Pháp tu Lục độ Ba La mật

Pháp Tu Lục độ Ba La Mật (Sáu Ba La Mật) là pháp tu của hàng đại thừa Bồ tát.

Trong kinh Bát nhã ba la mật – Tập 1- Phẩm Vấn Thừa – Trang 242:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Những gì là đại Bồ tát Đại thừa?

Đức Phật nói: Nầy Tu Bồ Đề! Sáu ba la mật là đại Bồ tát Đại thừa.

Đây là sáu ba la mật:

Đàn na ba la mật (tức là Bố thí ba la mật),

Thi la ba la mật (tức là Trì giới ba la mật),

Sằn đề ba la mật (tức là Nhẫn nhục ba la mật),

Tỳ lê gia ba la mật (tức là Tinh tấn ba la mật),

Thiền na ba la mật (tức là Thiền định ba la mật)

Bát nhã ba la mật (tức là Trí tuệ Phật)”.

Pháp tu sáu Ba La Mật tức là pháp tu không chấp trước nhận thức đúng đắn tính chân thật về con người và vũ trụ vạn vật trên cơ sở quan sát về con người và mọi sự vật hiện tượng gọi chung là các pháp.

Sở dĩ các pháp tu này được gắn liền với từ Ba La Mật là vì từ Ba La Mật nói chung nghĩa là đến bờ kia, từ Ba La Mật ở đây ý nói chỉ về chân lý tuyệt đối của con người cũng như các pháp từ bờ kia chứ không phải ở bờ sanh tử này và cũng không phải là chính nó. Do đó chân lý của các pháp chính là ở bờ kia.

Pháp tu sáu Ba La Mật hàm chứa hai phạm trù: Phạm trù thực hiện trong tu tập và phạm trù nhận thức trong tu tập.

Phạm trù thực hiện tu tập đó là thực hiện bố thí, thực hiện trì giới, thực hiện nhẫn nhục, thực hiện tinh tấn, thực hiện thiền định và thực hiện theo trí tuệ Phật.

Phạm trù nhận thức trong tu tập gồm có hai khuynh hướng:

– Khuynh hướng thứ nhất là: nhận thức về con người và vạn vật trong vũ trụ.

– Khuynh hướng thứ hai là: nhận thức về chân lý tuyệt đối của con người và vạn vật trong vũ trụ.

1. Khuynh hướng nhận thức về con người và vạn vật trong vũ trụ: là quán các pháp trong thực tại, là quan sát về con người cũng như vạn vật trong thực tại. Trong quá trình quan sát thấy rằng: Tính chân thật của con người cũng như vạn vật đều rỗng không vì tất cả các pháp đều không sanh, không diệt bởi các pháp không có cái tạo tác. Cái tạo tác là cái tự tánh tự nó tạo tác sản xuất cấu tạo lên chính nó, tạo ra hiện tượng có của các pháp, nhưng các pháp không có cái tạo tác nên các pháp không có tự tánh. Bởi các pháp không có tự tánh để tạo tác sản xuất cấu tạo sinh ra chính nó, do đó các pháp không sanh, không diệt. Vì các pháp không sanh, không diệt nên các pháp rỗng không, vì các pháp rỗng không nên Bố thí ba la mật là không thấy người thí, không thấy vật thí và không thấy người nhận thí.

Như vậy, trong quá trình quan sát về con người và vạn vật trong vũ trụ Đại Bồ Tát thấy rằng: Tất cả các pháp đều không sanh, không diệt nên không thật có.

Trong kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật – Tập 1 – Phẩm Tu Tập Đúng – Trang 60, Đức Phật nói: “… không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức … không có vô minh cũng không có vô minh tận, nhẫn đến không có lão tử, cũng không có lão tử tận”.

2. Khuynh hướng nhận thức về chân lý tuyệt đối của con người và vạn vật trong vũ trụ: là nhận thức về chân lý tuyệt đối tức là nhận thức về nguồn gốc sinh ra con người cũng như vũ trụ vạn vật và cái năng lực tác động cho mọi sự hoạt động qua lại vận động phát triển tồn tại của con người cũng như vạn vật. Nghĩa là quán vào cái tạo tác là quán vào pháp tánh, tức là quan sát vào cái tạo tác sản xuất cấu tạo sinh ra hiện tượng có của con người cũng như vạn vật.

Trong kinh Bát nhã ba la mật – Tập 1 – Phẩm Vấn Thừa – Trang 244, pháp thứ sáu của sáu ba la mật là Bát nhã ba la mật Đức Phật nói:

“Đại Bồ Tát dùng tâm đúng với Nhất thiết trí, chẳng chấp trước tất cả pháp và quán pháp tánh, vì vô sở đắc vậy. Cũng dạy người khác chẳng chấp trước tất cả pháp và quán pháp tánh, vì vô sở đắc vậy. Đây gọi là đại Bồ tát Bát nhã ba la mật”.

Như vậy, quán Bát nhã ba la mật là quán vào pháp tánh tức là quán vào tự tánh của các pháp, Bát nhã ba la mật là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Việt: Bát nhã là trí tuệ, ba la mật là đến bờ kia, như vậy Bát nhã ba la mật là trí tuệ ở bờ kia, đây là trí tuệ Phật không phải là trí tuệ của con người trần gian. Trí tuệ Phật chính là pháp tánh, cũng chính là cái tự tánh tạo tác sản xuất cấu tạo sinh ra các pháp thường trụ trong các pháp và cũng chính là tự tướng tác động cho mọi sự hoạt động qua lại trong vận động phát triển và tồn tại của con người và vũ trụ vạn vật.

Trong kinh Lăng Già – Trang 65 có nói:

“Tự tánh của Như Lai vốn trong sạch thường trụ chẳng đoạn, chẳng có biến đổi đầy đủ ba mươi hai tướng nơi thân của tất cả chúng sanh vì áo nhơ ấm, giới, nhập che khuất nên bị cáu bẩn vọng phân biệt, tham, sân, si sở ô nhiễm, giống như bửu vật vô giá ẩn trong áo nhơ”.

Như vậy, tự tánh của con người cũng như vạn vật là trí tuệ Phật của Đức Phật Như Lai (không phải của Đức Phật Thích Ca) còn con người cũng như vạn vật được sinh ra là do Đức Phật Như Lai.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn – Tập 2 – Trang 105, Đức Phật nói:

“…có thể thị hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi trần đầy khắp mười phương vô lượng thế giới. Thân Như Lai chẳng phải vi trần vì sức tự tại mà thị hiện vi trần thân”.

Đây là sự phân thân của Đức Phật được ví nhiều như cát sông Hằng và sông Hằng nhiều như cát sông Hằng, hoặc được ví nhiều như hải vi trần,tức là những hạt bụi nhỏ chất đầy biển cả còn thân của Đức Phật chẳng phải vi trần.

Như vậy, pháp tánh là cái tự tánh tạo tác là cái vi trần thân của Như Lai tức là một biến thể phân thân của Đức Phật Như Lai làm cái tự tánh tạo tác ra con người và tất cả vạn vật do đó con người cũng như tất cả vạn vật đều không có tự tánh mà tự tánh đó chính là Phật tánh, là trí tuệ Phật, là Bát nhã ba la mật chính là Đức Phật. Do đó chân lý của con người và vũ trụ vạn vật chính là trí tuệ Phật cũng chính là Đức Phật nên “Tất cả các pháp đều là Phật pháp”

Như vậy, trong các pháp tu sáu Ba La Mật đều có hai phạm trù là thực hiện và nhận thức một cách đúng đắn về các pháp. Đại Bồ Tát vừa tu hành thực hiện vừa hướng dẫn chúng sanh tu hành thực hiện và chỉ ra cho chúng sanh thấy được sự thật của con người, vạn vật trong tự nhiên, chỉ ra được chân lý tuyệt đối của vũ trụ vạn vật đều do Đức Phật sinh ra nên không chấp trước các pháp là thật có.

Các bạn đọc giả thân mến chúng tôi là những người rất may mắn được Quý Thầy trực tiếp hướng dẫn tu hành, giảng giải chỉ bảo tận tình nên đã thấu hiểu được chân lý tuyệt đối của vũ trụ vạn vật mà Đức Phật Thích Ca đã chỉ ra trong giáo pháp đại thừa của Ngài. Muốn chia sẻ nêu ra để các bạn đọc tìm hiểu đối chiếu với bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày, nếu thực hiện được như những lời luận giải trong pháp sáu Ba La Mật thì cuộc sống của các bạn sẽ luôn tự tại an vui, không còn những chấp trước, tham lam, sân hận, lo âu, phiền não trong mưu cầu cuộc sống.

Chúc các bạn đọc giả sớm hiểu được chân lý tuyệt đối của con người cũng như mọi sự vật hiện tượng đang tồn tại trong thế giới tự nhiên ở xung quanh chúng ta.

Trong quá trình luận giải không tránh khỏi những thiếu sót, mong quý đọc giả góp ý. Xin chân thành cảm ơn!

Xin vui lòng nhấn vào tệp dưới đây để đọc tiếp:

PHÁP TU LỤC ĐỘ BA LA MẬT

Di Tích Danh Thắng Chùa Hang, Thị xã Hồng Lĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh

Ngày 01 tháng 03 năm 2018

Phạm Thị Mý – Phạm Thị Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *