Đấng tạo hóa trong Phật giáo Đại Thừa

DẪN NHẬP

Vũ trụ sinh ra từ đâu? Con người và các loài sinh vật ra đời, tồn tại và phát triển theo quy luật tiến hóa của tự nhiên hay theo những quy luật nào khác? Sự phân bố cân bằng, hợp lý, chính xác tuyệt đối từ các thiên hà, các hành tinh trong vũ trụ đến cấu trúc cơ thể người, các loài có sự sống và cấu trúc của mọi sự vật trong tự nhiên,… chỉ là một sự ngẫu nhiên hay có sự tính toán, sắp đặt từ trước bởi một trí tuệ siêu nhiên? Khoa học, triết học và các tôn giáo từ trước đến nay đưa ra nhiều kiến giải khác nhau nhưng chưa thống nhất và còn nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, nhân loại vẫn chưa ngừng nghỉ tìm kiếm câu trả lời.

Xóa vô minh, trao chìa khóa nhận thức cho nhân loại là thiên chức của Phật giáo. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong gần năm mươi năm thuyết pháp độ sinh đã giành đến một nửa thời gian để giải đáp những câu hỏi này trong bộ kinh Bát Nhã. Thầy Trần Văn Phú, vị Chân Tu đắc đạo giữa đại ngàn Hồng Lĩnh, đã giành nhiều năm khai mở các nội dung thâm sâu, bí ẩn được mã hóa trong những lời kinh vượt ngôn từ để truyền dạy cho các Phật tử. Nhờ đó chánh pháp dần dần được hé lộ, những bí ẩn về vũ trụ, con người và vạn vật từng bước được khám phá tường minh.

Nương theo những kiến giải về vũ trụ, con người và vạn pháp trong giáo lý Phật học đã được Thầy khai mở, những điều người viết trình bày dưới đây là những tìm hiểu bước đầu về Bản Thể Chân Như và Đấng Tạo Hóa của thế giới này.

1. Sự ra đời của vũ trụ và con người theo lý thuyết Big bang

Big bang là Vụ Nổ Lớn đầu tiên xảy ra cách nay trên 13 tỷ năm. Không gian, thời gian, năng lượng và vật chất tạo ra vũ trụ được hình thành từ đó. Người đầu tiên đề xuất lý thuyết này là Monsignor Georgers Lemaitre, một nhà vật lý học đồng thời là một linh mục công giáo La Mã. Không phải ngay từ đầu, lý thuyết này đã được công nhận. Những năm 1930 trở về trước, các nhà vũ trụ học có xu hướng ủng hộ mô hình vũ trụ vĩnh hằng và tĩnh tại. Nhưng về sau, các chứng cứ quan sát và thực nghiệm về sự giãn nở không gian dựa trên dữ liệu dịch chuyển của các thiên hà, những phát hiện về bức xạ phông vi sóng vũ trụ, sự hình thành các nguyên tố cơ bản, các đám mây khí nguyên thủy, cùng với sự hình thành các ngôi sao, sự phân bố và tiến hóa của các thiên hà, … đã tạo căn cứ cho quá trình hình thành và phức tạp hóa dần dần cấu trúc vật chất trong lòng vũ trụ, nên càng ngày lý thuyết Vụ Nổ Lớn càng được thừa nhận rộng rãi.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Thuyết Vụ Nổ Lớn là một lý thuyết khoa học đã được kiểm chứng và được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, và định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia. Những ý tưởng chính trong Vụ Nổ Lớn – sự giãn nở của vũ trụ, trạng thái cực nóng lúc sơ khai, sự hình thành của Heli và sự hình thành các thiên hà – được suy luận ra từ những quan sát này và những quan sát khác độc lập với mọi mô hình vũ trụ học. Các nhà vật lý biết rằng, khoảng cách giữa các đám thiên hà đang tăng lên và họ lập luận rằng, mọi thứ đã phải ở gần nhau hơn khi trở về quá khứ. Ý tưởng này đã được xem xét một cách chi tiết khi quay ngược trở lại thời gian đến thời điểm vật chất có mật độ và nhiệt độ cực cao, và những máy gia tốc hạt lớn đã được xây dựng nhằm thực hiện các thí nghiệm gần giống với thời điểm sơ khai, mang lại kết quả thúc đẩy phát triển cho mô hình. Mặt khác, những máy gia tốc chỉ có mức năng lượng bắn phá hạt giới hạn để có thể nghiên cứu miền năng lượng cao của các hạt cơ bản. Có rất ít manh mối về thời điểm sớm nhất sau sự giãn nở. Do đó, lý thuyết Vụ Nổ Lớn không thể và không cung cấp bất kỳ cách giải thích hay miêu tả nào về điểm khởi nguyên này; thay vào đó nó miêu tả và giải thích sự tiến hóa chung của vũ trụ sau thời điểm lạm phát.

Nhà vũ trụ học và linh mục Georges Lemaitre là người đầu tiên đề xuất cái mà sau này trở thành lý thuyết Vụ Nổ Lớn trong nghiên cứu của ông về “giả thuyết về nguyên tử nguyên thủy”. Trong nhiều năm, các nhà vật lý dựa trên ý tưởng ban đầu của ông nhằm xây dựng lên các lý thuyết khác nhau và dần dần tổng hợp lại thành lý thuyết hiện đại. Khuôn khổ cho lý thuyết Vụ Nổ Lớn dựa trên thuyết  tương đối rộng của nhà vật lý Albert Einstein và trên giả thiết đơn giản về tính đồng nhất và đẳng hướng của không gian. Dựa vào phương trình trường Einstein, nhà vũ trụ học Alexander Friedmann đã tìm ra được các phương trình chi phối sự tiến hóa của vũ trụ. Năm 1929, nhà thiên văn Edwin Hubble phát hiện ra khoảng cách giữa các thiên hà tỷ lệ với giá trị dịch chuyển đỏ của chúng – một khám phá mà trước đó Lemaitre đã nêu ra từ 1927. Quan sát của Hubble cho thấy mọi thiên hà ở rất xa cũng như các siêu đám thiên hà đang lùi ra xa khỏi Ngân hà: nếu chúng càng ở xa, vận tốc lùi xa của chúng càng lớn,…”.

Dường như lý thuyết Vụ Nổ Lớn là cách giải thích xác đáng đối với sự hình thành của vũ trụ. Các nhà khoa học ủng hộ lý thuyết này cho rằng, không hề có một Đấng tạo hóa mà chỉ có Vụ Nổ Lớn tạo ra tất cả thế giới này.

Thế nhưng, làm thế nào để Vụ Nổ Lớn xảy ra trong một điều kiện tối ưu để có thể tạo ra vũ trụ và sự sống? Liệu đó có phải chỉ là một sự ngẫu nhiên? Theo các nhà khoa học, để vũ trụ và sự sống có thể ra đời và tồn tại, các định luật vật lý chi phối vũ trụ và các điều kiện sống đã được điều chỉnh, sắp đặt vô cùng chính xác. Khoảng cách, nhiệt độ, kích thước của mặt trời, mặt trăng, trái đất và các hành tinh, các thành phần hóa học và hàng loạt các điều kiện khác không thể hình thành một cách ngẫu nhiên, tùy tiện mà phải được thiết kế thật chính xác. Bởi vì như nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking khẳng định: “Nếu tốc độ nở ra một giây sau vụ nổ Big Bang mà nhỏ hơn kể cả một phần một trăm ngàn triệu triệu, vũ trụ sẽ tái sụp đổ trước khi nó có thể đạt tới kích thước hiện tại của nó”. Còn nếu tốc độ nở ra tăng thêm một tỷ lệ rất nhỏ, theo các nhà khoa học, tất cả các thiên hà, các hành tinh cũng như sự sống của con người và muôn loài đã không thể xuất hiện. Xác suất để vụ nổ Big Bang xảy ra một cách ngẫu nhiên trong những điều kiện lý tưởng, theo tính toán của các nhà thiên văn học là ít hơn một phần một ngàn tỷ ngàn tỷ ngàn tỷ, ngàn tỷ, ngàn tỷ,… gần như bằng không, có nghĩa là Big Bang không thể xảy ra một cách ngẫu nhiên được mà cần phải có sự tính toán, thiết kế, sắp đặt của một trí tuệ siêu việt.

2. Học thuyết tiến hóa của Darwin

Giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người, bên cạnh Thuyết Vụ Nổ Lớn còn có Thuyết Tiến hóa của Charles Darwin. Sau những chuyến hải hành nghiên cứu vòng quanh thế giới, cùng với sự kế thừa có đổi mới tư tưởng của các tác giả đi trước, Charles Darwin công bố học thuyết của mình trong cuốn Nguồn gốc của muôn loài (The Origin of Species) vào năm 1859 và cuốn Nguồn gốc con người (The Descent of Man) vào năm 1871. Thuyết Tiến hóa cho rằng, tất cả các loài sinh vật từ con kiến, con voi,… cho đến con người đều tiến hóa trong sự chọn lọc của tự nhiên. Những con vật nào thích nghi với tự nhiên sẽ tồn tại, ngược lại, không thích nghi với tự nhiên sẽ bị diệt vong. Theo Darwin, các loài sinh vật phát sinh và phát triển theo quy luật sau:

– Các loài vật sinh sản con cái chỉ một số thích ứng hơn với những hoàn cảnh xung quanh có thể sống sót và tiếp tục truyền giống.

– Những đặc tính của cha mẹ được di truyền và thể hiện trong con cái qua nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác, những sinh vật có khả năng thích nghi sẽ tồn tại và di truyền xuống các đời sau những đặc điểm thích ứng với môi trường sống xung quanh.

Trong quá trình phát triển dòng giống từ thế hệ này sang thế hệ khác, mỗi chủng loài đều có những đột biến di truyền từ kích thước, hình dạng cho đến khả năng chịu đựng, thích nghi,… và cả năng lực nhận thức. Những biến thiên này diễn ra trong muôn loài theo sự chọn lọc của tự nhiên, từ những dạng sống thấp nhất cho đến các dạng sống cao hơn, cho đến con người. Theo lý thuyết này, con người và mọi sinh vật đều có sự liên hệ với nhau vì đều tiến hóa từ những mầm sống đơn giản. Những mầm sống đó xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong môi trường tự nhiên. Nhiều nhà khoa học cho rằng sự sống nảy sinh từ chất vô sinh. Một giả thuyết của nhà hóa sinh người Nga Alexander I. Oparin cùng với các cộng sự của ông đã dự đoán rằng, các nguyên tố hóa học đã trải qua hàng loạt phản ứng trong môi trường khí quyển có các điều kiện cần và đủ để tạo thành các thành phần làm tiền đề tạo ra các tế bào sống đầu tiên. Khi sét và tia tử ngoại tác động vào thì các nguyên tố hóa học và hơi nước tạo thành các phản ứng để sinh ra đường và axít amin. Hỗn hợp này trôi dạt xuống sông hồ và đại dương dần dần tổng hợp thành protein và các axít nucleic (DNA và RNA). Các phân tử protein kết hợp với DNA tạo thành các tế bào sống. Từ những mầm sống đơn giản này, sự sống của muôn loài trên trái đất hình thành, tồn tại và tiến hóa theo sự chọn lọc của tự nhiên.

Ngành sinh học phân tử cho rằng DNA là nơi chứa đựng thông tin di truyền. Các gen của sinh vật sống được mã hóa trong những chuỗi DNA. Bộ gen của một sinh vật hoặc tế bào được lưu trữ trong các nhiễm sắc thể, một nhiễm sắc thể chứa một chuỗi DNA, trong chuỗi DNA đó chứa hàng nghìn gen được mã hóa. Các sinh vật thế hệ con cái kế thừa bản sao bộ gen từ thế hệ bố mẹ. Đó là sự di truyền các đặc tính sinh học từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong quá trình đó các gen tương tác với nhau và tương tác với môi trường để định dạng kiểu hình và đặc tính sinh học của thế hệ mới. Quá trình di truyền có thể nảy sinh những đột biến sinh học dẫn đến những biến thể mới ở thế hệ sau, dần dần hình thành thêm những loài mới. Do vậy, gen là đơn vị trung tâm của tiến hóa, của sự chọn lọc tự nhiên.

