Pháp tu Tứ Chánh Cần

LỜI MỞ ĐẦU

Sau khi tu hành thành tựu pháp tu Quán tứ niệm xứ là quán tánh sanh khởi, tánh diệt tận, tánh sanh diệt bốn xứ thân, thọ, tâm, pháp của con người nên đã hiểu rõ về nguồn gốc sanh diệt của con người và nguồn gốc sinh diệt của mọi sự khổ đau. Con người được sinh ra trên cõi đời này chỉ là sự đọa sanh hành nghiệp của một chủ thể, chúa tể trong vũ trụ và phải chịu mọi sự cai quản của chủ thể, chúa tể này. Đó là Đấng tạo hóa tối cao duy nhất, trong đạo Phật gọi là Đức Phật Như Lai, đạo Thiên Chúa gọi là Đức Chúa Trời, đạo Nho Gia gọi là Ông Trời, … Con người chỉ là một khách thể hoàn toàn thụ động với cuộc sống vô thường, sướng, khổ, buồn, vui, giàu, nghèo, … của chính mình vì đã bị an bài bởi một định mệnh được thiết lập trên cơ sở công bằng của luật nhân quả với những suy nghĩ, việc làm và lời nói do chính bản thân mình đã tạo nên từ vô thỉ.

Vì vậy, con người phải chìm đắm trong biển khổ và trôi lăn trong sanh tử luân hồi mà không tự mình thoát ra được. Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra pháp tu tiếp theo là Tứ chánh cần để con người nương vào tu tập đi đến giải thoát khổ đau và giải thoát sinh tử luân hồi. Tứ chánh cần là bốn pháp tu hiện hữu phù hợp với chánh đạo thực hành đoạn tận các ác, bất thiện pháp, diệt trừ nghiệp tội xấu ác là nguồn gốc của mọi sự khổ đau và sinh tử luân hồi. Đồng thời tu tập các thiện pháp tròn đầy, viên mãn làm tăng trưởng phước đức là nhân của cuộc sống sướng vui, hạnh phúc. Pháp tu chủ trương diệt nghiệp tội xấu ác để không còn phải chịu quả báo khổ đau, thành tựu trên con đường giải thoát.

Pháp tu Tứ chánh cần còn gọi là Tứ chánh đoạn nghĩa là đoạn trừ các ác, bất thiện pháp nhờ sự tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng thực hiện các thiện pháp. Thực hiện bốn việc sửa đổi từ tư tưởng nhận thức đến hành động. Tức là sửa đổi từ suy nghĩ đến việc làm và lời nói. Chủ trương đoạn tận nghiệp tội xấu ác trong tam nghiệp thân, khẩu, ý trên con đường đi đến giải thoát khổ ách, sanh tử luân hồi. Muốn tu tập thành tựu pháp tu Tứ chánh cần thì người tu hành phải có tư duy, hiểu biết, có năng lực nhận thức, phân biệt đúng đắn giữa chánh và tà, giữa thiện và ác, thật và giả, … Vì vậy, phải hiểu đúng và phân biệt thế nào là ác, bất thiện pháp, thế nào là thiện pháp.

Ác, bất thiện pháp là những suy nghĩ, việc làm và lời nói đem lại tổn hại cho người khác và chính bản thân mình ở hiện tại và trong tương lai. Từ sự vô minh, không hiểu biết về quy luật nhân quả và cuộc sống nhân sinh nên đã dẫn con người đến những suy nghĩ, việc làm, lời nói xấu ác, bất thiện không phù hợp với trí tuệ cao cả, không phù hợp với chân lý đạo đức xã hội và quy luật nhân quả. Nguyên tắc của luật nhân quả là chân lý của vũ trụ, nhân nào quả ấy. Nếu hành ác, bất thiện pháp là tạo nghiệp tội xấu ác thì phải nhận quả báo khổ đau.

Thiện pháp là những suy nghĩ, việc làm và lời nói đem lại lợi ích cho người khác và chính bản thân mình ở hiện tại và trong tương lai. Từ sự hiểu biết, giác ngộ về quy luật nhân quả và cuộc sống nhân sinh, con người biết tu hành sửa đổi lìa ác, làm thiện phù hợp với trí tuệ cao cả, phù hợp với chân lý đạo đức xã hội và quy luật nhân quả. Theo quy luật nhân quả, nếu hành thiện pháp là tạo phước đức sẽ được hưởng quả báo sướng vui, hạnh phúc.

Để phân biệt và tu tập thiện pháp, lìa những ác, bất thiện pháp, Đức Phật đã chỉ ra pháp Thập thiện đạo và Thập bất thiện đạo. Tu tập thực hiện Thập thiện đạo và diệt trừ Thập bất thiện đạo. Tu tập Thập thiện đạo nghĩa là thực hành mười điều thiện lành như: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời hai chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân hận, không si mê. Nếu đi ngược lại mười điều thiện là mười điều ác, bất thiện.

