Chính kinh:
“Đại Bồ tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật. Vì bất sanh nên đầy đủ bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám thánh đạo phần, không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám bội xả, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười nhứt thiết xứ.”
Luận giải:
“Đại Bồ tát dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật”:
– An trụ trong Bát nhã ba la mật: bởi tất cả các pháp không có Tự Tánh nên không sanh, rỗng không, không có. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, khởi sanh ra các pháp (như đã nói ở phần trước). Bát nhã ba la mật chính là Pháp thân Như Lai nên an trụ vào Bát nhã ba la mật thấy được các pháp là không sanh, mà tất cả các pháp do Bát nhã ba la mật sanh nên an trụ trong Bát nhã ba la mật.
– Chẳng an trụ trong Bát nhã ba la mật: vì Bát nhã ba la mật là Pháp thân Như Lai do Chánh thân Như Lai phân thân ra mới có, nếu không phân thân sẽ không có nên Pháp thân Như Lai (Bát nhã ba la mật) không tự sanh ra được Pháp thân Như Lai (Bát nhã ba la mật). Bởi không tự sanh, không có nên chẳng an trụ trong Bát nhã ba la mật, mà an trụ vào cái sanh ra Pháp thân Như Lai. Đó chính là Chánh thân Như Lai hay Đệ Nhất Nghĩa Đế, cũng gọi là Bát nhã ba la mật, là Đấng tối cao duy nhất như đã nói ở phần trước.
Do đó, “dùng phương pháp chẳng an trụ mà an trụ trong Bát nhã ba la mật”.
“Vì bất sanh nên đầy đủ bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám thánh đạo phần, không tam muội, vô tướng tam muội, vô tác tam muội, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tám bội xả, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười nhất thiết xứ”:
♦“Bốn niệm xứ”: là nghĩ nhớ về bốn xứ trong con người gồm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.
– Thân: chính là thân sắc, gồm bốn đại (Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại, Phong đại) tạo thành.
Địa đại: bao gồm những chất rắn trong cơ thể như thịt, da, xương, tóc, nội tạng,…
Thủy đại: là tất cả những chất lỏng trong thân như mồ hôi, đờm, dãi, máu mủ,…
Hỏa đại: là nhiệt độ để tiêu hóa những thức ăn, thức uống ở trong thân.
Phong đại: là hơi thở ra, hơi thở vào trong thân.
Bốn đại này đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh, rỗng không.
– Thọ: là sự cảm thọ của con người, gồm lạc thọ, khổ thọ, bất khổ, bất lạc thọ. Thọ được sinh ra từ nhãn xúc nhân duyên sanh thọ, nhẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ. Nhưng sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên thọ cũng rỗng không.
– Tâm: là các trạng thái của ý thức, gồm có tham, sân, si,… hay không có tham, sân, si,… Tâm sở (ý thức) cũng như con người đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động, mọi trạng thái hoạt động của tâm là bất khả đắc bởi rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh.
– Pháp: là tất cả pháp như Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Cú Nghĩa, Đức Phật nói: “Này Tu Bồ Đề, tất cả pháp là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp cộng, pháp bất cộng. Đây gọi là tất cả pháp”. Tất cả các pháp kể trên đều không có Tự Tánh, bất sanh nên đều rỗng không.
Như vậy, bốn xứ trong con người: Thân, Thọ, Tâm, Pháp đều rỗng không bởi không có Tự Tánh, bất sanh, không có. Sự hiện hữu của bốn xứ trong con người là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Đại Bồ Tát luôn nghĩ nhớ bốn xứ trong con người là do Bát nhã ba la mật sanh, còn bốn xứ trong con người này là bất sanh nên đầy đủ bốn niệm xứ.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn niệm xứ”.
♦“Bốn chánh cần”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập III, Phẩm Tứ Nhiếp, Đức Phật nói:
“Những pháp ác, bất thiện chưa sanh, vì chẳng sanh nên siêng năng, tinh tấn.
Những pháp ác, bất thiện đã sanh, vì dứt trừ nên siêng năng, tinh tấn.
Những pháp thiện chưa sanh, vì sanh khởi nên siêng năng, tinh tấn.
Những pháp thiện đã sanh, vì thêm lớn đầy đủ nên siêng năng, tinh tấn”.
Đây là bốn chánh cần Đại Bồ Tát phải thực hiện tu hành.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, cũng không có bốn chánh cần. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Phật Tánh) làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng của các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại. Sự thành tựu của bốn chánh cần là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát thực hiện.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn chánh cần”.
♦“Bốn như ý túc”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Những gì là bốn như ý túc? Đại Bồ Tát dùng sự mong muốn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự tinh tấn định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự tư duy định hạnh thành tựu mà tu như ý phần, dùng sự nhất tâm định hạnh thành tựu mà tu như ý phần. Đây là bốn như ý túc.”
Đây là bốn như ý túc mà Đại Bồ Tát phải thực hiện.
Tất cả các pháp đều rỗng không bởi không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, cũng không có bốn như ý túc. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Phật Tánh) làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng của các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại; còn các pháp đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc thực hiện bốn như ý túc là bất khả đắc. Bốn như ý túc được thành tựu là do Bát nhã ba la mật thường trụ trong Đại Bồ Tát thực hiện.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn như ý túc”.
♦“Năm căn”: Năm căn bao gồm Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn.
– Tín căn: là những người đặt lòng tin vào sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca.
– Tấn căn: là người sống tinh cần, tinh tấn, thực hiện đầy đủ bốn chánh cần.
– Niệm căn: là luôn luôn nghĩ nhớ bốn niệm xứ (bốn xứ trong con người) đều do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi.
– Định căn: nhập vào các thiền, từ sơ thiền đến tứ thiền thấy được các pháp đều không sanh, không diệt.
– Huệ căn: biết được Huệ (Bát nhã ba la mật) là cái tạo tác, sanh diệt tất cả các pháp.
Đây là năm căn mà Đại Bồ Tát phải thực hiện.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, không có năm căn. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật (Phật Tánh) làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng của các pháp để các pháp hoạt động, vận động, tác động qua lại; còn các pháp đều Tự Tướng rỗng không, tướng như bất động nên việc thực hiện năm căn là bất khả đắc. Sự thành tựu của năm căn đều do Bát nhã ba la mật làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát thực hiện.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ năm căn”.
♦“Năm lực”:
Năm lực bao gồm Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực. Năm lực là sức mạnh, là động lực thúc đẩy cho năm căn tăng tiến. Đây là năm lực mà Đại Bồ Tát phải thực hiện.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, không có ngũ lực. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát để thực hiện thành tựu năm lực nên đầy đủ năm lực.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ năm lực”.
♦“Thất giác phần”: gồm Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Trừ giác phần, Định giác phần và Xả giác phần.
– Niệm giác phần: là nghĩ nhớ đến những pháp thiện.
– Trạch pháp giác phần: là lựa chọn các pháp tu thiện (các Pháp giác ngộ).
– Tinh tấn giác phần: là siêng năng, tinh tấn tu hành các thiện pháp, nghĩa là luôn luôn thực hiện bốn chánh cần.
– Hỷ giác phần: khi không còn hành vào những pháp bất thiện thì sẽ dứt trừ được phiền não, luôn luôn có niềm vui.
– Trừ giác phần: còn gọi là khinh an giác phần. Khi thực hiện đầy đủ các thiện pháp, xa lìa các pháp bất thiện thì thân tâm vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng như dứt bỏ được gánh nặng.
– Định giác phần: khi thân tâm thoải mái nhẹ nhàng thì định vào con đường tu đã chọn, không còn thoái chuyển.
– Xả giác phần: là xả bỏ tất cả, không chấp kể.
Đây là bảy phần giác ngộ mà Đại Bồ Tát phải thực hiện.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, không có bảy giác phần. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát để thực hiện thành tựu bảy giác phần.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bảy giác phần”.
♦“Tám thánh đạo”: gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
– Chánh kiến: là thấy đúng, thấy được tất cả các pháp là vô sanh do không có Tự Tánh. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi.