Trong cuốn Di truyền học và nguồn gốc các loài xuất bản năm 1937 tại Nhà xuất bản Đại học Columbia, tác giả Theodosius Dobzhansky đã kết hợp di truyền học Mendel với học thuyết tiến hóa của Darwin trong nghiên cứu của mình để hoàn thiện các lý thuyết về đột biến, chọn lọc tự nhiên, quá trình hình thành loài và giải thích quá trình tiến hóa diễn ra theo thời gian, đem lại sự đa dạng của các loài sống trên trái đất.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Cuốn sách Di truyền học và nguồn gốc các loài có hai vấn đề chính được giải quyết, thứ nhất, sự hình thành loài là một vấn đề thực tiễn và phải được giải thích bằng thuyết tiến hóa. Trong tự nhiên, không có một quần thể nào có thể phân tách với quần thể khác chỉ bằng những biến dị nhỏ. Thay vào đó, thế giới tự nhiên được phân thành các loài mà mỗi loài đều sở hữu một tiềm năng biến đổi nhất định. Vấn đề thứ hai, đó là tất cả các biến dị đều có thể được giải thích bởi các nguyên lý di truyền học.

Qua thí nghiệm của mình, Dobzhansky phát hiện ra rằng đột biến gen dẫn đến sự tiến hóa diễn ra ở một loài cụ thể. Thích nghi đóng một vai trò lớn trong biến động di truyền và người ta đều biết rằng các gen và đột biến ảnh hưởng đến biến động di truyền trong những điều kiện môi trường cụ thể. Đột biến có thể là kết quả của sự tác động từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là nếu một sinh vật sống ở một khu vực với điều kiện sống khắc nghiệt,… Khi một sinh vật thích nghi thành công, nó sẽ có tỷ lệ sống sót và sinh sản cao hơn. Vì vậy, chúng sẽ có cơ hội cao hơn để truyền lại các gen đó cho thế hệ sau,… đột biến hay biến dị xảy ra trong tự nhiên có thể làm thay đổi quá trình tiến hóa của loài nhờ tác động của chọn lọc tự nhiên.”

Dựa trên những kết quả nghiên cứu về tiến hóa, di truyền học, đặc điểm và cấu trúc của bộ gen, các nhà khoa học đi theo xu hướng này cho rằng, sự sống của con người và muôn loài trên thế giới này được hình thành và phát triển qua sự chọn lọc của tự nhiên, không hề có sự can thiệp của một chủ thể sáng tạo.

Vậy phải chăng sự sống nảy sinh một cách ngẫu nhiên từ chất vô sinh, trải qua hàng loạt phản ứng hóa học xảy ra trong môi trường tự nhiên, các Protein kết hợp với các DNA tạo thành các tế bào của sự sống? Về vấn đề này, nhà di truyền học nổi tiếng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan, Giáo sư Maciej Giertych cho rằng: “Chúng ta đã biết có một kho dữ liệu trong gen. Khoa học không thể giải thích được làm thế nào các dữ liệu ấy có thể tự nhiên nảy sinh ra. Cần phải có trí thông minh; dữ liệu đó không thể nảy sinh ra từ các biến cố ngẫu nhiên. Chỉ trộn lẫn chữ với nhau thì không sinh ra các từ được”. Ông khẳng định: “Hệ thống sao chép protein, DNA, RNA rất phức tạp trong tế bào ắt phải hoàn hảo ngay từ đầu. Bằng không, các hệ thống có sự sống đã không thể tồn tại. Cách giải thích hợp lý duy nhất là kho dữ liệu này do một trí thông minh mà có”.

Theo một nghiên cứu được công bố trên kỷ yếu của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc gia Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã phát hiện ra có 19 đoạn ADN tương đương 8% số ADN của chúng ta không có nguồn gốc của con người, cũng không thuộc nguồn gốc nào khác trên trái đất. Những đoạn mã gen kỳ lạ này không được mã hóa và không có sơ đồ tiến hóa như ở ADN người. Gen không sinh ra vật chất mà chỉ định hình vật chất, định hình loài. Gen con người khác gen các loài vật. ADN có tính di truyền cùng với bộ gen nên nó định hình loài chắc chắn, không thể có sự tiến hóa cho dù có đột biến.

Sau khi Giáo sư Miller cùng một số nhà khoa học tiến hành thí nghiệm và thành công trong việc tổng hợp được axit amin, các nhà khoa học khác đã tiến hành các thí nghiệm để tạo ra protein và DNA, bởi vì theo giả thuyết của các nhà hóa sinh, cần phải có sự kết hợp giữa protein và DNA mới tạo ra các tế bào sống. Thế nhưng, cho đến tận ngày nay, chưa một thí nghiệm nào thành công. Tác giả Klaus Dose thuộc Viện Nghiên Cứu Hóa Sinh Học tại Mainz Cộng hòa Liên bang Đức, khẳng định: “Hiện nay thì tất cả các cuộc thảo luận về những giả thuyết và thí nghiệm chính trong lĩnh vực này cuối cùng lâm vào tình trạng bế tắc hoặc đưa đến lời thú nhận là không biết gì”.

Khi trong môi trường thí nghiệm lý tưởng không thể tạo ra các phân tử protein và DNA thì không thể có việc chúng nảy sinh và kết hợp một cách ngẫu nhiên trong môi trường tự nhiên để tạo ra sự sống. Bởi vì cấu trúc và hoạt động của mã DNA vô cùng tinh vi và phức tạp. Dưới sự hướng dẫn, tổ chức của mã DNA theo một chương trình đã thiết kế từ trước, các tế bào có thể tự tái tạo ra bản thân nó, tự phát hiện lỗi và sửa lỗi, tự thiết kế lại cho phù hợp với điều kiện sống, biết cách điều chỉnh, biến đổi để thích nghi với hoàn cảnh sống, thích nghi với sự “tiến hóa” của từng chủng loại cơ thể sống,… Một hệ thống có cấu trúc, tổ chức, hoạt động phức tạp, tinh vi thích ứng với sự sống của muôn loài, vượt khỏi sự hiểu biết của con người và những thành tựu của khoa học hiện đại như vậy có thể nào chỉ là sự nảy sinh một cách ngẫu nhiên?

Trong cuốn Những bằng chứng chống lại thuyết tiến hóa (Witnesses Against Evolution) do Christian Victory Publishing xuất bản năm 1968 tại Denver, Hoa Kỳ, tác giả John Meldau viết:“Lý thuyết của Darwin về nguồn gốc các loài không có lấy một sự kiện thực tế nào để xác nhận nó trong thế giới tự nhiên. Nó không phải là kết quả của nghiên cứu khoa học, mà thuần túy chỉ là sản phẩm của tưởng tượng”. Năm 1986, tác giả Michael Denton, trong cuốn Tiến hóa: Một lý thuyết trong khủng hoảng (Evolution, A Theory in Crisis) do nhà xuất bản Adler & Adler, Maryland, Mỹ xuất bản, cũng khẳng định: “Không ở đâu Darwin có thể chỉ ra một trường hợp đích thực của chọn lọc tự nhiên đã thực sự gây ra biến đổi tiến hóa trong tự nhiên,… Rốt cuộc, lý thuyết tiến hóa của Darwin không hơn không kém một câu chuyện hoang đường về nguồn gốc vũ trụ trong thế kỷ 20”.

Như vậy, vũ trụ và sự sống của muôn loài không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà phải có bàn tay thiết kế, sáng tạo của một trí tuệ siêu phàm.

3. Quan niệm của Phật giáo về vũ trụ và con người

Nguồn gốc sinh khởi vũ trụ, con người và mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp nhiều năm trong các bộ kinh Đại thừa. Theo triết lý Phật giáo, thế giới này chỉ là một thế giới khách quan bởi vì vũ trụ, con người và vạn vật không tự sinh ra chính mình một cách chủ quan. Tất cả đều vô ngã, không có chủ thể, không có cái tạo tác để tự cấu tạo, khởi sinh ra bản thân mình. Thế giới vật chất mà chúng ta đang nhìn thấy chưa phải là tất cả mà chỉ là một phần hiện hữu của thế giới. Bản chất của mọi sự vật không nằm ở thành phần vật chất, vật chất là cái bề ngoài được hình thành, tồn tại và phát triển một cách thụ động bởi sự quy định và điều khiển bởi cái bên trong nó. Vì vậy, Phật giáo xem thế giới vật chất bên ngoài là một thế giới ảo, không thật có. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật khai thị Triết lý Pháp Không:

“Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý; Vô sắc thinh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới,…”.

“Thị chư pháp không tướng nghĩa là các pháp không có tướng tạo tác, không có tướng tự tịch diệt nên bất sanh, bất diệt. Tướng của các pháp là tướng NHƯ, không tăng, không giảm, không nhơ, không sạch. Trong cái Không (Pháp Không) này không có sắc, cũng không có thọ tưởng hành thức, không có “nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý,…. Khi quán chiếu các sự vật hiện tượng, Đức Phật thấy tất cả các pháp đều Tự tướng rỗng không, Tự tánh rỗng không. Trong Phẩm Vấn Tướng, Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật bảo ngài Tu Bồ Đề:

“… Lại nầy Tu Bồ Đề! Đức Phật biết tất cả pháp không có tướng tạo tác vì không có tướng tác giả. Tất cả pháp không có tướng sanh khởi vì không có hình sự”.

Sự thật của vạn vật là không có Tự tánh, tức không có cái tạo tác để tự mình sinh khởi, tạo tác lên bản thân mình. Vì không có cái tạo tác nên con người và vạn vật là “vô sanh, vì không sanh nên không diệt, vì không sanh không diệt nên rỗng không, vô ngã, không thật có. “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”: có nghĩa là khi quan sát về con người thì thấy rằng, không có thể chất và không có tinh thần vì con người không tự sinh ra được chính nó.

Vì sao có thể nói sự hiện hữu của con người, vũ trụ và mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này là vô sanh vô khởi, rỗng không, không thật có?

Giải đáp điều này, trong Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật đưa ra phép biện chứng vượt ngôn từ hướng dẫn cho nhân loại cách quan sát về nguồn gốc ra đời, sự tồn tại của con người và mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này. Đức Phật chỉ ra phương tiện để con người nương vào đó mà quan sát. Nếu quan sát không có phương tiện, chỉ dùng các giác quan và tư duy thông thường của con người quan sát thì không thấy được bản chất của con người, vũ trụ và vạn vật.

Phương tiện Đức Phật chỉ ra ở Phẩm Lục Độ Tương Nhiếp, thể hiện trong câu kinh: Bồ tát y nơi sư tử, phấn tấn tam muội mà nhập siêu việt tam muội, nhập sơ thiền,…. Thiền ở đây là thiền quán, là quan sát, Sư tử là pháp dụ Đức Phật chỉ chúa tể cai quản sự sinh diệt của con người và vạn vật. Sư tử chính là cái Ngã, cái bản thể của vũ trụ, cái sinh ra và tiêu diệt tất cả các pháp, cái tác động cho các pháp vận động, tác động qua lại, tồn tại và phát triển. Y nơi sư tử là phải nương vào cái Ngã, cái bản thể đích thực, chúa tể cai quản trong vũ trụ này mới có thể thấu hiểu bí mật của tạo hóa.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật nói: “Ngã là nghĩa của Như Lai, Phật tánh là nghĩa của Ngã”. Như Lai được ví như là “Sư tử”, chúa tể của muôn loài. Phật tánh trong chúng sinh cũng chính là chúa tể, cũng chính là Như Lai. Phật tánh là Như Lai tánh do Như Lai phân thân mà có. Trong Kinh Lăng Già, quyển thứ nhì: Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, chỉ rõ:

“… Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sinh, vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất, nên bị cấu bẩn vọng phân biệt tham, sân, si, sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ.”

Tự tánh của Như Lai tạng là Pháp tánh thường trụ trong thân chúng sinh, vĩnh hằng, bất biến, đầy đủ ba mươi hai tướng tạo tác, khởi sinh ra các loài chúng sinh. Chúng sinh và các pháp không có tự tánh. Bởi không có tự tánh, không có cái tạo tác nên tất cả các pháp Vô tác, không mong cầu tạo tác. (Vô tác tam muội)

Các pháp vô tác tức không có cỗ máy tạo tác, sanh khởi lên các pháp vô sanh. Các pháp vô sanh nên các pháp không tự có. Vì các pháp không có nên các pháp không diệt. Trong Vô tướng tam muội, Đức Phật nói: “Diệt hoại tướng các pháp không nghĩ, không nhớ”. Tất cả các pháp đều vô tướng, không có tướng tự tịch diệt. (Vô tướng tam muội)

