nghiệp diệt) nhẫn đến lão tử, những khổ đau lớn lao, thuần nhất, cùng cực cũng diệt. Con người sẽ được giải thoát mọi khổ đau.

Vì vậy, Duyên duyên là vạn vật đã được sinh ra và trong Duyên duyên cũng có Nhân, cũng có Duyên sinh ra tất cả pháp tùy duyên từ Nội nhân duyên cho đến Ngoại nhân duyên, trùng trùng duyên khởi.

Tự tánh Như Lai tạng là cái tạo tác, sanh ra các pháp, tức là sanh ra Duyên duyên và Nhân Duyên, nhưng Tự tánh Như Lai tạng cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Tự tánh Như Lai tạng là do Chánh thân Như Lai phân thân ra, do đó, Tự tánh Như Lai tạng còn được gọi là Thứ đệ duyên. Chánh thân Như Lai còn được gọi là Tăng thượng duyên.

Đức Phật Thích Ca dùng các cụm từ sai khác nhau để chỉ về Chánh thân Như Lai và cái phân thân của Ngài:

– Chánh thân Như Lai: còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế, Tăng thượng duyên, Bát nhã ba la mật, Đức Phật, …

– Cái phân thân của Như Lai: còn gọi là Pháp thân Như Lai, Tự tánh Như Lai tạng, Thế đế, Thứ đệ duyên, Nhất thiết chủng trí, Bát nhã ba la mật, Hóa Phật,…

Thứ đệ duyên mới là cái trực tiếp tạo tác, sanh ra các pháp, tức là sanh ra Duyên duyên và Nhân duyên; còn Tăng thượng duyên thì không trực tiếp tạo tác ra các pháp.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được như vậy.

Do đó, “muốn biết nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên và tăng thượng duyên của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn biết pháp như, pháp tánh và thiệt tế của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật chính là Pháp tánh tạo tác, sanh ra các pháp và thường trụ trong các pháp.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Thiện Đạt, Đức Phật nói:

“.. Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát học pháp tánh thì học tất cả pháp.

Tại sao? Vì tất cả pháp là pháp tánh”.

Pháp như, Pháp tánh, Thiệt tế tuy có tên gọi khác nhau nhưng đều chỉ một nghĩa là cái tạo tác, sanh khởi ra các pháp. Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Tập III, Phẩm Tứ Nhiếp, Đức Phật nói:

Này Tu Bồ Đề! Sắc chẳng khác pháp tánh, chẳng khác như, chẳng khác thiệt tế. Thọ, tưởng, hành, thức, nhẫn đến hữu lậu, vô lậu cũng chẳng khác”.

Do học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được Pháp như, Pháp tánh, Thiệt tế là cái tạo tác, sanh khởi trực tiếp ra các pháp và thường trụ trong các pháp.

Như vậy, “muốn biết pháp như, pháp tánh và thiệt tế của các pháp, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Đại Bồ Tát phải như vậy mà an trụ trong Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh.

Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Tự tánh Như Lai tạng) tạo tác, sanh khởi ra các pháp, nhưng Tự tánh Như Lai tạng cũng không có Tự tánh, không sanh, rỗng không. Tự tánh Như Lai tạng được hiện hữu là do Chánh thân Như Lai hay Bát nhã ba la mật phân thân ra nên an trụ vào Bát nhã ba la mật, tức là an trụ vào Chánh thân Như Lai.

Do đó, “Đại Bồ Tát phải như vậy mà an trụ trong Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn đếm biết số vi trần của những ngọn núi, của những quả đất trong Đại thiên thế giới, muốn phân tích một sợi lông làm trăm phần rồi lấy một phần lông chấm hết nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới mà không kinh động đến loài thủy tộc, muốn thổi một cái liền tắt ngọn lửa cháy khắp Đại thiên thế giới như hỏa tai lúc kiếp tận, muốn lấy một ngón tay ngăn dừng những cơn gió lớn có thể làm tan nát Đại thiên thế giới đến tất cả những núi Tu Di như thổi tan đống cỏ mục, phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

♦ “Đại Bồ Tát muốn đếm biết số vi trần của những ngọn núi, của những quả đất trong Đại thiên thế giới thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự tánh, không sanh nên không có các pháp, không có Đại Bồ Tát, không có những ngọn núi, không có những quả đất trong Đại thiên thế giới

Sự hiện hữu của các pháp: Đại Bồ Tát, những ngọn núi, những quả đất trong Đại thiên thế giới,… là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và thường trụ trong các pháp. Vì vậy, Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ tát sẽ đếm được số vi trần của những ngọn núi, những quả đất trong Đại thiên thế giới.