– Chánh tư duy: tư duy là không phải của con người, mà là của Chánh trí (Bát nhã ba la mật), nghĩa là trí tuệ Phật (ức tưởng tư duy tạo tác), chỉ có trí tuệ Phật mới có tư duy nên tư duy trong các pháp chính là trí tuệ Phật.
– Chánh ngữ: là lời nói chân thật.
– Chánh nghiệp: là nghiệp thân hành vào những điều thiện.
– Chánh mạng: biết chấp nhận con người có số phận hay là định mệnh, còn gọi là mạng.
– Chánh tinh tấn: luôn luôn siêng năng, thực hành các thiện pháp, thực hành bốn chánh cần.
– Chánh niệm: luôn nghĩ nhớ đến chánh kiến, nhớ đến con người đang bị báo ứng nhân quả để tự tu sửa nghiệp (thân, khẩu, ý).
– Chánh định: là không thoái chuyển con đường tu hành đã chọn.
Tám thánh đạo này Đại Bồ tát phải thực hiện.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, không có tám thánh đạo phần. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong Đại Bồ Tát để thực hiện thành tựu tám thánh đạo phần.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ tám thánh đạo phần”.
♦“Không tam muội”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Không tam muội là nói các pháp tự tướng rỗng không. Đây gọi là không giải thoát môn”, nghĩa là các pháp Tự Tướng rỗng không, vô ngã, tướng như bất động.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp. Không có các pháp thời không có Không tam muội. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp, có các pháp thời có Không tam muội.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ không tam muội”.
♦“Vô tướng tam muội”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Vô tướng tam muội là nói diệt hoại các pháp tướng, không nghĩ, không nhớ. Đây gọi là vô tướng giải thoát môn”, nghĩa là các pháp không có tướng tự tịch diệt.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp. Không có các pháp thời không có sự diệt hoại, không có Vô tướng tam muội. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp, có các pháp thời có Vô tướng tam muội.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ vô tướng tam muội”.
♦“Vô tác tam muội”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập I, Phẩm Quảng Thừa, Đức Phật nói: “Vô tác tam muội là nói đối với các pháp không mong cầu tạo tác. Đây gọi là Vô tác giải thoát môn”, nghĩa là các pháp không có tướng sanh.
Tất cả các pháp đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp. Không có các pháp thời không có Vô tác tam muội. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi ra các pháp, có các pháp thời có Vô tác tam muội.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ vô tác tam muội”.
♦“Bốn thiền”: gồm Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
Các thiền này là thiền quán, tức là quan sát về vật chất của con người, của muôn loài cùng vũ trụ vạn vật.
Bởi vật chất của các pháp không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có vật chất. Không có vật chất nên không có tứ thiền. Sự hiện hữu của vật chất các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi, có vật chất của các pháp thời có bốn thiền.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn thiền”.
♦“Bốn vô lượng tâm”: gồm từ, bi, hỷ, xả.
– Từ tâm: là tâm rộng lớn bao trùm tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc.
– Bi tâm: là cứu khổ, cứu nạn, độ sanh cho tất cả chúng sanh.
– Hỷ tâm: là vui cùng những cái vui của chúng sanh khi chúng sanh thành đạt.
– Xả tâm: là xả bỏ tất cả, không chấp kể.
Bốn vô lượng tâm là bốn trạng thái của tâm con người (Tâm sở, ý thức).
Bởi tất cả các pháp không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có con người, không có bốn vô lượng tâm. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp, trong con người để thực hiện đầy đủ bốn vô lượng tâm.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn vô lượng tâm”.
♦“Bốn vô sắc định”: Là quan sát về tinh thần của con người cũng như của thế giới, bao gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.
– Không vô biên xứ: là nói tất các các pháp đều không sanh, không diệt do không có Tự Tánh nên rỗng không như hư không, không có biên bờ xứ sở.
– Thức vô biên xứ: là quan sát về uẩn thức trong năm uẩn.
Thức gồm có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu thức này cũng không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không như hư không, không có biên bờ xứ sở.
– Vô sở hữu xứ: là quan sát về uẩn hành trong năm uẩn.
Vô sở hữu xứ là nói các pháp bất dụng (không có tác dụng) bởi không có Tự Tánh, không sanh nên vô ngã, tướng như bất động.
– Phi tưởng, phi phi tưởng xứ: quan sát về uẩn tưởng trong năm uẩn.
Phi tưởng là không có tưởng bởi tưởng (Phật Tánh) chính là cái tạo tác, sanh khởi ra bốn uẩn (sắc, thọ, hành, thức) cũng như các pháp, nhưng tưởng cũng không có Tự Tánh, không sanh, rỗng không nên không có tưởng (Phi tưởng).
Phi phi tưởng nghĩa là không phải không có tưởng, tuy rằng tưởng (Phật Tánh) không có Tự Tánh để tự sanh ra tưởng, nhưng tưởng vẫn được hiện hữu là do Chánh thân Như Lai, Bát nhã ba la mật phân thân ra tưởng (tức là Pháp thân Như Lai, Tự Tánh Như Lai tạng, Phật Tánh, …). Có tưởng thời tưởng sẽ tạo tác, sanh khởi ra các pháp, do đó không phải không có tưởng (Phi phi tưởng).
Trong quá trình nhập định thấy rõ được tinh thần của con người cũng như của thế giới đều rỗng không do không có Tự Tánh, bất sanh nên không có các pháp, không có bốn vô sắc định. Sự hiện hữu của các pháp là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp, trong con người để thực hiện đầy đủ bốn vô sắc định.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ bốn vô sắc định”.
♦“Tám bội xả”: Kinh Bát nhã ba la mật, Tập III, Phẩm Lục Độ Tương Nhiếp, Đức Phật nói:
“Bội xả thứ nhất là trong có sắc tưởng ngoài quán sắc.
Bội xả thứ hai là trong không sắc tưởng ngoài quán sắc.
Bội xả thứ ba là tịnh bội xả thân tác chứng.
Bội xả thứ tư là vượt qua tất sắc tưởng dứt diệt tướng có đối đãi, vì chẳng nghĩ nhớ các thứ sắc tưởng nên nhập hư không vô biên xứ.
Bội xả thứ năm là vượt qua tất cả hư không vô biên xứ nhập thức vô biên xứ.
Bội xả thứ sáu là vượt qua tất cả thức xứ, nhập vô sở hữu xứ.
Bội xả thứ bảy là vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng, phi phi tưởng xứ.
Bội xả thứ tám là vượt qua tất cả phi tưởng, phi phi tưởng xứ nhập diệt, thọ, tưởng định”.
Đây là tám bội xả, là xả sau khi tham thiền nhập định, từ sơ thiền đến diệt thọ tưởng định. Khi nhập vào thiền định, từ sơ thiền đến diệt thọ tưởng định thì xả theo tám bội xả này, không thọ sanh theo thiền định, tức là không chấp vào kết quả đã quan sát bởi kết quả đó là dùng phương tiện để soi chiếu mà thấy, gọi là chiếu kiến, sau đó xả thiền, không thọ sanh theo thiền.
Ví dụ: khi nhập sơ thiền thì trong có sắc tướng, ngoài quán sắc, có nghĩa là phải có sắc (vật chất) để quan sát. Sau quá trình quan sát thấy được sắc (vật chất) là rỗng không, vì sắc không có Tự Tánh để sanh khởi, nên tự sắc không sanh ra được sắc, do đó, sắc là vô sanh, vô khởi nên rỗng không. Khi thấy sắc rỗng không trong quan sát thì không chấp vào sắc là rỗng không nên xả bỏ kết quả này và nhập vào nhị thiền thì thấy rằng, trong không sắc tướng ngoài quán sắc, … cho đến diệt thọ tưởng định cũng xả từng bội xả theo tám bội xả như nhập sơ thiền, xả sơ thiền, không thọ sanh theo thiền.
Tám bội xả là tám pháp quán trái bỏ sau khi tham thiền nhập định để quan sát về vật chất và tinh thần của con người cũng như thế giới, tức là quan sát về sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Bởi các pháp (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không có Tự Tánh nên bất sanh, rỗng không. Không có các pháp thì không có tám bội xả. Sự hiện hữu của các pháp (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là do Bát nhã ba la mật tạo tác, sanh khởi. Có sắc, thọ, tưởng, hành, thức thời có tám bội xả.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ tám bội xả”.
♦“Cửu thứ đệ định”: gồm bốn thiền, bốn vô sắc định và diệt thọ tưởng định.
– Bốn thiền: là quan sát về vật chất (sắc) của con người và vật chất của thế giới.
– Bốn vô sắc định: là quan sát về tinh thần của con người và tinh thần của thế giới.
– Diệt thọ tưởng định: là xét về uẩn thọ trong năm uẩn.
Thọ là do nhãn xúc nhân duyên sanh thọ nhẫn đến ý xúc nhân duyên sanh thọ, nhưng vì sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) đều rỗng không, không có Tự Tánh, bất sanh nên không có thọ (gọi là diệt thọ).
Tưởng là cái tạo tác sanh ra bốn uẩn (sắc, thọ, hành, thức), nhưng tưởng cũng không có Tự Tánh, bất sanh, rỗng không, không có tưởng (gọi là diệt tưởng). Khi tưởng diệt thì tất cả bốn uẩn kia đều không có nên gọi là diệt tận. Tưởng có được là do Bát nhã ba la mật (Đệ nhất nghĩa đế) phân thân nên tưởng diệt tận mới thấy được Đệ nhất nghĩa đế. Tưởng được gọi là Thứ đệ. Chín pháp trên đều do tưởng tạo ra nên cũng được gọi là chín pháp thứ đệ hay là Cửu thứ đệ định, mà Tưởng cũng bất sanh, rỗng không, không có nên chín pháp trên cũng bất sanh, rỗng không, không có. Sự hiện hữu của tưởng là do Bát nhã ba la mật (Đệ nhất nghĩa đế) phân thân ra mới có. Có tưởng thời có chín thứ đệ định.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ chín thứ đệ định”.
♦“Mười nhất thiết xứ”: Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Đức Phật nói:
“Một là địa nhất thiết xứ tam muội.
Hai là thủy nhất thiết xứ tam muội.
Ba là phong nhất thiết xứ tam muội.
Bốn là thanh nhất thiết xứ tam muội.
Năm là huỳnh nhất thiết xứ tam muội.
Sáu là xích nhất thiết xứ tam muội.
Bảy là bạch nhất thiết xứ tam muội.
Tám là không vô biên xứ tam muội.
Chín là thức vô biên xứ tam muội.
Mười là vô sở hữu nhất thiết xứ tam muội.”
– Địa nhất thiết xứ tam muội: là đất ở trong vũ trụ.
– Thủy nhất thiết xứ tam muội: là nước ở trong vũ trụ.
– Phong nhất thiết xứ tam muội: là gió ở trong vũ trụ.
– Thanh nhất thiết xứ tam muội: là màu xanh ở trong vũ trụ.
– Huỳnh nhất thiết xứ tam muội: là màu vàng ở trong vũ trụ.
– Xích nhất thiết xứ tam muội: là màu đỏ ở trong vũ trụ.
– Bạch nhất thiết xứ tam muội: là màu trắng ở trong vũ trụ.
– Không vô biên xứ tam muội: là các pháp (vật chất) rỗng không như hư không.
– Thức vô biên xứ tam muội: là tinh thần ở thế giới rỗng không.
– Vô sở hữu, nhất thiết xứ tam muội: là các pháp đều bất dụng.
Mười nhất thiết xứ tam muội là những pháp hiện hữu đều rỗng không do không có Tự Tánh, không sanh nên không có mười nhất thiết xứ. Sự hiện hữu của mười nhất thiết xứ là do Bát nhã ba la mật làm Tự Tánh tạo tác, sanh khởi và làm Tự Tướng trong các pháp để các pháp có tác dụng.
Do đó, “vì bất sanh nên đầy đủ mười nhất thiết xứ”.
(Còn tiếp …)
Chùa Hang, ngày 11 tháng 06 năm 2021
Phạm Thị Mý