Chúng sinh cho dù hiện hữu nhưng vô ngã, không có chủ thể, bởi vô ngã, không có chủ thể nên Tự tướng rỗng không. Do Tự tướng rỗng không, không có chủ thể nên việc hoạt động tác động qua lại, không thành tựu. Con người cũng như các sinh vật hiện hữu được vận động, hoạt động khả đắc là nhờ Tự tánh của Như Lai tạng. Tự tánh của Như Lai tạng tạo tác, sanh khởi ra thân chúng sanh và cũng là chúa tể, chủ thể vận động các hoạt động tác động qua lại và là chủ thể của các hoạt động ngôn ngữ. Còn con người và vạn pháp tướng Như, bất động, không có năng lực để tự mình vận động: đi đứng nằm ngồi bất khả đắc, ngôn ngữ bất khả đắc vì Tự tướng rỗng không. (Không tam muội)

Như vậy, trong quá trình nhập thiền quan sát, y nơi sư tử, phấn tấn tam muội, nhập siêu việt tam muội, chúng ta nương vào Tự tánh của Như Lai tìm đến Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội để thấy được tất cả các pháp đều Tự tánh rỗng không, Tự tướng rỗng không. Bản chất của con người và vạn pháp là  Không, Vô tướng, Vô tác. Tự tánh trong các pháp là của Như Lai. Tự tánh của Như Lai là cái chúa tể cai quản sanh diệt các pháp, do đó, mọi hiện hữu trên đời từ con người cho đến mọi sự vật đều do Tự tánh của Như Lai (cũng gọi là Như Lai tạng, Pháp tánh, Phật tánh, Tánh Không,…) tạo tác sanh khởi và vận động phát triển tồn tại.

Tự tánh là một phân thân của Như Lai, là cái ban đầu của vũ trụ vạn vật, có trước mọi sự vật hiện tượng và sinh ra mọi sự vật hiện tượng, nhưng cái Tự tánh làm Pháp tánh thường trụ trong các pháp này cũng không tự nó sinh ra nó để mà có. Tự tánh có được là do Như Lai phân thân nên xét đến tột cùng Pháp tánh trong các pháp cũng không sanh, không diệt, không thật có. Do đó, vạn pháp trong thế giới này không có cái ban đầu, không có cái kết thúc, vô thỉ vô chung. Như vậy, xét đến tột cùng vũ trụ là vô thỉ vô chung, vạn vật không có cái ban đầu và không có cái kết thúc bởi chúng không tự sinh, không tự diệt.

Mặc dầu Không, Vô tướng, Vô tác, bất sanh bất diệt, vô thỉ vô chung nhưng con người, vũ trụ và mọi sự vật hiện tượng vẫn được sinh ra, vẫn tồn tại và phát triển. Đức Phật nói: “Chẳng có, chẳng phải chẳng có; Chẳng không, chẳng phải chẳng không”.

Truy nguyên nguồn gốc sinh khởi của con người và vạn pháp, Đức Phật thấy rằng tất cả đều vô ngã, không có Tự tánh nhưng có một Phật tánh thường trụ ở trong các pháp. Đó là cỗ máy cấu tạo nên chính các pháp, là cái Ngã, cái Tôi, cái chủ thể cai quản sự sinh diệt, tồn tại và phát triển của con người cũng như vạn vật trên thế giới này. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Như Lai Tánh Thứ Mười Hai, Đức Phật chỉ rõ thật tánh của các pháp như sau:

“Phật dạy: “Nầy Thiện-nam-tử! Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của Ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được

Như tánh của ngã tức là tạng Như Lai không có gì phá hoại – đốt cháy được tánh ấy. Dầu không có thể phá hoại, nhưng chẳng thấy được. Nếu chứng đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác mới thấy được tánh

… Nầy thiện nam tử! Cũng như vậy, Đức Như Lai đối với chúng sinh cũng như vị lương y, rõ biết thể tướng sai khác của các phiền não mà dứt trừ, khai thị tạng Như Lai bí mật, Phật tánh thanh tịnh thường trụ chẳng biến đổi. Nếu cho rằng có, thời lẽ ra trí chẳng nhiễm. Nếu nói là không, bèn thành vọng ngữ. Nếu nói là có, lẽ ra chẳng nên nín lặng. Lại cũng chẳng nên hý luận cãi cọ, chỉ nên cầu rõ biết chơn tánh của các pháp

… Nếu nói vô ngã, người phàm phu sẽ cho là tất cả Phật, Pháp đều không có ngã. Người trí nên phải quan sát vô ngã là giả danh chẳng thật, rõ biết như vậy, chẳng nên sanh nghi.

Nếu nói Như Lai là không tịch, người phàm phu nghe như thế sanh kiến chấp đoạn diệt. Người trí nên phải quan sát Như Lai là thường, không có biến đổi

Phật tánh của chúng sanh cũng lại như vậy, thường bị tất cả phiền não che khuất nên chẳng thấy được. Vì thế ta nói chúng sanh không có ngã. Nếu được nghe kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu này, thời được thấy Phật tánh …”

Đức Phật nói các pháp Vô ngã Ngã là nghĩa của Như Lai tạng, không phải của các pháp. Vì con người và các pháp trong vũ trụ không có một chủ thể làm chúa tể để tự cai quản chính mình (Chẳng có, chẳng phải chẳng không). Cái ngã, cái tôi làm chúa tể tác thành và cai quản sự sinh diệt của con người và vạn pháp thường trụ trong các pháp là Phật tánh (Phật tánh là nghĩa của Ngã), chúng sanh vô ngã nhưng lại có một Phật tánh, tức Như Lai tạng làm Tự tánh cho nó. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của Ngã (Chẳng không, chẳng phải chẳng có). Chúng sanh không hiểu, không thể nhận thấy Phật tánh vì bị vô lượng phiền não che lấp. Đức Phật khai thị tạng Như Lai bí mật, chỉ rõ Phật tánh thanh tịnh thường trụ chẳng biến đổi trong thân chúng sinh và vạn pháp. Trong Bát Nhã Tâm Kinh, cùng với triết lý Pháp Không, Đức Phật khai thị triết lý Tánh Không, nói về cái siêu nhiên: “Xá lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ tưởng hành thức diệc phục như thị”. Không này là Tánh Không, tức Phật tánh, là cái tạo tác sinh ra sắc. Sắc là vật chất được sinh ra từ Không nên sắc cũng chẳng khác Không, Không cũng chẳng khác Sắc; Sắc cũng chính là Không, Không cũng chính là Sắc. Thọ tưởng hành thức là tinh thần và cũng do cái Không này tạo tác mà có. Vì vậy, thọ tưởng hành thức cũng không khác Không. Thọ tưởng hành thức cũng chính là Không, Không cũng chính là thọ tưởng hành thức, rời ngoài không chẳng có sắc, rời ngoài sắc chẳng có không, thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Trong Phẩm Thiệt Tế, Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật dạy:

“Này Tu Bồ Đề! Thuở quá khứ đạo của chư Phật mười phương là tánh Không. Thuở vị lai, thuở hiện tại đạo của chư Phật mười phương là tánh Không. Rời tánh Không, thế gian không có đạo, không có quả…

Này Tu Bồ Đề! Sắc tức là tánh Không, tánh Không tức là sắc. Nhẫn đến Vô thượng Bồ Đề tức là tánh Không, tánh Không tức là vô thượng Bồ Đề.”

Đạo của chư Phật mười phương từ quá khứ, hiện tại đến vị lai là Tánh Không vì Tánh Không là Phật Tánh, là Vô Thượng Bồ Đề, là cái bản thể tạo tác lên thế giới vật chất và tinh thần. Phật tánh hay Tánh Không,… là một hóa thân của Như Lai, Như Lai là chánh thân, là chủ thể sáng tạo thế giới này.

Trong Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Chiếu Minh, Đức Phật nói:

“Bởi sắc chẳng sanh nên Bát Nhã Ba la mật sanh. Vì thọ tưởng hành thức chẳng sanh nên Bát Nhã Ba la mật sanh… Vì tất cả các pháp chẳng sanh như vậy nên Bát Nhã ba la mật phải sanh …

  … Vì Phật chẳng khác Bát Nhã ba la mật và Bát nhã ba la mật chẳng khác Phật. Phật tức là Bát Nhã ba la mật và Bát Nhã ba la mật tức là Phật…

Bát Nhã Ba la mật sinh ra các Phật tánh làm Pháp tánh thường trụ trong các pháp, tạo tác, sinh khởi lên con người và vạn vật, soi chiếu một cách sáng suốt về nghiệp và thân để báo ứng nhân quả. Những người nghiệp nhẹ được tạo tác sinh khởi mang thân người, những người  tạo nghiệp ác nhiều thì tạo tác đọa sanh vào thân súc sinh,… Bát Nhã là một trí tuệ siêu việt ở bờ bên kia, ngoài bờ sinh tử của thế giới con người. Trí tuệ siêu việt này phân thân, sinh ra vô lượng vô biên các trí tuệ siêu việt trong vũ trụ. Bát Nhã là Phật Mẫu, các trí tuệ siêu việt được phân thân từ Bát Nhã, là Phật thập phương, là các Phật tánh. Trong Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Phật Mẫu, Đức Phật chỉ dạy:

“Phật mẫu hay sanh các chư Phật thập phương như cát sông Hằng và sông Hằng nhiều như cát sông Hằng, vô lượng vô biên, không thể tính đếm, không thể nghĩ bàn”. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát thứ hai mươi hai, Đức Phật dạy: “Đại tự tại là vì có tám điều tự tại: Một là có thể thị hiện một thân thành nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần, đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai thiệt chẳng phải vi trần, vì sức đại tự tại mà thị hiện vi trần thân, tự tại như vậy thời gọi là đại ngã…”

Một trong những năng lực Đại tự tại của Đức Phật Như Lai là có thể phân thân để tác thành vạn pháp, từ một thân có thể thị hiện thành vi trần thân. “Vi trần thân” là những phân thân của Đức Phật Như Lai, gọi là Như Lai tạng, là Phật tánh, Tánh Không, đầy khắp vũ trụ; ra đời trên cơ sở biến hóa phân thân của Đức Phật, các Phật tánh làm pháp tánh thường trụ tạo tác, khởi sinh ra các sản phẩm vật chất và tinh thần. Do vậy, thế giới này được tạo lên gồm hai phạm trù vật chất và tinh thần. Vật chất và tinh thần không tách rời nhau mà phối hợp thống nhất trong một sự vật. Trong con người có năm uẩn, uẩn sắc là thành phần vật chất, các uẩn thọ, tưởng, hành, thức là thành phần tinh thần. Mỗi vật chất được tạo ra trong tự nhiên đều có một tinh thần trong đó, từ những vật thể vô tri cho đến những sinh vật có tri giác. Tất cả đều có một trí tuệ siêu việt của Đức Phật ở trong.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Như Lai Thiệt Tướng thứ hai, Đức Phật chỉ dạy:

“Mười phương vi trần cõi

 Lưới sáng trùm khắp nơi

 Ánh sáng đều có Phật

 Khắp hóa độ quần sanh

 Phật thân vô sai biệt

 Đầy khắp trên pháp giới”

Và:

“Thân Phật phóng quang minh

 Đầy khắp cả mười phương

 Tùy ưng mà thị hiện

 Sắc tướng hiện nhiều thứ

 Trong mỗi mỗi vi trần

 Quang minh đều đầy đủ

 Thấy khắp mười phương cõi

 Chúng loại đều sai khác”.

“Lưới sáng trùm khắp nơiQuang minh, là Hải vi trần do Như Lai phân thân thị hiện đầy khắp vũ trụ. “Trong mỗi mỗi vi trần, Quang minh đều đầy đủ có nghĩa là mỗi hóa thân của Như Lai cũng đều có đầy đủ Trí tuệ siêu nhiên và Thần lực nhiệm màu của Như Lai, đều là Tạng của Như Lai. Tự tánh của Như Lai tạng vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi, đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sinh,…”. Trong vũ trụ này tất cả đều có Phật tánh, trong mỗi chúng sinh và vạn pháp đều có Như Lai tạng làm Pháp tánh thường trụ, làm cái Tự tánh, tự ngã để tạo tác khởi sinh, duy trì sự tồn tại và phát triển của chúng. Tất cả đều dựa trên 32 tướng và 80 tùy hình của Như Lai tạng mà luân hồi biến hiện các sắc tướng khác nhau: “Sắc tướng hiện nhiều thứ, Trong mỗi mỗi vi trần. Sự hóa hiện, tạo tác khởi sinh đó là “Tùy ưng mà thị hiện, tức là tùy theo Nhân duyên và Nhân quả để quyết định chúng sinh và vạn pháp hiển lộ hình tướng nào. Do Nhân duyên và Nghiệp quả không giống nhau nên muôn loài hình tướng khác nhau, ngay cả trong một loài cũng rất hiếm những cá thể hoàn toàn giống nhau. Tự tánh của Như Lai tạng trong vạn pháp giống nhau: Phật thân vô sai biệt, nhưng do Nghiệp quả và Nhân duyên khác nhau nên muôn loài mang thân mạng khác nhau: Thấy khắp mười phương cõi, Chúng loại đều sai khác.

Đức Phật Tổ Như Lai phân thân không phải bằng hình thức phân chia mà bằng hình thức thị hiện, dùng sức đại tự tại của Trí tuệ siêu nhiên và Thần lực nhiệm màu để thị hiện vô lượng vô biên các hóa thân Như Lai: “Thân Phật phóng quang minh, Đầy khắp cả mười phương. Như Lai là Chánh thân, Như Lai tạng là Pháp thân của Như Lai làm Pháp tánh thường trụ trong chúng sinh và mọi sự vật hiện tượng trên thế giới này.

Vũ trụ vạn vật và con người được sinh ra từ một trí tuệ tư duy rộng lớn (Ma Ha Bát Nhã) vượt khỏi sự hiểu biết thông thường. Mọi sự vật trong tự nhiên đều được biến hóa đa dạng và vô tận. Một Pháp tánh sinh hóa ra một vật chất, khi vật chất đó diệt vong, Pháp tánh vẫn tồn tại và thoát ra ngoài để tiếp tục sinh hóa ra một vật chất khác. Vì vậy, có sự tái sinh luân hồi của con người từ kiếp này sang kiếp khác theo luật nhân quả, mỗi kiếp mang một thân khác nhau, đối với muôn loài cũng như vậy.

Pháp tánh hay Phật tánh có thể biến hóa từ một thân thành nhiều thân và từ nhiều thân thu về một thân. Những thực thể phân thân của Đức Phật cấu thành thế giới vô vi. Từ thế giới vô vi này tạo tác lên thế giới hữu vi. Thế giới vô vi là thế giới siêu nhiên, thế giới hữu vi là thế giới tự nhiên. Đức Phật Tổ Như Lai là Đấng siêu nhiên tạo ra thế giới tự nhiên và vũ trụ vạn vật. Những thực thể phân thân được Đức Phật gọi là Thứ Đệ hay Thế Đế, Đức Phật Tổ Như Lai được gọi là Đệ Nhất Nghĩa hay Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Đệ Nhất Nghĩa Đế là vị Vua tối thượng duy nhất, còn Thế Đế là Vua kế thế làm Pháp tánh thường trụ, ẩn trong hệ ý thức của con người và tính biết của muôn loài. Chính vì vậy mà ý thức của con người được cấu thành gồm hai thành phần: Mạt na thức và A lại da thức. Mạt na thức là Tâm Sở, A lại da thức là Tâm Vương. A lại da thức hay Tâm Vương chính là Phật tánh, một phân thân của Đức Phật. Đó là cái Ức tưởng tư duy trong kinh nói tới, là Trí tuệ Phật làm chủ thể tạo tác cấu tạo ra năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức của con người cũng như mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Kinh Pháp Cú nói:

Tâm như họa sỹ khéo,

Vẽ thế giới muôn màu,

Cảnh ngũ ấm thế gian,

Không pháp nào không tạo

Tâm ở đây là Tâm Vương, là Như Lai tạng làm tự tánh khởi tạo lên các pháp. Trong kinh Đức Phật nói: “Nhất thiết duy Tâm tạo là vì vậy. Sự sinh diệt của con người và vạn vật trong vũ trụ là do Pháp thân Như Lai hoạt động tạo tác.

Trong Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Vạn Pháp là biểu hiện của Như Lai tạng, có viết:

Lúc bấy giờ, đại đức Anan cùng cả đại chúng, nhờ được Đức Phật khéo léo chỉ dạy  mà thân tâm hết sạch vướng mắc, không còn điều gì chướng ngại. Mỗi người trong đại chúng đều tự biết Tâm mình trải khắp mười phương; thấy mười phương hư không như thấy chiếc lá trong bàn tay, tất cả mọi vật trong thế gian đều là tâm Bồ Đề nhiệm mầu sáng suốt, Chân Tâm tinh thuần, tròn đầy trùm khắp, hàm chứa mười phương pháp giới.

Đức Phật chỉ dạy Anan và đại chúng về Như Lai tạng trong vạn pháp. Như Lai tạng cũng là Tâm Vương. Nhờ vậy, mỗi người “tự biết tâm mình trải khắp mười phương vì tâm mình cũng như vạn pháp đều chung một pháp tánh thường trụ, được Như Lai phân thân thị hiện đầy khắp mười phương pháp giới, dung thông trong mười phương; “thấy mười phương hư không như thấy chiếc lá trong lòng bàn tay vì thấy được tất cả đều chung một thể tánh Như Lai tạng. Tất cả vũ trụ, con người và mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên đều được tạo tác bởi “Tâm Bồ Đề nhiệm mầu sáng suốt, bởi “Chân Tâm tinh thuần. Cái Tâm tạo tác đó là Như Lai tạng – Pháp thân Như Lai, có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 tùy hình, vô biên thần biến. Đức Phật Như Lai thông qua các phân thân của mình là Như Lai tạng để tạo hóa con người và vạn pháp trong vũ trụ này dựa theo 32 tướng và 80 tùy hình trên cơ sở luật Nhân duyên và Nhân quả. Vũ trụ và vạn pháp được khởi tạo và không ngừng biến đổi chuyển hóa theo năng lực siêu nhiên của Như Lai. Vũ trụ này có nhiều thế giới, có tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới,… với nhiều hình tướng khác nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Giới Thành Tựu, có nói:

“Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn, hoặc vuông, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như núi, hoặc hình như cây, hình như bông, hoặc hình như cung điện, như hình chúng sanh, như hình Phật, có thế giới vi trần số hình sai khác như vậy”…

… “Tất cả quốc độ Tâm phân biệt

Quang minh soi đến mà hiện ra

Chư Phật ở trong những cõi ấy

Nơi nơi thị hiện thần thông lực”…

Vô lượng vô biên thế giới trong vũ trụ này đều có Quang minh, tức Thần lực của Như Lai quán chiếu và tạo tác. Trong tất cả pháp đều có Như Lai tạng cho nên kinh nói: “Chư Phật ở trong những cõi ấy. Như Lai tạng có đầy đủ thần thông màu nhiệm và trí tuệ siêu nhiên, “Nơi nơi thị hiện thần thông lực” tạo tác các thế giới khác nhau theo nghiệp quả. Do vậy, vô số các thế giới trong vũ trụ có hình tướng khác nhau.

Đối với con người và các loài sinh vật, 32 tướng và 80 tùy hình là mật mã biến hóa của Gen. Khoa học đã khám phá ra bộ Gen nhưng chưa giải mã được nguồn gốc và mật mã của Gen. Như Lai tạng tạo tác ra bộ Gen của muôn loài. Quá trình hoạt động, biến đổi của Gen để sinh ra con người và vạn vật chính là dựa trên sự hoạt động biến đổi của 32 tướng và 80 tùy hình của Như Lai tạng. Như vậy, Gen chưa phải là nguồn gốc sinh ra các loài mà Như Lai tạng với năng lực vô biên thần biến, với 32 tướng và 80 tùy hình mới là cái bản thể tạo tác ra con người, vũ trụ và vạn pháp trong thế giới này theo quy luật Nhân duyên và Nhân quả.

Vũ trụ là một thể duy nhất, chung một bản tính viên dung, không sai khác, trong tất cả có Một, trong Một có tất cả, cho nên Pháp thân của Như Lai cũng có đầy đủ năng lực và trí tuệ mầu nhiệm như Chánh thân Như Lai. Phật tánh cũng là Phật. Đức Phật Thích Ca khi đã nhập Phật tri kiến cũng gọi là Như Lai.

Như vậy, quá trình sinh hóa, phát triển và tồn tại của thế giới tự nhiên, của mọi sự vật hiện tượng và con người trong vũ trụ này đều do những thực thể phân thân biến hóa của Đệ Nhất Nghĩa Đế, vị Vua tối thượng nhất tạo tác sinh khởi và phát triển bảo tồn. Đệ Nhất Nghĩa Đế là Đức Phật Tổ Như Lai, là Thượng Đế – vị Chúa tể toàn quyền toàn năng cai trị con người và thế giới này.

KẾT LUẬN

Vũ trụ, con người và vạn vật không sinh ra từ vụ nổ Bigbang. Con người cũng như các loài động vật ra đời, tồn tại và phát triển không theo quy luật tiến hóa của tự nhiên. Mọi sự vật, hiện tượng cho đến con người đều được tạo tác, khởi sinh từ Tự tánh của Như Lai, theo sự tính toán, sắp xếp tuyệt đối chính xác bởi một Trí tuệ siêu nhiên đến từ bờ kia, ngoài bờ sinh tử của thế giới này.

Vũ trụ tồn tại song song, bên trong thế giới hữu vi là thế giới vô vi, thế giới của Phật tánh, thế giới vô vi tạo tác, khởi sinh, duy trì sự tồn tại và phát triển của thế giới hữu vi. Trong mỗi vật chất đều có một tinh thần, trong mỗi chúng sinh đều có Thần lực nhiệm màu của Như Lai tạng. Như Lai tạng là bản thể của vũ trụ này.

Như Lai Tạng do Đức Phật Tổ Như Lai thị hiện, phân thân, biến hóa mà có, đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Đức Phật Tổ Như Lai là Đệ Nhất Nghĩa Đế, là vị Pháp Vương tối cao cai quản sự sanh diệt của con người và vạn pháp theo quy luật Nhân Duyên và Nhân quả. Đó chính là Thượng Đế.

Bộ kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật là kinh nói về Thượng Đế, kinh vượt ngôn từ, Pháp khó hiểu khó tin, dưới sự chỉ dẫn công phu trong nhiều năm của Thầy Trần Văn Phú cùng với sự trao đổi chân tình của các anh chị, các bạn đồng học, người viết dần dần nhận thức được sự thật: Vị Chúa tể sáng tạo ra con người, vạn pháp và vũ trụ này là Đức Phật Tổ Như Lai.

Trên đây là những nhận thức hạn hẹp của bản thân, chắc chắn còn nhiều thiếu sót, kính xin Thầy Trần Văn Phú, các bậc chân tu, quý vị Phật tử và bạn đọc gần xa chỉ giáo. Xin trân trọng cảm ơn!

Chùa Hang Hà Tĩnh, tháng 6 năm 2020
Tác giả: Ngô Văn Cảnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

A.  Kinh điển Phật giáo

  1. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, Viện Phật học Quốc tế xuất bản, 1988.
  2. Kinh Duyên Sinh, Dịch giả: Thích Tâm Châu, Thuvienhoasen.org/a15124/ kinh-duyen-sinh
  3. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, HN, 2009.
  4. Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, Việt dịch: Cư sĩ Hạnh Cơ, Ban bảo trợ phiên dịch Pháp Tạng Việt Nam xuất bản tại California, Hoa Kỳ, 2012.
  5. Kinh Hoa Nghiêm, Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Viện Phật học Quốc tế xuất bản,1983.
  6. Kinh Lăng Già, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Duy Lực, Thành hội Phật giáo HCM xuất bản,1994.
  7. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, Viện Phật học Phổ Hiền xuất bản, 1986.
  8. Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Bách khoa toàn thư mở, Wikipedia.
  9. Kinh Pháp Cú, Việt dịch: Thích Thiện Siêu, NXB Phương Đông, tp HCM, 2009.
  10. Những bài giảng Phật học, Thầy Trần Văn Phú, Di Tích Danh Thắng Chùa Hang, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh.B.

B. Các tài liệu tham khảo khác

  1. Di truyền học và nguồn gốc các loài, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Di-truyen-hoc-va-nguon-goc-cac-loai
  2. Big Bang không phải là khởi đầu của vũ trụ, https://vnvn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/
  3. Đâu là nguồn gốc sự sống, Thư viện trực tuyến tháp canh, https://w.org/vi/wol/d/r47/lp-vt/1101998022/
  4. Thuyết tiến hóa Darwin: đã đến lúc chấm dứt sự lừa dối vĩ đại, Nghiên cứu quốc tế, https:// nghiencuuquocte.org/forums/topic/thuyet-tien-hoa-darwin-da-den-luc-cham-dut-su-lua-doi-vi-dai/
  5. Vụ Nổ Lớn, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ-Nổ-Lớn
  6. Vũ trụ và sự sống đã bắt đầu thế nào?, Thư viện trực tuyến tháp canh, https:// wol.jw.org/vi/wol/d/r47/lp-vt/102002402/