Học Bát nhã Ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được như vậy.

♦ “Đại Bồ Tát muốn phân tích một sợi lông làm trăm phần rồi lấy một phần lông chấm hết nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới mà không kinh động đến loài thủy tộc thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự tánh, không sanh nên không có tất cả các pháp, không có nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới, cũng không có các loài thủy tộc.

Một sợi lông phân tích thành trăm phần: là cách nói dụ của Đức Phật Thích Ca chỉ về cái phân thân của Như Lai (Phật tánh, Bát nhã ba la mật).

Lấy một phần lông chấm hết nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới: tức là nói Bát nhã ba la mật (Phật tánh) hút hết nước của suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới thì cũng có nghĩa là Bát nhã ba la mật là cái sanh ra nước trong Đại thiên thế giới này.

Bát nhã ba la mật (Phật tánh) tạo ra nước và các loài thủy tộc sống trong đó nên Bát nhã ba la mật sẽ hút cạn được nước mà không làm ảnh hưởng đến các loài thủy tộc sống trong đó.

Đại Bồ Tát muốn biết được như vậy thời phải học Bát nhã ba la mật.

♦ “Muốn thổi một cái liền tắt ngọn lửa cháy khắp Đại thiên thế giới như hỏa tai lúc kiếp tận thời phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự tánh, không sanh nên không có tất cả các pháp, không có ngọn lửa trong Đại thiên thế giới.

Sự hiện hữu của các pháp: ngọn lửa trong Đại thiên thế giới,… là do Bát nhã ba mật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi nên Bát nhã ba la mật sẽ dập tắt được ngọn lửa cháy khắp Đại thiên thế giới chỉ bằng một lần thổi.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được như vậy.

♦ “Muốn lấy một ngón tay ngăn dừng những cơn gió lớn có thể làm tan nát Đại thiên thế giới đến tất cả những núi Tu Di như thổi tan đống cỏ mục, phải học Bát nhã ba la mật”:

Đại Bồ Tát học Bát nhã ba la mật mới hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh nên không có tất cả các pháp,không có gió, không có núi Tu Di, không có đống cỏ mục.

Sự hiện hữu của các pháp: những ngọn gió, những núi Tu Di, đống cỏ mục,… là do Bát nhã ba mật (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi nên Bát nhã ba la mật sẽ ngăn chặn được tất cả những thiên tai, gió bão trong Đại thiên thế giới.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát mới hiểu được như vậy.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn đếm biết số vi trần của những ngọn núi, của những quả đất trong Đại thiên thế giới, muốn phân tích một sợi lông làm trăm phần rồi lấy một phần lông chấm hết nước của những suối ao, sông ngòi, biển cả trong Đại thiên thế giới mà không kinh động đến loài thủy tộc, muốn thổi một cái liền tắt ngọn lửa cháy khắp Đại thiên thế giới như hỏa tai lúc kiếp tận, muốn lấy một ngón tay ngăn dừng những cơn gió lớn có thể làm tan nát Đại thiên thế giới đến tất cả những núi Tu Di như thổi tan đống cỏ mục, phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn một lần ngồi kiết già có thể làm cho thân thể khắp tất cả không gian trong Đại thiên thế giới, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có các không gian trong Đại thiên thế giới, không có Đại Bồ Tát.

Sự hiện hữu của Đại Bồ Tát, của các không gian trong Đại thiên thế giới đều do Bát nhã ba la mật (Tự tánh Như Lai tạng) do Chánh thân Như Lai thị hiện ra mà có. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát, Đức Phật chỉ rõ: “Một là có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp đại thiên vô lượng thế giới. Thân Như Lai thật chẳng phải vi trần vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân. Tự tại như vậy gọi là đại ngã”.

Thân Như Lai là Chánh thân.

Vi trần thân là các pháp thân của Như Lai, chính là Phật tánh do Chánh thân Như Lai phân thân thị hiện nhiều vô lượng vô biên đầy khắp Đại thiên thế giới. Đó chính là thế giới Pháp tánh (Phật tánh) tạo tác, sanh khởi ra các pháp, sanh khởi ra Đại Bồ Tát,…

Lúc Đại Bồ Tát ngồi kiết già quan sát các pháp thì thấy được tất cả các pháp đều không sanh, không diệt, không có các pháp. Sự hiện hữu của các pháp là do Phật tánh tạo tác, sanh khởi ra các pháp: sanh khởi ra thân Đại Bồ Tát cùng khắp tất cả không gian trong Đại thiên thế giới. Vì vậy, trong Đại thiên thế giới này tất cả đều là Phật tánh đồng như nhau.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

Do đó, “muốn một lần ngồi kiết già có thể làm cho thân thể khắp tất cả không gian trong Đại thiên thế giới, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn lấy một sợi lông vít những núi Tu Di trong Đại thiên thế giới ném qua khỏi vô số thế giới phương khác mà không kinh động đến chúng sanh trong đó, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp, không có sợi lông, không có những núi Tu Di, không có thế giới ở mười phương, không có chúng sanh.

Sự hiện hữu của các pháp: sợi lông, những núi Tu Di, tất cả chúng sanh ở vô số thế giới mười phương,… đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi nên Bát nhã ba la mật có thể thực hiện được những điều như Đại Bồ Tát mong muốn ở trên mà không có chướng ngại.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

Do đó, “muốn lấy một sợi lông vít những núi Tu Di trong Đại thiên thế giới ném qua khỏi vô số thế giới phương khác mà không kinh động đến chúng sanh trong đó, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Muốn đem một suất ăn, một bộ y phục, một nén hương, một cành hoa, một cây đèn, một tràng phan, một bảo cái mà có thể cúng dường đầy đủ khắp chư Phật cùng chư Tăng trong hằng sa thế giới ở mười phương, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không, do không có Tự Tánh, không sanh, không có các pháp, không có con người, không có những đồ vật kể trên, không có chư Phật, không có chư Tăng trong hằng sa thế giới.

Sự hiện hữu của các pháp: con người, chư Phật, chư Tăng trong hằng sa thế giới,… là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong con người để tạo ra những đồ vật kể trên.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

Do đó, “muốn đem một suất ăn, một bộ y phục, một nén hương, một cành hoa, một cây đèn, một tràng phan, một bảo cái mà có thể cúng dường đầy đủ khắp chư Phật cùng chư Tăng trong hằng sa thế giới ở mười phương, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Chính kinh:

“Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương đều đủ giới hạnh, tam muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, cùng làm cho được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, nhẫn đến được vô dư Niết bàn, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

Luận giải:

“Đủ giới hạnh”: là thực hiện các thiện pháp như năm giới thập thiện đạo, ba bảy pháp trợ đạo và bát thánh đạo.

“Tam muội”: là ba môn tam muội gồm Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội.

“Trí huệ”: ý thức hiểu biết được trong mình cũng như trong chúng sanh có Trí tuệ Phật (Bát nhã ba la mật) đang tạo tác, cai quản, đọa sanh hành nghiệp theo nhân quả báo ứng.

“Giải thoát”: là giải thoát mọi phiền não, khi không còn phiền não sẽ hết khổ đau.

“Giải thoát tri kiến”: khi ý thức không còn phiền não thì Trí tuệ Phật (Bát nhã ba la mật) sẽ trong sáng hơn và Trí tuệ Phật sẽ tác vào ý thức để hiểu được kinh pháp mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra.

“Các quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, nhẫn đến được vô dư Niết bàn”: đây là những quả tu chứng khi người tu hành thực hiện thành tựu các thiện căn. Tùy thuộc vào thiện căn được thành tựu thì sẽ được Trí tuệ Phật (Bát nhã ba la mật) thường trụ ở trong thân họ chứng các quả tu tương ứng.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự tánh, không sanh, không có các pháp nên không có chúng sanh ở mười phương. Sự hiện hữu của các pháp: chúng sanh, Đại Bồ Tát trong hằng sa thế giới ở mười phương,… là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, thường trụ và làm Tự tướng trong các pháp, trong chúng sanh để thực hiện đầy đủ giới hạnh, tam muội, trí huệ cho đến chứng các quả tu từ Tu đà hoàn nhẫn đến được Vô dư Niết bàn như mong muốn của Đại Bồ Tát. Tất cả đều do Bát nhã ba la mật.

Học Bát nhã ba la mật, Đại Bồ Tát hiểu được như vậy.

Do đó, “Đại Bồ Tát muốn làm cho chúng sanh trong hằng sa thế giới ở mười phương đều đủ giới hạnh, tam muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, cùng làm cho được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A la hán, nhẫn đến được vô dư Niết bàn, thời phải học Bát nhã ba la mật”.

(Còn tiếp …)

Chùa Hang, ngày 03 tháng 07 năm 2021

Phạm Thị Mý