Đức Phật thuyết Kinh Tứ Chánh Cần như sau:

“KINH TỨ CHÁNH CẦN

I. PHẨM SÔNG HẰNG RỘNG THUYẾT

1-12. (I-XII) (S.v, 244)

1-2) Tại Sàvatthi. Tại đấy, Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

4) Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

5) Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

6) Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất (asammosàya), làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn chánh cần.

8) Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, bốn chánh cần tu tập làm cho sung mãn như thế nào, lại thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?

9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng; đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần… cố gắng; đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi… cố gắng; đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn”.

NỘI DUNG PHÁP TU TỨ CHÁNH CẦN

1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng;

Trong tam nghiệp thân, khẩu, ý thì khởi đầu là nghiệp ý, sau đó sẽ dẫn đường cho nghiệp thân và nghiệp khẩu, tức là tâm suy nghĩ dẫn đến hành động là việc làm và lời nói. Tâm suy nghĩ ác, bất thiện dẫn đến hành động việc làm và lời nói ác, bất thiện, tạo nghiệp ác, bất thiện là nhân của quả báo khổ đau. Tâm suy nghĩ thiện lành dẫn đến hành động việc làm và lời nói thiện lành, tạo phước đức là nhân của quả báo sướng vui, hạnh phúc. Vì vậy, trước khi muốn hành động một việc làm hay một lời nói đều phải suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo. Quán sát, xem xét kết quả của việc làm và lời nói đó đem lại kết quả gì? là tội hay phước? Nếu là phước thì cố gắng thực hiện hết khả năng, nếu là tội thì phải tuyệt đối từ bỏ.

Như vậy, muốn các ác, bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh khởi, Đức Phật chỉ ra trước hết phải khởi lên ý muốn. Ý muốn là mục tiêu đặt ra cần phải đạt được. Từ mục tiêu này mới có phương hướng, hành động, phấn đấu để đạt được mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu, đã có phương hướng phấn đấu thì sẽ tạo động lực thúc đẩy hành động để đạt được mục tiêu như mong muốn. Hành động là sự tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng thực hiện tu tập các thiện pháp.

Trong quan sát thấy rằng, nếu tâm luôn luôn giữ chánh niệm, suy nghĩ thiện lành thì những suy nghĩ ác, bất thiện không thể khởi sanh. Khi những suy nghĩ ác, bất thiện không khởi sanh thì hành động ác, bất thiện không thể khởi sanh. Như vậy, muốn các pháp ác, bất thiện pháp chưa sanh không cho khởi sanh thì chỉ cần tâm luôn luôn giữ chánh niệm, suy nghĩ thiện lành thì các suy nghĩ ác, bất thiện không thể khởi sanh. Khi những suy nghĩ ác, bất thiện không khởi sanh thì các ác, bất thiện pháp chưa sanh không thể khởi sanh. Suy nghĩ thiện là suy nghĩ về mười điều thiện đạo, không suy nghĩ về mười điều bất thiện đạo. Hành động thiện là tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng thực hiện mười điều thiện đạo, không thực hiện mười điều bất thiện đạo (đã nêu ở trên). Như vậy, các ác, bất thiện pháp chưa sanh không thể khởi sanh, nghiệp tội không khởi sanh thì không phải chịu quả báo khổ đau.

2. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng;

Khi chưa hiểu biết về Phật pháp, chưa thấu hiểu về quy luật nhân quả và chân lý nhân sinh thì trong cuộc sống hàng ngày con người có thể đã phạm phải những sai lầm trong suy nghĩ, việc làm và lời nói. Tam nghiệp, thân, khẩu, ý đã khởi sanh, các ác, bất thiện pháp đã khởi sanh. Nghiệp tội xấu ác đã khởi sanh, nhân của quả báo khổ đau đã khởi sanh. Khi con người đã hiểu biết Phật pháp, hiểu biết luật nhân quả và cuộc sống nhân sinh, nhận thức được hậu quả của những việc làm sai trái đã tạo ra là nguyên nhân của quả báo khổ đau thì muốn tu hành, sửa đổi, muốn đoạn tận những ác, bất thiện pháp đã khởi sanh trên con đường diệt nghiệp thân, khẩu, ý, tức là diệt nguyên nhân sinh ra khổ đau.

Đối với các ác, bất thiện pháp đã khởi sanh muốn đoạn tận thì Đức Phật chỉ ra trước hết phải khởi lên từ ý muốn. Ý muốn được khởi lên tức là mục tiêu đã được đặt ra cần phải đạt được. Từ mục tiêu này mới có phương hướng, hành động, phấn đấu để đạt được mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu, có phương hướng phấn đấu thì sẽ tạo động lực thúc đẩy hành động tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng tu hành sửa đổi để đạt được mục tiêu như mong muốn. Như vậy, đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, muốn đoạn tận, trước hết phải đoạn tận được các suy nghĩ ác, bất thiện. Khi các suy nghĩ ác, bất thiện đã được đoạn tận thì hành động ác, bất thiện sẽ được đoạn tận. Đối với các ác, bất thiện pháp đã khởi sanh sẽ được đoạn tận, nghiệp tội xấu ác được đoạn tận, không còn nhân của quả báo khổ đau.

3. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng;

Đối với các thiện pháp chưa sanh muốn làm cho sanh khởi, Đức Phật chỉ ra trước tiên phải khởi lên từ ý muốn. Ý muốn được khởi lên tức là mục tiêu đã được đặt ra cần phải đạt được. Từ mục tiêu này mới có phương hướng, hành động, phấn đấu để đạt được mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu, đã có phương hướng phấn đấu thì sẽ tạo động lực thúc đẩy việc thực hành tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng tu hành sửa đổi để đạt được mục tiêu như mong muốn. Như vậy, đối với các thiện pháp chưa sanh muốn làm cho sanh khởi thì trước hết tâm phải luôn luôn giữ chánh niệm, suy nghĩ về các thiện pháp. Khi tâm luôn giữ chánh niệm, suy nghĩ về các thiện pháp thì sẽ thúc đẩy thân, khẩu hành động thiện pháp, làm cho thiện pháp chưa sanh sẽ được khởi sanh. Hành động thiện khởi sanh, phước báo khởi sanh là nhân của quả báo sướng vui, hạnh phúc.

4. Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất (asammosàya), làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.

Đối với các thiện pháp đã sanh muốn làm cho an trú, không cho vong thất nghĩa là làm cho thiện pháp còn mãi không mất. Làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, nghĩa là làm cho thiện pháp ngày càng lớn mạnh, rộng khắp. Tu tập làm cho viên mãn nghĩa là tu tập đạt đến thành tựu đầy đủ. Đối với các thiện pháp đã sanh không cho là vừa là đủ mà tiếp tục tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng tu hành, sửa đổi không ngừng nghỉ, làm cho tăng trưởng, lớn mạnh đạt đến thành tựu viên mãn đầy đủ thì mới được an trú còn mãi, không bị vong thất.

Đối với các thiện pháp đã sanh muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, làm cho viên mãn, Đức Phật chỉ ra trước hết phải khởi lên từ ý muốn. Ý muốn được khởi lên tức là mục tiêu đã được đạt ra cần phải đạt được. Từ mục tiêu này mới có phương hướng, hành động, phấn đấu để đạt được mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu, đã có phương hướng phấn đấu thì sẽ tạo động lực thúc đẩy hành động tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng thực hiện việc tu hành đạt được mục tiêu như mong muốn. Những thiện pháp đã phát khởi, đã tu tập thành tựu đã đem lại những kết quả nhất định trong đời sống hiện tại như thân, tâm được an lạc, cuộc sống được tự tại, trí tuệ được khai mở trong sáng hơn, hiểu biết hơn, … Từ đó, tạo dựng được niềm tin và nghị lực giữ cho thân tâm ngày càng kiên định, vững vàng với pháp tu, không thối chuyển. Những công hạnh này là động lực thúc đẩy tiếp tục phát huy tinh thần tu tập tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng làm cho thiện pháp ngày càng tăng trưởng, lớn mạnh, đầy đủ. Khi các thiện pháp đã tăng trưởng đủ lớn mạnh, đủ rộng khắp thì sẽ được an trú, còn mãi, không bị vong thất. Phước báo ngày càng tăng trưởng là nhân của quả báo sướng vui, hạnh phúc. Nghiệp tội được diệt tận không còn quả báo khổ đau nghĩa là thành công trên con đường giải thoát.

KẾT LUẬN

Tứ chánh cần là bốn phương tiện ứng dụng thực tế trong tu hành với mục đích diệt tận những ác, bất thiện pháp và làm tăng trưởng, viên mãn những thiện pháp. Pháp tu chỉ thẳng để đạt được kết quả đầy đủ trong công cuộc tu hành thì trước hết phải khởi lên từ ý muốn tức là đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Song song với mục tiêu là hành động thực hiện việc tu tập để đạt được kết quả như mong muốn. Tu tập thành tựu pháp tu Tứ chánh cần giúp diệt tận được tam nghiệp thân, khẩu, ý ngay trong đời hiện tại, tức là diệt tận nguyên nhân gây ra khổ đau trong tương lai. Đồng thời làm tăng trưởng rộng lớn các thiện pháp, đem lại cuộc sống an lạc nơi hiện tại và làm cho quả phước được viên mãn, đầy đủ là nguồn gốc của cuộc sống sướng vui, hạnh phúc trong tương lai. Pháp tu thiên về Niết bàn, hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn.

Tác giả: PHẠM THỊ MÝ – PHẠM THỊ LINH

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *