Tâm lý học trong Phật giáo Đại thừa

Đặt vấn đề

Nghiên cứu về tâm trí con người, về nguồn gốc của mọi hiện tượng của thế giới hữu hình và thế giới vô hình là vấn đề mà từ thời cổ đại đã được các nhà triết học như Plato và Aristotle quan tâm. Ngày nay, các nhà Tâm lý học hiện đại, đã cố gắng tìm cách lý giải quá trình nhận thức, cảm xúc, hành vi của con người được diễn ra như thế nào; nguyên nhân nào đưa đến những hiện tượng đó.

Tuy nhiên, các nhà Tâm lý học rơi vào sự tìm kiếm vô tận không có lời giải đáp. Họ cho rằng, mọi sự hiểu biết thực sự của con người đều xuất phát từ kinh nghiệm, tức là được hình thành từ sự tri giác hiện thực khách quan, nhờ vào các cơ quan cảm giác. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học chỉ là các quá trình tâm lý (cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng,…) hoặc là các trạng thái tâm lý (vui, buồn, nóng giận, sợ hãi, yêu, ghét,…).

Các nhà Tâm lý học duy vật khẳng định, mặc dù thế giới bao gồm từ vật chất và tinh thần nhưng quá trình tâm lý là kết quả của sự tác động trực tiếp lên Não, bởi các vật thể vật chất tồn tại không phụ thuộc vào ý thức con người. Nhà sinh lý, Tâm lý học vĩ đại người Nga I.P.Pavlov đã khẳng định, các quá trình hoạt động thần kinh cao cấp là cơ sở sinh lý của hoạt động tâm lý, coi tâm lý như là đặc tính của não.

Các nhà Tâm lý học duy tâm cho rằng, thế giới bao gồm vật chất và tinh thần nhưng cơ sở để hình thành nên tâm lý con người đó là tinh thần. Họ tin rằng, có một Đấng thiêng liêng tạo nên vũ trụ, sự sống muôn loài và điều khiển mọi hoạt động sinh tồn hay diệt vong.

Ngày nay, các nhà Tâm lý học lại quan tâm nhiều đến hành vi, nhận thức của con người. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm hay bằng lý luận đều rơi vào tình trạng bế tắc, hoặc giải thích không tường minh các nguyên nhân của nhiều hiện tượng, đặc biệt trong hoạt động nhận thức và tâm lý con người.

Từ đó có thể thấy cả trường phái duy vật và duy tâm đều không tìm được lời giải đáp thỏa đáng thuyết phục về mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của tâm trí con người cũng như sự hình thành vũ trụ, thế giới tự nhiên.

Vậy, để đi đến các luận chứng khoa học trong biện giải mọi hoạt động trí não của con người cũng như giải đáp những câu hỏi: Con người được sinh ra từ đâu? Con người bị tịch diệt như thế nào trong quá trình vận động phát triển? Các hành vi hoạt động của con người diễn ra như thế nào? Con người có kiếp trước, kiếp sau không? Có linh hồn hay không? Tại sao có người có khả năng đặc biệt, có người có thể dùng tay chữa bệnh hoặc bịt mắt vẫn đọc được chữ, hoặc Vô thức là gì và Vô thức nằm ở đâu trong não chúng ta? Con người có định mệnh hay không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Chỉ có lý luận của Phật giáo Đại thừa mới giải thích cặn kẽ được mọi vấn đề, mọi hiện tượng kỳ bí trong vũ trụ, trong thiên nhiên và con người.

Đức Phật đã đi sâu vào phép biện chứng sâu màu về vật chất và tinh thần của con người cũng như của thế giới vạn vật trong tự nhiên. Thấy rằng, tất cả mọi vận động phát triển và tồn tại chỉ là khách thể và thụ động. Trước hết, con người không thể định đoạt được sự xuất hiện của mình trên thế gian. Như thế, sự hình thành của con người cũng như của mọi sinh vật trên thế gian đều do những yếu tố khác quyết định chứ chính con người không thể can thiệp được. Trên bình diện hoạt động thực tiễn, con người cũng không là sự tạo tác của hành động, con người bị động, được đặt định do vai trò của một Trí tuệ siêu nhiên. Đức Phật khẳng định trong mỗi người chúng ta đều có Phật tánh – Đó chính là Trí tuệ siêu nhiên, còn gọi là Ức tưởng tư duy.

Theo phát hiện của Phật giáo Đại thừa thì mọi quá trình hoạt động của con người để đi đến thành tựu chính là nhờ Trí tuệ siêu nhiên. Vậy đó là trí tuệ gì? Trí tuệ này đóng vai trò như thế nào trong sự hình thành vũ trụ, hình thành thế giới tự nhiên, trong đó có con người? Trí tuệ đó có năng lực như thế nào? Và vì sao chỉ có thể dựa vào trí tuệ này – Trí tuệ siêu nhiên mới biện chứng, lý giải logic, đầy đủ cặn kẽ mọi vấn đề mà khoa học nói chung và khoa học tâm lý nói riêng đã không thể giải thích. Trong triết thuyết của Phật giáo Đại thừa đã dùng ba môn tam muội (Không tam muội: các pháp tự tướng rỗng không. Vô tướng tam muội: các pháp không có tướng tự tịch diệt. Vô tác tam muội: các pháp không tự sinh ra, không mong cầu tạo tác bởi không có cái cấu tạo.) làm sức phương tiện để biện giải các quá trình nhận thức của con người đối với mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên, trong vũ trụ…

Với những hiểu biết của mình, người viết sẽ cố gắng trình bày triết thuyết của Phật giáo Đại thừa trong lĩnh vực tâm lý một cách dễ hiểu, từ đó luận giải một số vướng mắc trong quá trình nghiên cứu tâm lý con người, đặc biệt là dùng cơ sở lý luận của Phật giáo Đại thừa làm nền tảng cho quá trình tìm hiểu nguyên nhân cũng như trị liệu các bệnh về tâm bệnh như trầm cảm, tự kỷ, ám ảnh sợ, đa nhân cách…

Khái niệm Tâm lý học là gì?

Định nghĩa Tâm lý học được thay đổi vào những thời kỳ khác nhau trong quá trình phát triển lịch sử Tâm lý học.

Trước đây, Tâm lý học thường được định nghĩa như khoa học nghiên cứu về tâm hồn, về tinh thần hay về ý thức, cảm xúc, hành vi của con người. Ngoài ra, một số nhà Tâm lý học nghiên cứu về các lĩnh vực khác nhau, như lĩnh vực sinh vật học tương ứng với tinh thần, nghiên cứu các động lực Vô thức tác động đến một hoạt động của con người,… lại đưa ra các định nghĩa khác về Tâm lý học.

Ngày nay, Tâm lý học hiện đại đưa ra một khái niệm đầy đủ và khái quát hơn. Tâm lý học là khoa học nghiên cứu những hiện tượng tâm lý và những quá trình phát sinh và phát triển chúng, nghiên cứu những nét tâm lý cá nhân và những đặc điểm tâm lý của hoạt động con người.

Có thể hiểu một cách ngắn gọn hơn thì Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi của con người.

Tâm lý học trong Phật giáo Đại thừa

Phật giáo Đại Thừa nhìn nhận hoạt động tâm lý con người là hoạt động của Tâm thức, do Vô thức điều khiển và quyết định chất lượng tâm lý, nó tuân theo Luật nhân quả và tùy duyên.

Phật giáo Đại Thừa xác định các quá trình hoạt động tâm lý của con người là quá trình hoạt động của Uẩn Tưởng và Uẩn Thức.

Sự cấu thành ý thức hệ trong Phật giáo Đại thừa

Trong quá trình quan sát Tâm thức con người, Đức Phật thấy 3 trạng thái: Vô thức, ý thức và tư duy bao hàm cả lý tính và cảm tính. Cảm tính được diễn ra trong đa dạng hình thức, ví dụ như sự linh cảm, thấy sự sợ hãi hoặc khi ta nghĩ đến một người nào đó thì người đó đang nhắc đến ta. Ở loài vật, linh cảm về động đất hay sự thay đổi thời tiết rất nhạy cảm. Đó là do tác động của tư duy vào tính biết của chúng và tạo ra những linh cảm như vậy. Các hoạt động của bản năng đều do sự tác động của Vô thức.

Quan sát về thức là nói đến hệ thống ý thức và giác quan cảm giác của con người. Đây là thực thể tinh thần, trong thực thể tinh thần chỉ có một hệ thống giác quan cảm giác được cấu thành từ hai thành phần là:

– 6 trần bao gồm: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, cảm giác toàn thân và ý thức hiểu biết. Đây là hệ thống thần kinh chủ đạo của tinh thần con người.

– 6 thức gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nhãn thức là thành phần khởi lên tính thấy sáng tỏ để con người thấy được ngoại cảnh xung quanh. Nếu hệ thống thần kinh đầy đủ mà nhãn thức không tác động thì dù vẫn có mắt nhưng không nhìn thấy được gì.

Tức là khi đó thần kinh tính thấy không hoạt động. Tương tự như vậy, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức đều là những thành phần khởi lên tính nghe, tính mùi vị và tính cảm giác toàn thân… Thức là một sát na hư vọng. Sáu trần thì vô sắc tướng, sáu thức tác động cho vô sắc tướng thành tựu. Cho nên, lục nhập mà không có sáu thức thì không thành tựu.

Theo Phật giáo Đại thừa, Đức Phật chỉ ra có 2 thành phần trong ý thức hệ: thành phần thứ nhất là A lại da thức, là Uẩn tưởng, là tính rõ biết, còn gọi là Tâm vương trong ý thức hệ, đây là Trí tuệ siêu việt của vũ trụ. Thành phần thứ hai là Ý thức, đây là tính hiểu biết thông thường của con người, được Đức Phật gọi là Tâm sở. Đức Phật gọi hệ thống ý thức và các giác quan cảm giác là Uẩn thức trong 5 uẩn của cấu trúc con người, nó bao hàm hệ thống tri giác (thức là tướng tri giác), được liên kết từ các giác quan cảm giác vào ý thức cấu thành thực thể tinh thần của con người. Còn Uẩn sắc là thực thể vật chất. Như vậy, có thể hiểu ý thức con người chỉ là một tinh thần thuần túy và khách quan, còn Vô thức là thành phần tư duy chủ đạo, tác động cho tính biết của ý thức và các giác quan cảm giác được sáng tỏ.

Như vậy, thành phần này hoạt động mang tính gián đoạn nên Đức Phật đưa cấu trúc cơ thể vào lục nhập (6 căn và 6 trần), là cái luôn luôn ổn định về thể chất, tức là hệ thống thần kinh bên trong và hệ thống vật chất bên ngoài.

6 thức, Đức Phật không đưa vào hệ thống lục nhập, nó mang tính độc lập. Khi có sự tác động của tư duy, 6 Thức này là Trí tuệ siêu việt là thành phần tư duy chính của con người. Vậy nên, cho dù ý thức và các giác quan cảm giác luôn hữu cơ với nhau nhưng lúc ẩn lúc hiện, khi có sự tác động của tư duy thì nó mới sáng tỏ lên tính biết. Khi không có sự tác động của tư duy thì trở về trạng thái mạt na – tính hiểu biết thông thường của ý thức không được khởi lên.

Vì vậy, ý thức hệ là thực thể tinh thần của con người, nó là một tổng hợp hóa giữa trí tuệ Phật với tinh thần của con người. Trí tuệ Phật thuộc về thành phần siêu nhiên, cái tạo tác sinh ra tự nhiên. Còn tinh thần con người là sản phẩm của tự nhiên cũng là sản phẩm của siêu nhiên.

Như vậy, thực thể tinh thần được gắn kết hữu cơ với thực thể vật chất nhưng nó độc lập với thực thể vật chất. Do đó, đến một thời điểm nhất định nào đó thực thể tinh thần này sẽ tách rời khỏi thực thể vật chất và tồn tại độc lập ở bên ngoài. Đức Phật nói “Các Pháp tướng ly”, nó độc lập với thể chất và khi con người chết nó rời bỏ thể chất, nó là vô sắc tướng, trong dân gian gọi là linh hồn.

Tư duy (Ức tưởng tư duy)

Uẩn tưởng trong cấu trúc của 5 uẩn, được Đức Phật gọi là Trí tuệ. Trí tuệ này là thành phần tạo tác của con người và mọi sự vật trong đa dạng sinh học. Trong quá trình sinh hóa và phát triển sự sống, thành phần tư duy này là cái chủ đạo để tạo khởi lên tính biết thông thường của con người trong tự nhiên, cũng như tính biết đặc thù của muôn loài trong sự phát triển và tồn tại sự sống. Vì thế, Tư duy là cái quyết định cho quá trình vận động và phát triển sự sống của muôn loài và tự nhiên ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Thành phần tư duy này được phát sinh từ sự phân thân biến thể của một Trí tuệ siêu việt trong vũ trụ, được Đức Phật gọi là Trí tuệ Phật hay nói cách khác là Trí tuệ của Như Lai, điều này được mô tả trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Như Lai dùng sức tự tại thị hiện vi trần thân đầy khắp tất cả hư không”. Vi trần thân được ví như những hạt bụi nhỏ, từ những hạt bụi này tạo tác sinh khởi lên sự sống của muôn loài.

Trong Kinh Bát Nhã, Đức Phật nói tất cả các pháp đều hư vọng, đều do Ức tưởng tư duy tạo tác. Trí tuệ này vừa là tư duy, vừa là năng lực tạo tác, nó cấu tạo ra hình tướng của sự vật, tạo tác nên các đối tượng vật chất và đối tượng tinh thần của mọi sự vật trong tự nhiên, trong vũ trụ. Do đó, tư duy là cái quyết định cho quá trình vận động và phát triển sự sống trong thực tại cũng như trong quá khứ và tương lai của tự nhiên và con người.

Ý thức (Mạt na thức)

Ý thức là tính hiểu biết thông thường của con người, thành phần ý thức này chỉ mang tính biết đặc thù của loài, không có tính rõ biết. Đức Phật gọi đây là thành phần Mạt na thức.

Thành phần này nếu như được thành phần tư duy – A lại da thức tác động, khởi tạo làm sáng tỏ lên tính hiểu biết ở tầm hiểu biết thông thường của con người thì tạo thành ý thức của con người. Nếu thành phần tư duy này tạo tác, khởi tạo, làm sáng tỏ lên tính biết ở tầm hiểu biết của các loài súc sanh thì nó không trở thành ý thức mà chỉ trở thành tính biết đặc thù của loài súc sanh đó.

Trong quá trình vận động và phát triển của ý thức hoàn toàn phụ thuộc vào sự tác động của tư duy (A lại da thức). Chính nhờ vào điều này mà ý thức con người có thể vượt khỏi khả năng bình thường của mình một khi được tư duy tác động khởi tạo. Điều này có thể giải thích các hiện tượng những người có khả năng đặc biệt như các nhà tiên tri, các thánh nhân, sự hiểu biết của họ về thế giới, về vũ trụ vượt khỏi sự hiểu biết thông thường của loài người và của các nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu về hành vi hoạt động trong Phật giáo đại thừa

Vô thức

Trong cấu trúc của con người về ý thức hệ có 2 thành phần chính là Tưởng và ThứcTưởng là thành phần Vô thức, trong Tâm lý học hiện đại hay dùng khái niệm Vô thức để chỉ những gì thuộc về tiềm thức được ẩn giấu trong tầng rất sâu của tâm trí con người. Thức là thành phần tri giác bao gồm ý thức, nhận thức, trí tuệ và các giác quan cảm giác.

Như vậy, thành phần Vô thức được Đức Phật coi như là tính chủ đạo, là vai trò tất yếu quyết định cho quá trình phát sinh các chức năng, khởi tạo ra mọi quá trình hoạt động của trí tuệ con người. Vô thức được coi như một thành phần siêu việt, một năng lực có đầy đủ về công năng và công lực, cũng như tư duy, thành phần này độc lập với ý thức của con người được phát sinh ra từ sự biến thể của vũ trụ mà Đức Phật gọi là Như Lai.

Phật Giáo Đại Thừa quan sát kỹ lưỡng về con người, Đức Phật Thích Ca phân chia ra thành 5 thành phần gọi là 5 uẩn bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

– Sắc là thể chất của vật chất, bao gồm giã hợp bởi 4 chủng đại: địa, thủy, hỏa, phong.

Phần địa là những chất rắn của cơ thể, phần thủy là các chất lỏng, chất nước của cơ thể, phần hỏa là nhiệt độ trong cơ thể và phần phong là gió hơi thở của cơ thể.

Bốn chủng đại này giã hợp cấu thành thể chất vật chất của con người.

– Thọ: là sự cảm thọ như vui, buồn, nóng, lạnh, khi tiếp xúc với ngoại cảnh bên ngoài diễn ra sự cảm thọ khổ và vui, cảm giác đau ngứa, mỏi mệt,…

– Tưởng: là thành phần tư duy, tướng rõ biết của con người, đây chính là Phật tánh hay còn gọi là tánh không, là một phân thân của Đức Như lai.

– Hành: là năng lực hoạt động tác động qua lại, đây là hành vi hoạt động của con người, hành vi tác nghiệp vào việc làm của con người.

– Thức: là hệ thống tri giác của con người bao gồm: ý thức, nhận thức, trí tuệ và các giác quan cảm giác. Có 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Như vậy, 5 uẩn được cấu thành từ hai thực thể vật chất và tinh thầnThực thể vật chất là uẩn sắc và thực thể tinh thần là 4 uẩn còn lại. Trong đó, hệ ý thức có 2 thành phần là Tưởng và ý thứcTưởng và Thức độc lập với nhau, cho dù có hữu cơ nhưng cũng vẫn độc lập. Bởi Tưởng là trí tuệ Phật, là pháp thân của Như Lai, phân thân biến thể làm Pháp tánh thường trụ trong các pháp để tạo tác sinh khởi ra các pháp, bản thân các pháp thì không có Tự tánh, tức là không có cái để tự nó tạo tác cấu tạo nên nó. Do đó, Tưởng là cỗ máy cấu tạo nên thể chất và tinh thần con người.

Các hành vi hoạt động

Theo Phật giáo đại thừa, dựa vào ba môn tam muội (Không tam muội: các pháp tự tướng rỗng không. Vô tướng tam muội: các pháp không có tướng tự tịch diệt. Vô tác tam muội: các pháp không tự sinh ra, không mong cầu tạo tác bởi không có cái cấu tạo.) làm sức phương tiện để giải thích các hành vi hoạt động vì tất cả các pháp đều vô ngã không có chúa tể chủ đạo, do đó các pháp tự tướng rỗng không. Tự tướng là cái tự nó vận động cho các hoạt động, cho mọi thành tựu của con người, đồng thời cũng là cái tạo tác tạo ra vật chất, chuyển hóa vật chất và các hoạt động sinh lý sinh hóa của con người như hiện tượng thở, bài tiết của cơ thể… Vì Tự tướng rỗng không, nên các hoạt động của hành vi con người đều bất khả đắc bởi các pháp tướng như, có nghĩa là bất động. Tự tướng là thành phần Vô thức cũng chính là Trí tuệ Phật. Năng lực hoạt động của Vô thức được Đức Phật chỉ ra đó là Phật lực, Thần lực, khởi lên mọi năng lực của hành vi trong các hoạt động phản xạ có điều kiện, không điều kiện và các hoạt động khác của sự sống.…

Tóm lại, các hành vi hoạt động là một quá trình vận động phát triển của sự sống; các hành vi này, con người không thể chủ định trước. Nghiên cứu hành vi hoạt động của con người là nghiên cứu từ hành vi nhận thức đến hành vi ngôn ngữ, thấy rằng sự xuất hiện mọi hành vi hoạt động của con người đều không mang tính tự chủ; được phát sinh hoàn toàn thụ động theo năng lực tác khởi của Vô thức. Nó hoạt động về cơ bản theo tính bản năngcác hoạt động bản năng này đều do sự tác động khởi tạo từ Vô thức.

Vậy, nói cách khác trong quá trình quan sát về con người, Phật Giáo Đại Thừa cho rằng, sự vận động và phát triển tâm sinh lý của con người hoàn toàn do Pháp Tánh thường trụ tạo tác và khởi lên mọi hành vi hoạt động. Đức Phật cũng chỉ ra rằng, hành vi của ý thức dẫn đến hành vi của hành động đôi khi có những đột biến. Ví như hành vi của ý thức không phát sinh nhưng hành vi hành động lại diễn ra. Ví dụ: khi tức giận không làm chủ được cảm xúc và hành vi, ta đã hành động một cách thiếu sự kiểm soát của ý thức dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

Các hoạt động hành vi tác động qua lại ở hai hình thức phản xạ đó là phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.

– Phản xạ có điều kiện:

Là phản xạ có sự tham gia của ý thức, đây là ý thức thông thường của con người, tức là không có sự chỉ đạo của Vô thức. Hay nói cách khác, đó là loại phản xạ không có sự tham gia của Tâm vương mà chỉ có sự tham gia của Tâm sở.

Phản xạ có điều kiện là phản xạ tuân theo quy trình tuần tự phát sinh hành vi có ý thức, rồi sau đó mới phát sinh hành vi phản xạ. Đây là phản xạ có sự tham gia có chủ đích của ý thức, nghĩa là hành vi phản xạ có điều kiện là có sự chủ động của ý thức.

Ví dụ: khi tập múa phải tập nhiều lần một động tác thì mới thuần thục theo bài nhạc. Hành vi này là nằm trong loại phản xạ có điều kiện.

Dựa vào phản xạ có điều kiện, người ta có thể rèn luyện để trở thành thói quen. Ví dụ: để chuông 5h đánh thức, thì cứ 5h có chuông và thức, lâu dần sẽ trở thành thói quen. Trong giáo dục, điều này có thể dạy cho trẻ các hành vi hoạt động theo phản xạ có điều kiện.

– Phản xạ không điều kiện:

Hành vi hoạt động loại phản xạ không điều kiện là loại phản xạ chịu sự điều khiển của Vô thức, tức là chịu sự tác động, chi phối của Uẩn tưởng tư duy, ngoài sự hiểu biết và chủ động của ý thức. Trong mỗi con người ai cũng có Uẩn tưởng tư duy, hay nói  khác đi chính là Tâm vương, là Pháp Tánh thường trụ.

Vô thức trong Phật giáo Đại Thừa là chân lý là nền tảng để giải thích mọi vấn đề của hoạt động hành vi con người. Vậy nên, vai trò của Vô thức thấy rất rõ trong sự tác động, trong việc điều khiển mọi hành vi hoạt động, đặc biệt là hành vi hoạt động loại phản xạ không điều kiện. Phản xạ không điều kiện là loại hành vi bẩm sinh, nó được qui định ngay từ trong chủng tử.

Đức Phật chỉ rõ cảm tính và lý tính của con người trong cảm xúc, thường được biểu hiện qua 7 thứ tình cảm như: giận, thương, yêu, ghét, vui, buồn, sợ hãi. Những cảm xúc này được diễn ra không mang tính tự chủ của ý thức, các hành vi trong cảm xúc không theo ý muốn của con người, nó chỉ được bộc lộ trong tình huống cụ thể của bối cảnh ngoại cảnh nào đó. Ví dụ: nóng giận khi bị xúc phạm, không kiềm chế có thể hành hung người khác. Đây là hành vi cảm tính là phản xạ  không điều kiện của con người được phát sinh hoàn toàn thụ động theo bản năng.

Phản xạ không điều kiện là phản xạ của bản năng không thông qua ý thứcBản năng tức là “Thần lực Như Lai”, tức là Vô thức là Trí tuệ siêu việt được Đức Phật mô tả là Trí tuệ, là Thần lực Như Lai. Các hoạt động phản xạ trong mọi hoạt động của con người khi không được Vô thức tác động vào hành vi ý thức, mà tác động trực tiếp vào hành vi hoạt động, sẽ khởi tạo phản xạ không điều kiện. Đây gọi là phản xạ theo bản năng không mang tính tự chủ của ý thức, những hành vi hoạt động như vậy của con người nằm ngoài ý muốn.

– Hành vi ngôn ngữ

Theo quan sát của Phật giáo Đại thừa, cho thấy ngôn ngữ bất khả đắc do Tự tướng rỗng không nên không có năng lực phát sinh ngôn ngữ. Ngôn ngữ có được là nhờ thành phần Vô thức tác động vào ý thức. Vô thức chính là Phật tánh, là trí tuệ của Phật. Vậy nên, nếu không có Pháp Tánh thường trụ thì ngôn ngữ bất khả đắc, không thể phát sinh. Pháp Tánh thường trụ này không phải của các pháp, các pháp vô tác, do vậy các pháp đều hư vọng. Phật tánh là cái tạo tác, cấu tạo và sản xuất ra các pháp, sinh ra sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tức là, sinh ra cả thể chất và tinh thần con người. Cũng vậy trong kinh “Lăng Già”, Đức Phật mô tả “Như Lai tạng ẩn trong thân chúng sinh như Bửu vật vô giá”. Cho thấy, Phật Tánh chính là trí tuệ Phật, là Thần lực Như Lai. Ngoài tư duy trí tuệ, Phật Tánh còn có năng lực tạo tác siêu việt. Quan điểm của Phật giáo Đại Thừa gọi Trí tuệ siêu việt là Thần, trong Kinh Bát Nhã, phẩm “Phật Mẫu” nói rõ” sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức là Thần”.

Nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ, Đức Phật cũng chỉ ra hành vi của ý thức dẫn đến hành vi ngôn ngữ có lúc phát sinh đồng bộ nhưng cũng có những lúc không đồng bộ. Đôi khi hành vi ý thức không phát sinh nhưng hành vi ngôn ngữ lại phát sinh, tức là ý thức không kiểm soát được ngôn ngữ. Ví dụ như sự lỡ lời trong khi giao tiếp, khi mất kiểm soát của ý thức.

Như vậy, hành vi ngôn ngữ được diễn ra sau hành vi ý thức, tức là hành vi ý thức phát sinh trước, sau đó mới phát sinh hành vi ngôn ngữ; theo đó hành vi ngôn ngữ đã chịu sự kiểm soát của hành vi ý thức. Tuy nhiên, cũng có khi không theo quy trình này mà theo bản năng.

Các tác động của hành vi sinh học

Thế nào là hành vi sinh học ?

Có thể hiểu hành vi sinh học là những nhịp sinh học của cơ thể, những hành vi làm biến đổi sinh lý, sinh hoá của cơ thể, duy trì sự sốnggiúp cơ thể thích nghi với những thay đổi, những tác động của môi trường sống.

Trong cơ thể con người cũng như các loài sinh vật, để tồn tại và duy trì sự sống, hành vi sinh học diễn ra liên tục không ngừng, đó là quá trình tuần hoàn của máu, hoạt động trao đổi chất của hệ hô hấp, quá trình hoạt động của hệ thần kinh, quá trình hoạt động sinh lý sinh hoá của cơ thể, như sự bài tiết và chuyển hóa các chất thức ăn thành vi chất, khoáng chất, hoóc môn sinh trưởng… Hành vi sinh học còn có vai trò to lớn giúp cho con người và muôn loài duy trì sự sống, duy trì giống nòi, có khả năng thích nghi với môi trường sống.

Tác động của hành vi sinh học nhìn thấy rất rõ ở khả năng điều tiết thích nghi cho cơ thể. Chẳng hạn vào mùa hè không khí quá nóng, con người và các loài động vật có vú, là động vật đẳng nhiệt, nhiệt độ cơ thể không thay đổi. Khi nhiệt độ con người và động vật tăng cao, hành vi sinh học sẽ điều tiết làm thân nhiệt cơ thể được mát hơn bằng cách ra mồ hôi trên bề mặt của da qua các lỗ chân lông; ở loài chó để giảm nhiệt cơ thể khi thời tiết quá nóng chó thường lè lưỡi vì tuyến mồi hôi của nó ở lưỡi, là nơi thoát nhiệt, điều hoà thân nhiệt của loài vật này.

Sự hưng phấn và ức chế Tâm thức của con người dẫn đến mọi quá trình mất cân bằng trong các tác động sinh học của cơ thể. Ví dụ, huyết áp tăng đột biến, mạch tim đập nhanh… có những trường hợp gây đột quỵ, hoặc khi xúc động quá mức có thể tay chân run, nói bị lắp thậm chí mất ngôn ngữ nói tạm thời, nếu không được trị liệu kịp thời có thể mất ngôn ngữ nói vĩnh viễn. Có những trường hợp tổn thương quá sâu sắc, đặc biệt là tổn thương thời thơ ấu cũng gây các rối nhiễu tâm lý trường diễn, dẫn đến rối loạn nhân cách, mất cân bằng các hành vi sinh học. Vấn đề này trong học thuyết phân tâm S. Frued cũng đã đề cập.

Tất cả những diễn biến thay đổi này không phải là năng lượng ý thức tác động mà đều do Thần lực Như Lai tác động và làm chuyển hóa, trao đổi chất, làm phát sinh sự điều tiết, sự ức chế hay hưng phấn của hành vi sinh học. Nếu quá trình tác động này bị trục trặc thì khi đó cơ thể sẽ nảy sinh sự mất cân bằng và có những đột biến có thể có lợi hoặc bất lợi cho cơ thể; đồng thời tác động vào mọi hành vi bên trong được biểu hiện ra hành vi bên ngoài.

Sự chuyển hóa và vận động của tâm thức được thể hiện theo tính nhân quả và tùy duyên

Trong quá trình hoạt động của con người, diễn biến của Tâm thức không tùy tiện mà căn cứ theo Luật nhân quả và tùy duyên. Nhờ sự tác động diễn biến của Vô thức vào ý thức hoàn toàn dựa trên cơ sở Luật nhân quả, nên nó được áp đặt theo định mệnh phát triển từng giai đoạn của một đời người. Theo đó, đến tuổi nào thì ý thức con người được mở ra trí thông minh, sự hiểu biết cũng như đến tuổi nào thì con người sẽ suy thoái cả về trí tuệ và sinh lực; tất cả đều đã được “lập trình” bởi một Trí tuệ siêu việt, hay nói khác đi đều do Vô thức chi phối theo Luật nhân quả và tùy duyên.

Sự điều hành diễn biến của Tâm thức hàng ngày được biến động tùy duyên. Ví dụ, khi con người tức giận, ý thức phiền não tất nhiên phải có nhân duyên tạo ra sự tức giận phiền não. Cái nhân duyên đó tùy thuộc vào yếu tố môi trường sống xung quanh. Do đó, sự chuyển biến của Tâm thức trong tùy duyên hoàn toàn phụ thuộc vào sự diễn biến tác động từ bên ngoài giữa các mối quan hệ xã hội, giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái thiện và cái ác, con người đối với nhau, thậm chí với cả loài sinh vật.

Trong cuộc sống, thường giải thích các hiện tượng may rủi, sướng khổ, giàu sang, hạnh phúc, bất hạnh… bằng những câu “số Trời, duyên nợ, báo ứng, quả báo…”. Tất cả mọi diễn biến của Tâm thức là tùy duyên, được tác động, khởi sinh do nhân quả tích lũy từ nhiều kiếp; biểu hiện ở các hình thức chuyển biến tâm trạng như vui buồn, đau khổ, tuyệt vọng, sợ hãi, lo âu,… đều do Vô thức căn cứ vào Luật nhân quả tác động, khởi tạo lên trong quá trình hoạt động, lao động, tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Có thể thấy điều này, khi xem xét hệ thống giác quan và cảm giác của con người, nó được gắn kết hữu cơ với ý thức; dù vậy chúng vẫn độc lập với nhau. Sự sáng tỏ hay lu mờ của các giác quan cảm giác được thể hiện dựa trên cấp độ đặc thù với ý thức con người và liên quan đến nhân quả. Do đó, hệ thống giác quan cảm giác không thường định, nó sẽ bị biến động theo nhân quả trong vô thường, có lúc biến động tụt hậu rồi có thể lại phục hồi trở về bình thường, hay có thể vĩnh viễn suy tàn theo nhân quả báo ứng đều đã được mặc định. Ví dụ: sau khi bị tai biến hay đột quỵ con người có thể bị nằm liệt bất động (Tướng như) có thể nghe được nhưng không nói được.

Như vậy, sự phát triển các giác quan cảm giác trong sự sống của con người không ổn định bất biến, mà luôn thay đổi, nó tùy thuộc vào sự tác động, tạo khởi của Vô thức dựa trên cơ sở Luật nhân quả theo định mệnh, trong sự tồn tại của mỗi một đời người.

Hệ thống giác quan và cảm giác hoạt động mang tính gián đoạn nên Đức Phật đưa cấu trúc cơ thể vào lục nhập (6 căn và 6 trần) là cái luôn luôn ổn định về thể chất, tức là hệ thống thần kinh bên trong và hệ thống vật chất bên ngoài; 6 thức Đức Phật không đưa vào hệ thống lục nhập, vì nó mang tính độc lập.

Vậy nên, cho dù ý thức và các giác quan cảm giác luôn hữu cơ với nhau nhưng lúc ẩn lúc hiện, khi có sự tác động của tư duy thì nó mới sáng tỏ lên tính biết. Khi không có sự tác động của tư duy thì trở về trạng thái mạt na. Do đó, sự phi thường của tính thấy hay tính nghe là nhờ vào Tư duy (Ức tưởng tư duy); không phải là do năng lực của hoạt động thần kinh thuần túy như cách hiểu của Tâm lý học hiện đại, rằng tất cả mọi hoạt động, nhận thức, hành vi cảm xúc của con người và muôn loài đều do não bộ chỉ huy.

Trên cơ sở chuyển biến tâm thức theo tính nhân quả và tùy duyên tìm nguyên nhân của tâm bệnh trong trị liệu tâm lý

Từ thời cổ đại, Hippocrates ông tổ của nền y học phương Tây đã đề cập đến ba loại công cụ mà người thầy thuốc sử dụng để chữa bệnh: cây cỏ, con dao và cuối cùng là lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất và bào chế ra dược liệu, con dao đã được sử dụng trong y khoa để cắt bỏ những phần cơ thể bị bệnh không thể giữ lại được. Từ đó hình thành nên các chuyên ngành nội khoa và ngoại khoa. Việc sử dụng lời nói trong trị liệu tâm lý được phát huy mạnh mẽ khi các ngành Tâm lý học hiện đại và tâm thần học phát triển. Tiên phong trong trị liệu tâm lý bằng lời nói là Sigmund Freud ông gọi là “chữa trị bằng lời nói” (talking cure), sau này trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác nhau.

Trị liệu tâm lý trong Phật giáo Đại Thừa được nhìn nhận như là một Pháp của Phật. Trong Kinh Bát Nhã, Đức Phật nói “Bát nhã Ba la mật là vô biên”, có nghĩa là không có giới hạn về Trí tuệ và năng lực. Bát Nhã Ba la mật là vô tận không có chỗ tận cùng của biên bờ. Như vậy, dựa vào Trí tuệ Phật có thể chữa trị được những bệnh thuộc về bệnh tâm linh. Các bệnh tật nơi trần gian hầu hết là do nghiệp quả báo ứng. Các bệnh về tâm lý như trầm cảm, tự kỷ, ám sợ, đa nhân cách,… đều do nhân quả mà ra, cũng tùy thời điểm mà nó xuất hiện để trả nghiệp. Tất cả số phận của mỗi người đều đã được định mệnh sẵn do một Trí tuệ siêu việt. Muốn chữa được những bệnh này phải thấu hiểu được căn cơ của họ từ nhiều kiếp và nhờ vào Thần lực Như Lai để giúp họ trở lại trạng thái cân bằng. Nếu có sự can thiệp của Y học, bệnh sẽ khó thuyên giảm, thậm chí có thể người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời.

Ví dụ: Bệnh trầm cảm có nhiều dạng khác nhau như trầm cảm hướng ngoại, bộc lộ ở sự hung hãn rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, có loại lại biểu hiện ở hành vi có xu hướng hướng nội, thu mình sợ giao tiếp, cũng có loại trầm cảm biểu hiện ở hành vi có vẻ tích cực như thích làm việc, hoạt động thái quá, không kiểm soát được hành vi bản thân… Vậy, Vô thức đã điều khiển loại trầm cảm này như thế nào ? Vô thức đã dựa vào quả của nhiều kiếp để hành nghiệp, loại nghiệp này phải sám hối và nhờ Thần lực Như Lai hoạt động tác động trở lại trong trạng thái ban đầu thì sẽ khỏi bệnh. Các loại tâm bệnh khác cũng vậy cần tìm nguyên nhân. Bệnh đa nhân cách là căn bệnh trong một con người có từ hai, ba nhân cách trở lên, loại bệnh này rất khó chữa trị, do Tâm vương đang hoạt động tác động gây nhiễu loạn.

Ngoài ra, còn có những biện pháp trị liệu khác bổ sung, như thiền định nhằm thanh tịnh thanh tâm, xa rời những vọng định điên đảo để tâm được an lạc từng bước, từ đó tâm an lành dần sẽ kéo theo sức khỏe được tăng lên, bệnh tật sẽ đẩy lùi.

Trên đây là một vài nét cơ bản về Tâm lý học trong Phật giáo Đại thừa, hy vọng với những thông tin trong bài viết, sẽ cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn mới về Tâm lý học của Phật giáo.

Người viết xin chân thành cảm ơn Thầy Trần Văn Phú (Chùa Động Hang, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã dày công truyền đạt và hướng dẫn trực tiếp, kính mong được Thầy cùng các quý phật tử và bạn đọc gần xa chỉ giáo thêm.

Tác giả:
TS. Nguyễn Thị Hồng Nga

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *