Trong cuộc sống đời thường, ý thức được biết đến như là sự hiểu biết, năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của con người.
Các nghiên cứu khoa học đã xác định, ý thức có cơ sở vật chất là bộ não con người với khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (60% là chất xám, 40% là chất trắng), và các cơ quan cảm giác. Các nghiên cứu mới nhất được thực hiện ở Trường Đại học California đã ghi nhận rằng, những người có chỉ số IQ cao nhất có lượng chất xám ở 24 khu vực của não bộ cao hơn so với những người khác. Nghiên cứu cũng cho biết trí thông minh còn phụ thuộc vào lượng chất xám trong mỗi khu vực.
Các nghiên cứu và quan sát thông thường đều đưa đến nhận định về sự lệ thuộc của ý thức vào các yếu tố vật chất nêu trên. Khi cái này bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến cái kia theo hệ thống dây chuyền. Điều đó thể hiện rõ trong các trường hợp khi não bộ hoặc các cơ quan cảm giác bị tổn thương, hay chức năng thần kinh bị ức chế, suy giảm, tất yếu sẽ dẫn đến sự bất bình thường trong hoạt động của ý thức. Có thể xuất hiện những hiện tượng như: mất trí nhớ, mất khả năng giao tiếp, không làm chủ hành vi, kể cả hành vi ngôn ngữ. Nếu có đột biến sẽ gây ra sự nhiễu loạn trong nhận biết và tư duy, nặng hơn nữa có thể dẫn đến trạng thái rối loạn thần kinh, sinh ra các căn bệnh tâm thần. Điều đó chứng tỏ rằng, hoạt động của ý thức lệ thuộc vào năng lực chức năng thần kinh của não bộ với hàng tỷ tế bào thần kinh. Nói cách khác, giữa ý thức với vật chất có sự liên kết hữu cơ, những biến động đột biến của thần kinh não bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức con người.
Như vậy, các nghiên cứu này cho thấy, vật chất quyết định ý thức, vật chất là cái sinh ra ý thức. Từ các tế bào thần kinh não bộ sinh ra chức năng thần kinh, cấu thành ý thức con người. Vì vậy, sự hữu cơ giữa ý thức và vật chất là không thể tách rời. Nếu tách rời khỏi các tế bào thần kinh, các chức năng thần kinh của não bộ, ý thức sẽ mất. Do đó, khi con người chết đi, các tế bào thần kinh bị phân hủy thì ý thức cũng có thể không còn tồn tại, mà nó mất đi theo vật chất – tế bào thần kinh của não bộ. Điều này đã được Triết học duy vật và Khoa học khẳng định bằng các nghiên cứu của mình.
Cấu trúc thành phần của ý thức con người được đề cập đến trong nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu tâm lí học, triết học và phật học. Trong đó, hai thành phần ý thức và vô thức luôn được nhắc đến và thành phần vô thức được xem như một yếu tố quan trọng song không kiểm soát được bên cạnh ý thức.
Trong các nghiên cứu, việc lí giải về quá trình hoạt động của ý thức thường chỉ giới hạn ở phạm vi mô tả các hiện tượng quan sát được. Các kết quả nghiên cứu cũng chưa được biện chứng, lí giải một cách rốt ráo và những nội dung bình luận, giải thích thường hướng đến một hệ thống mang tính thống nhất giữa ý thức và vô thức như là cấu trúc dây chuyền.
Do vậy, tuy đã tìm thấy trong ý thức con người có thành phần vô thức, song cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa làm rõ được vai trò của vô thức và ý thức đúng với bản chất thực của nó.
Sự thật về ý thức không đơn giản như chúng ta quan sát thấy trong cuộc sống thường nhật, cũng không hoàn toàn như những gì khoa học đã phát hiện, hay như một số triết thuyết đã nêu, cho dù một số yếu tố cơ bản đã được chỉ ra.
Sự hình thành của ý thức con người vẫn là một bí ẩn, có liên quan mật thiết đến Thực thể của Vũ trụ.
Ý thức của con người có 2 thành phần, có thể biểu đạt bằng hình tượng của một bóng đèn và một tấm kính trong suốt. Khi bóng đèn phát ra ánh sáng màu đỏ, thì tấm kính sẽ phản chiếu và phát ra màu đỏ. Khi bóng đèn phát ra ánh sáng màu xanh, thì tấm kính sẽ phản chiếu và phát ra màu xanh. Còn khi không có ánh sáng từ bóng đèn chiếu vào thì từ tấm kính sẽ không có bất cứ sự phản chiếu nào và không có ánh sáng nào phát ra! Ý thức của con người như một tấm kính trong suốt, không có tư duy. Cho dù ý thức có tính tự chủ nhất định, nhưng nếu không được tác động bởi một Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ, được ví như bóng đèn, tác động tương hỗ về tư duy, thì tính hiểu biết sáng tỏ của ý thức không khởi lên được. Lúc đó mức độ hiểu biết của ý thức bằng không, bởi vì độ hiểu biết của con người, năng lực tư duy và sáng tạo của con người hoàn toàn tùy thuộc vào các tác động tương hỗ của Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ.
Như vậy, những biểu hiện của ý thức như sự hiểu biết, tư duy và sáng tạo thực chất lại không thuộc về chính nó. Tương tự như ánh sáng không thuộc về tấm kính mặc dù hiện tượng ánh sáng phát ra từ tấm kính là điều mà ta quan sát thấy. Nếu không có ánh sáng từ đèn chiếu vào thì tấm kính kia hoàn toàn trong suốt, không gợn lên một tia sáng nào. Giống như khi con người ngủ, ý thức ở trạng thái vắng lặng, không gợn lên bất cứ một nhận biết nào. Bởi vậy, ý thức chỉ đóng vai trò phản ánh trung thực những tác động về tính hiểu biết, tư duy và sáng tạo của Trí tuệ Siêu việt.
Tính hiểu biết của ý thức thường biến động với các trạng thái khác nhau, khi mờ khi tỏ trong cả nhận biết, tư duy và sáng tạo. Điều đó phụ thuộc vào sự tác động tương hỗ từ Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ, tương tự như tia sáng chiếu vào tấm kính. Khi tia sáng chiếu vào yếu ớt thì tấm kính sẽ phản chiếu và phát ra ánh sáng mờ nhạt. Khi tia sáng chiếu vào mạnh mẽ, thì tấm kính sẽ phản chiếu và phát ra ánh sáng mạnh và sáng tỏ. Như vậy, ý thức của con người chỉ là cái phản chiếu của tư duy và sáng tạo của Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ.
Sự thật về ý thức con người chính ở bản thể của Vũ trụ, mà bản thể của Vũ trụ là Trí tuệ Siêu việt có Thần lực. Từ Trí tuệ có Thần lực này tạo ra năng lượng và cấu thành thực thể vật chất của cơ thể con người. Như vậy, Trí tuệ có Thần lực là cỗ máy sản xuất ra con người, phát triển con người về kích thước, khối lượng và cấu thành lên các tế bào thần kinh, các chức năng thần kinh của não bộ bằng hình thức biến hóa.
Năng lượng sự sống con người và năng lượng thần kinh không phải được cấu thành từ vật chất, cũng không phải là kết quả của sự chuyển hóa vật chất, mà chúng được khởi tạo từ Thần lực của Thực thể của Vũ trụ. Đây là một bí mật lớn của Vũ trụ mà con người không thể phát hiện được bằng con đường nghiên cứu khoa học hay quan sát bằng các giác quan thông thường. Bí mật này chỉ có thể được khám phá và phát hiện bằng sự chứng ngộ trên cơ sở những trải nghiệm nhất định của con người ở các hình thức trực giác hay toàn giác.
Thực thể của Vũ trụ trong con người chính là Trí tuệ Siêu việt, là biến thể từ Siêu Trí tuệ Vũ trụ. Đây chính là thành phần giác quan thứ 6 của con người cũng được gọi là thành phần vô thức. Phật giáo cũng đã đề cập đến Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ, đó chính là Bát nhã Ba la mật tức là Trí tuệ Phật trong mỗi người. Trí tuệ Phật còn được gọi là Tâm vương, ý thức con người là Tâm sở. Triết học Hê ghen cũng đã đề cập đến Trí tuệ Siêu việt này, đó chính là Tinh thần chủ quan còn ý thức con người là Tinh thần khách quan.
Trí tuệ Siêu việt hay Thực thể của Vũ trụ trong mỗi con người đều từ một Siêu Trí tuệ trong Vũ trụ và đều có Thần lực, do vậy còn được gọi là Thần lực Vũ trụ. Mỗi Trí tuệ Siêu việt có Thần lực Vũ trụ được biến thể này, lại tạo hóa, sinh ra một cá thể sự vật trong Vũ trụ và định mệnh cho quá trình phát triển và tồn tại của sự vật đó theo thời gian. Khi tạo hóa sinh khởi vật chất, Thần lực hoạt động biến hóa, tạo ra vật chất và năng lượng sự sống trong vật chất đó. Chính hoạt động biến hóa của Thần lực tác động lên chức năng thần kinh cả về tinh thần và thể chất. Khi Thần lực hoạt động ở trạng thái thăng bằng, thì mọi hoạt động chức năng của cơ thể diễn ra bình thường, ổn định. Khi Thần lực hoạt động ở trạng thái mất thăng bằng, thì mọi hoạt động chức năng của cơ thể, bao gồm cả chức năng thần kinh sẽ bị xáo trộn. Điều đó cũng có nghĩa là, mọi tác động từ bên ngoài vào ý thức con người làm ảnh hưởng đến hoạt động của ý thức, có nguyên nhân sâu xa là sự mất thăng bằng năng lượng của Thần lực Vũ trụ.
Thần lực Vũ trụ còn có tác động tương hỗ, kiềm giữ trạng thái thăng bằng cho ý thức, tránh cho ý thức bị biến động khi có những tác động bất lợi từ bên ngoài. Đây là vai trò lớn lao có liên quan đến sức khỏe tâm thần của con người, bởi chính trạng thái mất thăng bằng, thường dẫn đến những căn bệnh khác nhau về tâm, thậm chí là sự điên loạn. Như vậy, Thần lực Vũ trụ là thành phần quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức con người.
Trạng thái bất ổn của ý thức không xảy ra một cách ngẫu nhiên hay do một tác động bất kì mà chịu sự qui định của qui luật phát triển của loài người, ứng với Luật Nhân quả. Ý thức được hình thành và phát triển trong cuộc đời con người theo Luật Nhân quả. Luật Nhân quả được Siêu Trí tuệ Vũ trụ định ra và chiếu theo đó để tạo sinh, định mệnh phát triển cho vũ trụ vạn vật. Chính Luật Nhân quả đã định mệnh cho con người từ trước khi tạo sinh. Theo thời gian, toàn bộ cuộc sống của con người, sự phát triển và tồn tại của họ sẽ diễn ra theo định mệnh đó.
Ý thức con người chịu sự qui định của định mệnh. Từ trước khi sinh ra, trình độ cũng như mọi diễn biến phát triển của ý thức trong cuộc đời mỗi người đều được định sẵn theo Luật Nhân quả. Đến tuổi nào bị bệnh trầm cảm, tuổi nào bị bệnh tâm thần,… phần lớn đều đã được “lập trình” từ trước khi sinh. Nói cách khác, những rối loạn của ý thức con người, ở những hình thức khác nhau đều đã được Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ định sẵn theo Luật Nhân quả và được diễn ra theo thời gian đúng với định mệnh đã định. Bởi vậy, con người không thể làm chủ được những hiểu biết mà mình đã có. Không ai có thể đảm bảo rằng, mình luôn luôn sáng suốt, luôn suy nghĩ và biểu đạt một cách mạch lạc, khúc chiết. Tương tự như vậy, ít ai dám chắc rằng trong đời mình sẽ có những phát minh, sáng chế để đời. Một khi ý thức được khởi lên, con người có thể làm được những việc phi thường ngoài sức tưởng tượng của chính bản thân họ. Tất cả đều do sự tác động tương hỗ từ Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ vào ý thức! Vì thế, năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của con người là không có giới hạn. Trong mỗi con người đều tiềm ẩn Trí tuệ Siêu việt với tiềm năng sáng tạo vô tận, tuy nhiên tất cả đều bị giới hạn bởi qui định của Luật Nhân quả.
Tầm hiểu biết của con người là ngang bằng, không ai hơn ai, nhưng bởi sự tương hỗ từ Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ vào ý thức mỗi người khác nhau theo định mệnh, dẫn đến sự hiểu biết, năng lực tư duy sáng tạo của mọi người diễn ra trong thực tế là khác nhau.
Ý thức mỗi người chịu định mệnh không chỉ của cá nhân mà còn chịu chung định mệnh của thế giới trong từng thời kì phát triển mà họ đang sống. Bởi vậy, phần lớn phải chấp nhận trình độ ý thức thông thường, phù hợp với định mệnh của thế giới loài người.
Điều đó cũng liên quan đến những tiến bộ khoa học trong lịch sử phát triển của loài người. Sự phát triển của khoa học thế giới không phải là kết quả tiến hóa của nền văn minh nhân loại mà do sự tác động tương hỗ của Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ theo định mệnh thế giới trong từng thời kì phát triển của lịch sử. Khoa học thế giới sẽ không dừng lại ở những phát minh đã có mà phía trước sẽ là những phát minh mới, bởi Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ là sự vô tận của Tư duy.
Dù ý thức con người gắn kết hữu cơ với các yếu tố vật chất là tế bào thần kinh não bộ, các cơ quan cảm giác của con người, nhưng nó không lệ thuộc vào vật chất. Bởi sự độc lập với vật chất mà ý thức có thể tách rời khỏi vật chất và vẫn tồn tại khi vật chất sụp đổ. Thần lực Vũ trụ là bất biến, vĩnh hằng nên ý thức cũng bất biến vĩnh hằng. Khi đang trú ngụ trong cơ thể con người, ý thức liên kết hữu cơ với vật chất – các tế bào thần kinh và chức năng thần kinh của não bộ. Ý thức con người bị biến động tốt xấu theo tác động tương hỗ của Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ. Khi tách khỏi cơ thể vật chất ra ngoài, ý thức vẫn được bảo tồn bởi chính Thần lực này. Do đó, cho dù con người có chết đi thì ý thức vẫn luôn tồn tại ở thế giới hư vô mà bằng mắt thường chúng ta không thể thấy được.
Trí tuệ Siêu việt có Thần lực ẩn sâu, vắng lặng trong ý thức mà con người không hề hay biết. Ngay cả khi có tác động tương hỗ vô cùng mạnh mẽ vào, làm điên đảo ý thức, song ý thức con người vẫn không thể nhận biết được. Đây là điều bí mật của Vũ trụ, tiềm ẩn sâu kín trong mỗi con người. Duy chỉ có ý thức của những người có trực giác trên thế giới như các vị thánh nhân, siêu nhân và những người xuất chúng,… mới tiếp cận được với Trí tuệ Siêu việt này. Khi ý thức con người tiếp cận được với Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ thì được gọi là có trực giác hay toàn giác. Những người được gọi là có trực giác là những người tiếp cận được với Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ. Ở các bậc Toàn giác, ý thức của họ nhập được hoàn toàn với Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ và các vị nhận biết được rất rõ về Trí tuệ Siêu việt chính là biến thể từ một Siêu Trí tuệ trong Vũ trụ.
Những người đạt đến trực giác hay toàn giác không có nhiều trong lịch sử nhân loại. Họ chỉ được xuất hiện trong bước chuyển đổi vận mệnh thế giới theo từng thời kì của qui luật phát triển Trái đất. Những vị giáo chủ của các Tôn giáo lớn như Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê su, Thánh Mô ha mét, hay các bác học lừng danh, các thánh nhân xuất chúng, các triết gia duy tâm hàng đầu trên thế giới,… là những người như vậy.
Thực thể của Vũ trụ tiềm ẩn trong vũ trụ vạn vật mà ta không thể tiếp cận hay phát hiện bằng quan sát hay nghiên cứu thực nghiệm. Thực thể của Vũ trụ cũng không thể nhận biết được với tư duy thông thường. Chỉ những người có trực giác hay toàn giác, ngoài việc chứng ngộ và trải nghiệm trong chính bản thân, còn đi sâu quán sát mọi sự vật hiện tượng mới thấy rõ tính chân thực của Vũ trụ vạn vật.
Như vậy, trong ý thức con người có hai thành phần, một thành phần của Vũ trụ và một thành phần của con người. Thành phần của Vũ trụ chính là Trí tuệ Siêu việt ẩn sâu trong mỗi người, có Thần lực và giữ vai trò quyết định, khởi ra sự nhận biết, tư duy và sáng tạo. Ý thức của con người chỉ là cái sản phẩm được tạo ra từ Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ và chỉ có vai trò phản ánh những tư duy được tác động từ Trí tuệ Siêu việt này. Do đó, mọi kết quả của quá trình nhận biết, tư duy và sáng tạo của con người chỉ là sản phẩm của Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ mà thôi. Bởi cấu trúc này của ý thức nên những gì mà loài người khám phá, phát minh cũng như mọi tiến bộ khoa học kĩ thuật đều thuộc về Vũ trụ. Tất cả được xuất phát từ ý thức mà sự tạo hóa của Thần lực Vũ trụ đã tính toán sắp đặt và quyết định cho cuộc sống con người trong quá trình phát triển và tồn tại. Bởi vậy, cuộc sống của mỗi người nói riêng và của loài người nói chung hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của Vũ trụ mà con người không hay biết.
Đây là một bí mật của Vũ trụ và cũng là một hiện thực. Do đó, các nghiên cứu ở lĩnh vực tự nhiên cũng như xã hội cần phải chuyển đổi theo hướng tiếp cận với Trí tuệ Siêu việt của Vũ trụ trong mỗi con người. Nếu chỉ dừng lại ở nghiên cứu khám phá vật chất, dựa trên những gì quan sát được thì sẽ không bao giờ tìm thấy được sự thật về ý thức của con người.
Bài viết được thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thầy Trần Văn Phú Chùa Động Hang, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Người thực hiện xin trân trọng tri ân Thầy và chân thành kính mong nhận được sự quan tâm chia sẻ cùng những góp ý của bạn đọc gần xa.
Ngày 11 tháng 05 năm 2018
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà